Đường về nẻo thiền

Sớm nào cũng vậy, hễ sư thầy đánh thức điệu Sanh dậy để đi học là điệu lại làm biếng. Mùa thu ở miền cao này mỗi buổi tối hơi đá phả ra, đến tận lúc trời sáng ai cũng thèm trùm chăn ngủ thêm chút nữa.

 

Điệu Sanh mắt ngái ngủ, cứ nằm ì ra. Có khi thầy phải xốc lấy hai nách điệu kéo ra khỏi mùng màn. Sanh khóa chéo hai chân lại, ưỡn thẳng người, gân cơ căng cứng, cố ý đừng để ai lôi mình dậy.

Thầy vừa bồng điệu Sanh, vừa nhỏ nhẹ:

– Dậy thôi con. Sáng trợt sáng trời rồi.

Rồi thầy bế hẳn Sanh xuống khỏi giường. Khi hai chân điệu vừa chạm đất là thầy thốt lên “ui, xịch”.

Hôm ấy là ngày tựu trường nên thầy đánh thức điệu Sanh dậy sớm hơn mọi ngày. Miễn cho điệu ấy việc tụng kinh đầu ngày. Thầy chỉ cử mấy hồi chuông rồi đi rửa mặt mày tay chân cho điệu Sanh. Lát sau Sanh đã tỉnh hẳn, quay sang nói với thầy:

– Lát thầy dẫn con đến trường nghe thầy.

– Ừ, thầy đưa con tới cổng thôi.

Điểm tâm sáng xong, thầy lấy ra bộ áo quần lam mới. Bộ áo quần này do chị bán vải ở chợ tặng cho điệu Sanh nhân ngày chú ấy nhập học. Sanh mặc áo quần vào, ngửi mùi vải thơm, tự dưng thèm đến trường. Thầy lấy chiếc mũ xà cút tứ ân màu xanh lá mạ đội lên đầu Sanh. Ngắm nghía chú tiểu của mình. Trông cũng hay hay. Lần đầu tiên Sanh mới đội mũ chóp tứ ân nên điệu thấy hơi cấn cái, cứ ngúc ngoắc đầu rồi hỏi thầy sao gọi nó là mũ tứ ân. Thầy nói tứ ân là bốn ân lớn cần đặt lên trên đầu. Thứ nhất là ân cha mẹ, thứ hai ân thầy cô bạn bè, thứ ba ân quốc gia xã hội, và ân Tam bảo nữa là thứ tư.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thầy khoác lên vai điệu Sanh chiếc túi xách may bằng vải lam bên trong đựng ba quyển vở với cây bút.

– Chà, ra dáng học trò thư sinh dữ nghe. Gắng học con. Đến trường có bạn bè chơi vui lắm, nhưng đừng hoang nghịch. Đến trường phải nghe lời thầy cô.

Sanh dạ, rồi hai thầy trò cùng men theo con đường mòn tới trường.

Sanh không đi học lớp vỡ lòng, nhưng từ lúc vào chùa sư thầy đã dạy cho điệu toàn bộ bảng chữ cái. Nhờ vậy nên mới tới trường chưa đầy một tháng, Sanh đã ghép chữ đánh vần được. Vì thế điệu rất thích đọc, hễ gặp bất cứ nơi đâu có hình thù chữ cái là điệu dừng lại đọc cho bằng được mới chịu đi. Hôm đi học về, ngang qua một quán nhỏ nằm bên chân núi, Sanh đọc biển gỗ nhỏ màu xanh treo nơi thân cây. Bảng chữ hai câu xếp theo hai hàng. Hàng trên màu vàng ghi chữ: “Quán nhậu bình dân”. Phía dưới ghi: “Chùa cách 100 mét”, chữ màu trắng nhỏ hơn.

Tấm biển này mới đóng lên cách đây mấy hôm. Đang mùa lễ hội, biết khách thập phương tụ về chùa đông, đường về chùa lại khó tìm nên chủ quán đề thêm cái dòng chữ chỉ dẫn phía dưới. Có người khen chủ quán cũng có tấm lòng. Nhưng lại có người bảo như thế chẳng qua là một cách câu khách. Đa phần người lên chùa đều cố giương mắt tìm một vài chỉ dẫn. Và cứ thấy biển chữ là người ta đọc xem có phải hướng dẫn không. Nhưng đập vào mắt người ta dòng chữ quán nhậu trước tiên, to và rõ hơn dòng chữ hướng dẫn lên chùa. Vài người nói ra nói vào làm vậy không có được. Thà không chỉ dẫn còn hơn là chỉ dẫn thiếu nhã nhặn.

Đường lên núi đã khó, leo dốc từ dưới kia lên đây đã mệt, chỉ mong tới được chùa. Dẫu còn một trăm mét thôi nhưng giữa hai dòng chữ ấy, giữa hai lối ấy, một lên chùa, hai đi vào quán, thời ai cũng muốn ghé vào nghỉ chân chút. Đàn bà mệt uống nước, nhưng đàn ông khát cứ thèm ngụm bia cho khỏe. Trừ số ít người mặc áo lam đến chùa, còn phần nhiều cánh đàn ông khi vào chùa đều đã có mùi men.

Điệu Sanh nói với thầy:

– Hôm bữa có một bác đến chùa ôm lấy con mà mùi bia rượu nồng nặc. Tại cái quán kia bán đồ nhậu đó thầy.

Thầy cũng biết điều đó, nhưng cấm người ta sao được. Thầy chỉ quản lý được ngôi chùa nhỏ này và khuôn viên chừng một mẫu đất, dưới kia là của người ta rồi. Mà đường về nẻo thiền thì dài và trắc trở, người ta mệt muốn nghỉ ai dám cấm. Đường về nẻo thiền của thầy và các chú tiểu cũng còn dài và trắc trở, chính thầy cũng đâu có dám tin tưởng mình đi trọn vẹn và thông tâm được. Bằng chứng là mỗi cuối tuần thầy đều cho điệu Sanh ăn một bữa mặn ở cái quán ấy. Điệu Sanh còn nhỏ, cần có chút mặn mòi để lớn. Thế có khi thầy cũng duồng theo người ta rồi chứ chẳng chơi. Chao ôi, cùng trên một tấm biển mà có hai lối đi. Chay và mặn, đạo và đời, tịnh và phàm sao gần nhau quá.

Một hôm, điệu Sanh về muộn hơn thường ngày. Cái tính mải chơi ham vui của điệu ấy khiến cho sư thầy lo lắng. Thầy bảo điệu Năng đi tìm coi điệu Sanh ở đâu. Năng lớn hơn Sanh hai tuổi, tính tình lại ôn hòa nhẹ nhàng và biết nghe lời nên thầy nhủ cái là Năng đi ngay. Năng cũng thương Sanh như em ruột, nên nếu thầy lo cho Sanh mười phần thì Năng cũng lo cho sư đệ sáu bảy. Điệu Năng rảo bước lần theo đường về dưới phố, vừa đi vừa niệm chú Quán Thế Âm để cầu mong không có điều gì bất trắc xảy ra với sư đệ.

Đến ngang quán nhậu, mùi thơm thịt hầm đã xốc ngay vào mũi. Nước bọt cứ ứa ra chèn lấy cổ họng Năng khiến điệu không thể niệm chú được nữa. Bước chân cũng nhấc chậm lại, nặng nề hơn. Điệu Năng thấy túi vải của Sanh móc ở cổng nên an tâm chắc sư đệ đang ở đây. Năng bước đến nép tựa vào gốc cây nhìn. Điệu Sanh đang ngồi trong bàn ăn. Chễm chệ như bao thực khách khác. Trước mặt là tô bún bò bốc khói ngậy. Điệu Năng nhớ sư thầy dặn rằng, trời đánh tránh bữa ăn. Đừng quấy rầy lúc người ta đang ăn mà mắc tội. Thế nên điệu cứ đứng ngoài đợi cho Sanh ăn xong bước ra chứ không gọi.

Điệu Sanh ăn xong, cảm giác khoái khẩu vẫn còn. Một xíu lá hành xanh còn dính bên mép môi. Năng đưa tay quệt đi cho sư đệ. Sanh hỏi:

– Huynh tới lâu chưa, sao không vào ăn cùng em?

– À, cũng mới. Tui không được phép Sanh ạ. Về thôi. Thầy mong.

Đi một chặng, điệu Sanh quay sang nói với Năng:

– Hôm nào huynh lén đi ăn mặn với em nghe.

Điệu Năng không nói gì. Có vẻ cũng thèm đấy, nhưng ngay lập tức phải loại trừ ham muốn ấy đi. Thầy dặn rồi, cái gì có mầm nguy hiểm đừng nên tiến hành, ý nghĩ nào phạm giới nên ngưng ngay. Năng nói:

– Hôm nay chưa cuối tuần sao Sanh ăn mặn vậy. Sư thầy quở chết.

– Hì, tại em đói quá. Sáng nay giờ ra chơi chạy nhảy nhiều mau đói. Mà thầy không nạt em đâu.

Hai chú tiểu về đến chùa. Sư thầy đã ngồi bên mâm cơm chờ ăn cùng. Thấy đệ tử, thầy hỏi:

– Sao đi học về muộn thế con. Lại ham chơi đẩu đâu đúng không?

Năng đỡ lời cho sư đệ:

– Điệu Sanh mải hái hoa thôi thầy ạ!

Hai chú tiểu cùng vào mâm cơm. Sanh thò đũa chọn một vài hạt đậu lạc ướp xì dầu rồi thôi.

– Sao ăn kỳ vậy con? – Thầy hỏi.

Sanh nhanh nhảu đáp:

– Dạ, lúc nãy con ghé vào “quán nhậu bình dân chùa cách một trăm mét” ăn bún bò rồi thầy.

Năng nghẹn đi. Thế là điệu Sanh nói thật rồi. Mất công Năng nói đỡ cho điệu Sanh.

Sau bữa cơm, thầy trách khéo điệu Năng:

– Hôm nay con vừa phạm hai lỗi. Thứ nhất là nói dối thầy. Thứ hai là bao biện cho sư đệ. Như thế là không nên. Đừng có ủng hộ cho cái sai của người khác con ạ. Làm vậy là mình cũng sai theo.

Đêm trăng non, thứ ánh trăng mong mỏng khiến sư thầy thích uống trà. Dù biết rằng buổi tối mà uống trà là khó ngủ. Hai chú tiểu đang ngồi học bài trong tịnh thất. Thầy nhẹ nhàng đi lấy nước sôi, tự tay pha một ấm trà nhạt rồi bưng ra đặt nơi chiếc bàn kê đầu hiên. Có lần, điệu Năng buổi tối ra ngồi ở chiếc bàn này ngắm trăng, vẻ nhơ nhớ một điều gì đấy. Cái cảnh trăng đêm dễ khiến người ta thèm bầu bạn, thèm tự do và nhớ một chốn nào đó xa xôi. Bữa ấy thầy biết Năng thèm về với đời, nhưng quê ở đâu mà về, điệu Năng bị bỏ rơi trước cửa chùa từ khi đỏ hỏn. Sau lần đó thầy cố ý không cho các đệ tử ngồi ngắm trăng đêm nữa, sợ những phút giây xao lòng làm lệch lạc chí hướng tu tập. Thế mà đêm nay thầy ngồi ngắm trăng và uống trà.

Cái biển gỗ treo ở quán nước gần chùa ám ảnh thầy. Dù chỉ mới nghe qua lời kể của điệu Sanh chứ thầy chưa tận mắt nhìn thấy. “Quán nhậu bình dân, chùa cách một trăm mét”. Gần quá. Buổi tối tiếng khách rôm rả dưới ấy thỉnh thoảng vẫn vang lên đây. Thiên thời địa lợi. Trời đẹp, quán nằm treo bên bìa rừng. Đối với người thích du hí thì không quản ngại chạy năm cây số đường đêm để tìm một chốn hữu tình.

Địa cơ ở đây tốt, chùa chắc sẽ nên thôi. Hồi sư thầy mới về gây dựng chùa đã có một cụ ông trong làng đến xem đất mà nói vậy. Nhưng ở đời cái chỗ tốt không chỉ riêng mình biết, cái miếng ngon đâu chỉ riêng mình dùng. Chốn đẹp có chùa thì cũng có dịch vụ quán xá nổi lên. Mấy cái quán bán nước cho khách nghỉ chân, bán nhang đèn cho người ta viếng Phật thì không nói làm chi. Đằng này tự dưng quán làm thêm dịch vụ nhậu nhẹt. Mà còn treo tấm biển lạ kỳ. Nhưng thầy không cấm được. Cõi người lắm tham sân. Nhiều khi vì miếng cơm manh áo buộc lòng người ta làm những điều mình cần, dầu biết việc ấy gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Thầy cũng không buồn nhiều về chuyện đó, thầy chỉ lo cho các đệ tử của mình thôi. Trước đây đã có vài đệ tử bỏ thầy mà đi. Rời đạo về với đời. Thầy tự trách cái đức của mình ít, chỉ đủ để tu dưỡng cho bản thân chứ chưa nâng đỡ được nhiều đệ tử.

Hai chú tiểu vẫn đi học qua về con đường ấy. Chỉ một con đường dẫn từ chùa xuống núi để đến trường mà thôi. Điệu Sanh học buổi sáng, điệu Năng học buổi chiều. Cứ cuối buổi chiều, lúc Năng đi học về là quán thường có khách ngồi nhâm nhi. Đôi khi điệu Năng đi quá một đoạn rồi nhưng vì mùi thơm hành mỡ khiến điệu chững lại, đi chậm hơn. Cho đến khi nghe tiếng chuông chùa điệu mới rảo bước đi cho dứt được. Vài lần điệu Năng đi học về muộn hơn, sư thầy biết là điệu ấy bị cái mùi mặn mòi ngoài kia làm chậm bước chứ Năng chẳng ham chơi như điệu Sanh đâu. Thế nên canh chừng lúc điệu Năng gần về tới chùa là thầy thỉnh mấy tiếng chuông vọng ra.

Một hôm điệu Sanh hí hửng báo với thầy cái biển gỗ ở quán đã không còn nữa. Quán vẫn bán bình thường nhưng chỉ cất tấm biển đi thôi. Thầy ừ với điệu Sanh một tiếng. Rồi nghĩ, cái biển đã cất đi nhưng đường về nẻo thiền vẫn chỉ một lối ấy. Đường đạo đường đời chung nhau, dầu có chỉ dẫn hay không thì điều quan trọng là do người đi mà thôi.

Hôm khác đi học về, điệu Năng vẻ buồn buồn, mếu miệng nói với thầy:

– Thầy ơi, con không đi đường ấy nữa đâu.

Sư thầy xoa vai Năng an ủi:

Có một con đường ấy thôi con, chẳng thể còn lối nào khác. Đi cho khéo là được.

Truyện ngắn của Hoàng Công Danh