Duyên khởi Đức Phật dạy may chiếc y hình thửa ruộng xứ Ma Kiệt Đà
Ảnh minh họa.
Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến Dakkhiṇāgiri. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên xung quanh, được kết nối bằng những đường biên ngắn ở giữa, được kết nối bằng những mảnh vuông ở chỗ giao nhau, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng:
– “Này Ānanda, ngươi có nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha của chúng ta được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên xung quanh, được kết nối bằng những đường biên ngắn ở giữa, được kết nối bằng những mảnh vuông ở chỗ giao nhau không?”
– “Bạch ngài, thưa có.”
– “Này Ānanda, ngươi có khả năng tạo nên các y có kiểu mẫu như thế cho các vị tỳ khưu không?”
– “Bạch Thế Tôn, con có khả năng.”
Sau đó, khi đã ngự tại Dakkhiṇāgiri theo như ý thích, đức Thế Tôn đã quay trở về lại thành Rājagaha. Khi ấy, đại đức Ānanda sau khi tự mình tạo nên các y cho nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:
– “Bạch ngài, xin Thế Tôn hãy nhìn xem các y con đã tự mình tạo nên.”
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
– “Này các tỳ khưu, Ānanda thật sáng trí. Này các tỳ khưu, Ānanda có đại trí tuệ bởi vì vị ấy hiểu ý nghĩa một cách đầy đủ của điều đã được ta nói ra một cách vắn tắt.
Trích Tạng Luật, Đại Phẩm 2, Chương Visakha.