Dùng khổ để trừ ác nghiệp

“Đau khổ này là một bài học cho ta. Bài học này dạy rằng nếu không muốn khổ nữa thì phải từ bỏ nguyên nhân của nó là các hành vi phi đạo đức”.

Những rắc rối ta gặp có thể được dùng để tiêu trừ ác nghiệp. Hãy nghĩ: “Mọi rắc rối ta gặp điều do ác nghiệp gây ra.” Hãy nhớ đến bốn khía cạnh của nghiệp và áp dụng chúng vào những chuyện rắc rối đang xảy đến với mình: một là định nghiệp khó tránh; hai là nghiệp có tính bành trướng thêm; ba là không gây nhân thì không gặt quả; bốn là khi đã được tạo nghiệp không bao giờ mất.

Ví dụ khi gặp bất hoà với bạn bè hay mất người yêu, hãy nhớ đến nghiệp xấu đặc biệt của mình trong đời này. Cũng cần phải nhớ trong các đời trước ta đã tạo nghiệp xấu trong quá khứ: có lẽ xưa kia vì ích kỷ ta đã từng ngoại tình, từng gây chia rẽ.

Hãy nghĩ: “Ta đã tạo nghiệp thì nhất định phải chịu hậu quả. Sở dĩ tôi cứ phải gặp mãi những rắc rối này chính là vì nghiệp sinh sôi nảy nở. Nếu khi xưa tôi từ bỏ ngoại tình và những nhân xấu khác thì ngày nay tôi đâu có phải chịu những quả ác này. Gia đình tôi cứ lục đục mãi chính là vì kiếp trước tôi không từ bỏ tà hạnh. Nếu kiếp trước tôi sống có đạo đức giới hạnh, thì kiếp này tôi đã được vui vẻ hạnh phúc. Vì không tạo nghiệp tốt nên tôi không được quả tốt.”

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Dù cả hàng trăm thế kỷ sau bạn chưa lãnh thọ quả báo, nghiệp đã tích luỹ hàng trăm thế kỷ về trước cũng không bao giờ mất. Khi gặp đủ thời tiết nhân duyên, thì nghiệp chín. Do đó, hãy nghĩ: “Trong quá khứ, với cái thân tứ đại luôn chống trái nhau này tôi đã không tịnh hoá ác nghiệp, không theo phương pháp cứu khổ, con đường giải thoát Tôi đã không tạo cơ hội để chặn đứng quả báo của ác nghiệp nên nay tôi phải lãnh chịu.” Hãy áp dụng 4 khía cạnh của nghiệp vào rắc rối hiện tại của bạn như thế.

Nghĩ như thế rồi hãy tự nhủ: “Đau khổ này là một bài học cho ta. Bài học này dạy rằng nếu không muốn khổ nữa thì phải từ bỏ nguyên nhân của nó là các hành vi phi đạo đức”. Đối với bất cứ nghiệp xấu nào đã được tích luỹ trong thời quá khứ, điều phải làm trước hết là phải nhìn nhận lỗi lầm do có cái thân tứ đại rồi tiếp theo cần phải chấm dứt tạo thêm nghiệp xấu. Như thế, đau khổ trở thành bài học rất có giá trị.

Thí dụ, sau khi dùng phù phép để giết nhiều người và vật, Milarepa nghĩ: “Sao tôi ác độc thế, tôi phải sám hối lỗi lầm và thực hành Phật Pháp.” Milarepa được người đã dạy Ngài các phù phép khuyên đến gặp Marpa. Với niềm ao ước mãnh liệt được tu tập, Milarepa đến yết kiến Marpa, và sau đó đã giác ngộ.

Cũng vậy nhiều người, sau khi gặp lắm gian nan đã quá chán ngán đời sống thế tục, đi tìm bậc đạo sư, thọ giáo với Ngài rồi sống ẩn cư nơi thanh vắng. Họ tu tập và chứng đắc ba quả chính yếu của đạo lộ vốn là những chứng đắc cao quý của mật tông, và cuối cùng giác ngộ. Điều này đã xảy ra nhiều lần với nhiều người: cư sĩ, tăng và ni. Ban đầu, họ không có ý định dấn thân trọn vẹn cho Phật Pháp, nhưng sau khi trải qua quá nhiều khủng hoảng, họ mạnh mẽ phát tâm xuất gia. Sau đó, họ trở thành những tu sĩ Phật giáo thuần tuý nỗ lực tu tập dù gặp trở ngại và đắc những quả chứng rất cao trên đạo lộ.

Không phải chỉ kiêng làm các nghiệp cực ác, mà còn phải cố gắng từ bỏ cả những hành vi xấu dù nhỏ nhặt, càng nhiều càng tốt. Vì không những bạn muốn tận hưởng đỉnh cao của khoái lạc mà còn muốn có những tiện nghi nhỏ cả đến một giấc mộng đẹp. Và không những bạn không muốn gặp rắc rối to, mà những bất tiện nhỏ, một giấc mộng khó chịu bạn cũng không muốn có. Vì thế, bạn nên từ bỏ những hành vi bất thiện dù nhỏ bé.

Lama zopa Rinpoche