Đức thanh tịnh là căn bản đạo Phật
Cứ gạn lọc tư tưởng, tăng trưởng đức lành thì ngôn ngữ hành động theo đó mà thanh tịnh. Con người đã thanh tịnh sẽ thanh tịnh hóa hoàn cảnh.
Muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp mà không lo hoán cải từng con người thì thật là chuyện mò trăng đáy nước. Đức A Di Đà đã thành tựu cõi An Lạc làm trung tâm xây dựng các vị Phật tương lai. Đức Thích Ca hướng dẫn chúng ta, chẳng những các bậc đã thành niên mà tất cả già trẻ nam nữ, Phật đều khuyên: “Nếu có ai tin thì đều nên phát nguyện sinh sang cõi kia”.
Cầu sinh về An Lạc tức là tu Tịnh độ, đặc biệt tu hạnh thanh tịnh. Thanh tịnh là trong sạch.
Trong sạch không có nghĩa chỉ tránh duyên cảnh trần tục mà phải chuyển hẳn năm cốt lõi vô minh ngũ trược:
1. Kiếp trược (sắc ấm: 6 căn + 6 trần).
2. Kiến trược (thọ ấm: Khổ vui).
3. Phiền não trược (tham sân si).
4. Chúng sanh trược (chuyển biến luân hồi sanh tử).
5. Mệnh trược (thức ấm: Thấy nghe hay biết) trở về chân tánh Thường Tịch Quang.
Con đường dài xa này dĩ nhiên chúng ta phải đi từng bước (từng niệm) thận trọng và tỉ mỉ. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT: Quay về tánh Phật Vô Lượng Quang Thọ.
Hoa sen sanh ra từ bùn mà vẫn ngạt ngào thơm tho vì bản chất nó trong ngó trắng ngần. Đức Phật thấy rõ muôn loài hàm linh đồng một Phật tánh Vô Lượng Quang Thọ.
“Ta là Phật đã thành. Các ngươi là Phật sẽ thành. Tin chắc được như thật. Giới thể coi như đã thành tựu”.
Muốn thực hiện đức thanh tịnh, trước nhất phải tu thân nghiệp. Thân thể y phục sạch sẽ đoan chánh. Tránh tất cả xa hoa phù phiếm vô ích. Phật tử lập đức thanh tịnh phải vâng giữ nghiêm chỉnh 3 giới sát sanh, trộm cắp, dâm dục. Đây là lời dạy bảo quyết định thứ nhất của các đức Như Lai.
Không bao giờ ỷ tài năng thế lực, đánh đập lấn hiếp người và vật. Cho đến một cái nhìn ngạo nghễ, một cử chỉ khinh mạn cũng không bao giờ tự cho phép. Tránh xa những hành động xấu như người sáng mắt tránh xa hầm hố.
Bàn tay Phật tử lúc nào cũng lo xoa dịu những vết thương cho người đau khổ. Lau sạch nước mắt cho các cụ già cô đơn và các cô nhi bơ vơ. Thanh tịnh nghiệp tức là tránh tất cả ác, cố gắng làm tất cả lành.
Tâm thanh tịnh, vô ưu, ngời sáng
Khẩu nghiệp
Vọng ngữ có 4: nói dối, hai lưỡi, nói ác và phù phiếm thêu dệt. Luật dạy: “Lưỡi búa bén nằm sẵn trong miệng. Lời nói ác chém người giết mình”. Không chỉ mắng chửi trù rủa mới là ác mà có khi ngọt như đường, êm như nhạc, miễn là cứ có ý lừa dối hoặc làm hại, đều thuộc về vọng ngữ.
Phật tử giáo hóa chúng sanh, đưa người ra khỏi rừng mê. Bậc đạo đức từ tâm hòa dịu những oán thù, an ủi những uất hận, khuyên can những lầm mê, phấn chấn những thất chí, lau cạn những nguồn lệ thảm.
Tóm lại tất cả những lời nói chân thật hòa nhã lợi ích đều thanh tịnh, là chỗ hàng ngày lập hạnh của Phật tử.
Ý nghiệp
Động cơ chính để gây tội ác hay tạo phước thiện vẫn là tâm ý. Tư tưởng đóng vai chủ nhân trọng yếu trong đời người. Nên hư, tốt xấu, tiến thoái, đều do tâm tư quyết định. Bổn phận chính của Phật tử là quay về mình, đào thải những sai quấy, bồi dưỡng những tốt lành. Anh dũng chiến thắng bọn tham, sân, si, tự ái, ngạo mạn. Đuổi chúng ra khỏi tâm giới. Phiền não làm rối loạn ngầu đục tâm hồn nên Phật tử phải lo thanh trừng.
Phật tử cần tăng trưởng từ bi hỷ xả. Trồng lúa khoai thì cỏ đỡ mọc. Bài trừ phiền não không cho khắn chặt vào tâm, chỉ có cách vun bồi bốn đức Từ Bi Hỷ Xả.
Tóm lại cứ gạn lọc tư tưởng, tăng trưởng đức lành thì ngôn ngữ hành động theo đó mà thanh tịnh. Con người đã thanh tịnh sẽ thanh tịnh hóa hoàn cảnh. Như người văn minh trí thức về thôn dã sẽ giúp thôn quê ai nấy biết giữ vệ sinh, biết đọc biết viết. Dần dần cùng nhau thành lập bệnh viện, trường học, phố chợ v.v
Đức Phật muốn trang nghiêm cõi Tịnh độ, lợi ích suốt đời vị lai pháp giới hữu tình, trước hết Ngài tự giác giác tha cho tới giác hạnh viên mãn.
Kinh dạy: “Ba nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Thế mà một số người niệm Phật cầu vãng sanh lại không cẩn thận trai giới tinh nghiêm, thật là trái lẽ.
Đức thanh tịnh là căn bản đạo Phật. Một xã hội Phật tử là một xã hội Thánh Hiền.
Sư bà Hải Triều Âm