Đức Phật và những di huấn sau cùng

Đức Thế Tôn nhập niết-bàn (tranh Phật giáo nước ngoài)

Đức Thế Tôn nhập niết-bàn (tranh Phật giáo nước ngoài)

Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.

 

Ngài nói: “Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến 80 tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng”. Mặc dù vậy, Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ca thán. Ngài vẫn không nghỉ ngơi mà tiếp tục đi giáo hóa. Trăn trở trước những vấn đề mà Tăng đoàn chuẩn bị đối mặt khi Ngài sắp nhập diệt, Ngài tự nghĩ: “Thật không hợp lẽ nếu Ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận Ta, không từ biệt chúng Tỷ-kheo”.

Qua đây có thể thấy được rằng, trước lúc đi xa, Thế Tôn vẫn muốn dặn dò lại chúng đệ tử xuất gia, những bậc sau này sẽ gánh vác trọng trách hoằng pháp lợi sinh. Nếu Ngài ra đi mà không di huấn, chắc chắn rằng Tăng đoàn sẽ bị xáo động, không biết nương tựa vào đâu, dẫn đến không hòa hợp. Những việc này đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của bậc Đạo sư.

Pháp và Luật là Đạo sư

Suốt hơn 40 năm hành đạo, Đức Phật chưa bao giờ xem bản thân mình là người thống lĩnh Tăng đoàn. Những điều cần thiết trên con đường giải thoát, Ngài đã chỉ dẫn mà không giấu giếm bất cứ điều gì. Ngài chỉ muốn các đệ tử cần phải nương vào Pháp mà tu tập, không cần thiết phải có người lãnh đạo. Vì vậy, Đức Phật dạy: “Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài, vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít giáo lý bí mật chưa giảng dạy).” Những lời nhắc nhở cuối cùng của Ðức Phật không nhằm để tôn vinh vai trò Đạo sư, cũng không xuất phát từ động cơ phát triển tôn giáo hay chủ thuyết của mình, mà chỉ vì lòng đại bi thương yêu đệ tử muốn cho họ được sớm thành tựu giải thoát.

Đức Phật từng dạy: “Các Đức Như Lai giảng dạy Chánh đạo, nhưng chính các ngươi phải làm việc của mình”. Có thể thấy rằng, Đức Phật đã tìm ra con đường đi đến giải thoát, Niết-bàn. Nhưng đi đến giải thoát, Niết-bàn đó hay không, chúng ta phải tự bước trên con đường ấy. Chính vì điều này nên Đức Phật không muốn bất cứ ai, kể cả những vị Tỷ-kheo đệ tử cũng không nên nghĩ Ngài là người điều khiển Tăng-già.

“Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: ‘Lời nói của bậc Ðạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo sư (giáo chủ)’. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo sư của các ngươi”.

Ngài đối đãi hài hòa bao dung đối với chúng Tăng, không nghĩ mình là vị giáo chủ. Ngài cũng không muốn chúng Tăng ỷ lại vào mình, mà hãy lấy Pháp và Luật làm nguyên tắc sống cho cộng đồng Tăng-già. Cần phải siêng năng học hỏi giáo lý, trau dồi giới hạnh và thực tập thiền định để mở mang trí tuệ, không cần phải bôn ba tìm kiếm sự giải thoát bất cứ nơi đâu. Lời giáo huấn rất thiết tha và nhân bản, con người là chủ nhân của chính mình, có thể tạo cho mình đời sống hạnh phúc hay khổ đau. Ðức Phật không phải là một vị thần linh hay thượng đế có quyền năng ban phúc giáng họa, hay ban cho mình sự giác ngộ. Nên đừng ỷ lại vào Ngài, Ngài không phải là người thống lĩnh Tăng đoàn. Vậy Tăng đoàn cần phải nương nhờ vào đâu để tu học, phát triển?

Đức Phật và những di huấn sau cùng ảnh 1

Suốt hơn 40 năm hành đạo, Đức Phật chưa bao giờ xem bản thân mình là người thống lĩnh Tăng đoàn

Nương tựa vào Chánh pháp

Giữa biển cả mênh mông, hải đảo chính là nơi bình yên cho tàu thuyền về nương tựa. Vì sợ những người sau đi tìm một người lãnh đạo để nương tựa hay một chân lý bên ngoài, nên trong những phút cuối cùng, Đức Phật dạy: “Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi”.

Chánh pháp là chân lý bất diệt mà Đức Phật đã thuyết giảng cho nhân loại. Chắc chắn rằng Chánh pháp không phải là một cái gì đó trừu tượng, mù quáng, tối tăm vượt ngoài khả năng hiểu biết của con người, mà đó là một thực tại và bất cứ một người nào cũng có thể đạt đến. Nó không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Pháp mà Đức Phật dạy cốt để đưa con người từ tối ra sáng, từ vô minh đến trí tuệ. Ngài không bao giờ nói ra những điều chỉ để thỏa mãn tò mò tri thức. Quan điểm của Đức Phật tràn ngập tinh thần tự do, cầu thị và bao dung. Đức Phật bao dung đến nỗi không bao giờ dùng uy quyền để ra lệnh cho các tín đồ. Ngài chỉ khuyến khích chúng đệ tử việc này nên làm, việc kia không nên làm, chứ không hề ra lệnh bắt buộc.

Trong lời dạy đặc biệt quan trọng này, Đức Phật đã chỉ rõ và kêu gọi đừng nên tin tưởng hay đi tìm bất cứ một con đường nào khác, tránh việc cầu xin, dò dẫm mà đi nhầm đường, hãy nương tựa vào lời dạy của Ngài đã đúc kết để có thể hướng đến một tương lai tươi sáng. Chính Ngài trước kia cũng tự nương vào bản thân mình mà thành đạo. Nếu ai sống chú tâm trong sự tu tập, có chánh niệm trong tất cả mọi hành động, dầu không cầu xin được giải thoát thì vị ấy vẫn được giải thoát.

Ngài trao cho con người quyền được tự do, không có bất cứ một điều gì ràng buộc. Bởi vì con người muốn thoát khổ, thì chính họ phải làm điều đó. Đức Phật như là vị lương y, giáo pháp như thuốc chữa bệnh, có lương y và thuốc mà bệnh nhân không uống thì bệnh vẫn không lành, lỗi không phải do thầy thuốc mà do chính người bệnh. Cũng vậy, sự giải thoát tùy vào sự trực nhận chân lý, chứ không phải phụ thuộc vào sự cầu xin một ân huệ của thần linh hay quyền năng bên ngoài.

Cúng dường tối thượng

Vào đêm cuối khi Đức Phật trú tại rừng sala, các cây sala song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai. Những điều này không được Đức Phật ca ngợi. “Này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các người phải học tập như vậy”.

Những hoa thơm, vật lạ bên ngoài chỉ là hình thức tô bồi, nó sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài và không đem lại giá trị nào cả. Cũng vậy, Ngài biết được sau này chúng Tỷ-kheo phần lớn sẽ chú trọng hình thức bên ngoài mà không đi chuyên sâu vào phần nội dung cốt lõi của sự tu tập, nên Ngài căn dặn rất kỹ. Từ sự đánh thức này, Ngài dạy chúng Tỷ-kheo cần phải tu tập và thực hành Chánh pháp. Đây mới là năng lực mạnh mẽ làm chuyển đổi phẩm chất xấu xa tồn tại trong con người của mình. Các hình thức bên ngoài chỉ là phương tiện mà thôi, còn tu tập hướng đến sự giải thoát cho chính mình mới là cứu cánh của người xuất gia. Thực hiện như vậy mới thật sự là cúng dường tối thượng theo lời Đức Phật dạy.

Làm lợi ích cho đời

“Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ngươi, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Có thể thấy trước khi nhập Niết-bàn, Đức Phật cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của hàng xuất gia là truyền bá giáo lý của Ngài đến với chúng sinh, lấy chúng sinh làm đối tượng để phụng sự. Ngài dặn dò hàng đệ tử xuất gia của mình phải khéo học hỏi, tu tập thì mới có thể đi truyền bá, phổ cập đạo giác ngộ cho nhân sinh, để cho Chánh pháp được trường tồn lâu dài, vì lợi ích cho số đông.

Pháp mà Đức Phật nhắc đến được xây dựng dựa trên nền tảng Giới, Định, Tuệ. Mối quan hệ của ba phần này không thể phân ly. Nhờ trí tuệ mới đưa đến đoạn trừ phiền não, ô nhiễm, giống như lưỡi gươm cắt đứt mối dây ràng buộc. Chúng ta chỉ có thể đạt được an lạc, hạnh phúc, lợi ích thật sự khi có trí tuệ, chứ không phải cầu xin một đấng nào đó ban rải bởi không thể chuyển hóa bằng niềm tin. Vì vậy mà Đức Phật nhấn mạnh chúng Tỷ-kheo cần phải học hỏi, tu tập thực chứng Chánh pháp để đạt được trí tuệ, đây mới là tài sản quý báu nhất của người tu. Vì khi thực chứng được Pháp, chúng ta mới có thể thoát ra khỏi đầm lầy khổ đau và có khả năng giải quyết những khổ đau mà chính chúng ta và nhân loại đang đối mặt. Từ đó mới có thể đi vào đời để phụng sự chúng sinh.

Có thể thấy rằng, Pháp mà Ngài chứng ngộ và giảng dạy là con đường của bi trí. Nếu con người có sự nỗ lực, chắc chắn sẽ đạt đến đích chân, thiện, mỹ. Muốn độ sinh trước hết phải học tập phương pháp cứu độ. Khi các vị Tỷ-kheo đã nỗ lực học hỏi giáo pháp thì cần phải dấn thân, vào trong thế gian hóa độ chúng sinh, mong tất cả chúng sinh đều hưởng được pháp vị giải thoát, chứ không phải cầu lợi ích cho riêng mình. Nếu Đức Phật và các đệ tử của Ngài chỉ chăm lo tu tập giải thoát cho chính mình mà tách rời với con người và cuộc đời thì đạo pháp không còn lý do nào để tồn tại nữa.

Đức Phật và những di huấn sau cùng ảnh 2

Đức Phật nhập diệt – Tranh Thái Lan

Thiết lập hòa hợp

Để tránh chúng đệ tử về sau sẽ nghi ngờ các lời dạy của chư vị Trưởng lão, trước khi vào Niết-bàn, Đức Phật cũng đã dặn dò rất kỹ lưỡng. Mỗi lời nói được nghe từ bất cứ người nào, các Tỷ-kheo không nên vội tán thán hay hủy báng lời nói ấy mà mỗi chữ, mỗi câu phải được đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, Luật thì những lời ấy là lời dạy của Thế Tôn.

Sâu sắc hơn nữa, Ngài cũng chỉ dạy những chi tiết nhỏ nhặt như: “Vị Tỷ-kheo niên lão hãy gọi vị Tỷ-kheo niên thiếu, hoặc bằng tên, hoặc bằng họ, hoặc bằng tiếng Hiền giả. Vị Tỷ-kheo niên thiếu, hãy gọi vị Tỷ-kheo niên lão là Thượng tọa hay Ðại đức nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt”.

Đức Phật đề cao trên sự thấy đúng, hiểu đúng, lãnh hội và thực hành để có kết quả chứ không phải dựa trên lòng tin. Cho nên, để giải quyết các mối nghi hoặc còn tồn đọng ở trong chúng Tỷ-kheo, Ngài dạy: “Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về Đức Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp, thời này các Tỷ-kheo các người hãy hỏi đi. Sau chớ có hối tiếc: Bậc Ðạo sư có mặt trước chúng ta mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn”.

Để tránh sự nghi ngờ, không hiểu rõ về giáo lý của các đệ tử, những giây phút cuối cùng, Đức Phật cũng ân cần hỏi han nếu có chỗ nào cần hỏi thì phải hỏi kỹ, để tránh phải hối tiếc về sau. Thông qua những câu nói nhẹ nhàng, đầy sự quan tâm của một người Cha trước lúc xa rời đàn con, có thể thấy Ngài gần gũi và chân thật hơn bất cứ ai trên cuộc đời này có thể thấy được bằng cảm quan. Ngài vẫn quan tâm đến các vị Tỷ-kheo, vì sợ họ còn có chỗ chưa thông hiểu. Những chi tiết nhỏ nhặt này có thể thấy sự vĩ đại của một người Thầy, người Cha lành của muôn loài.

Di nguyện cuối cùng

“Này các Tỷ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các ngươi. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ”. Trong sự bao la của tâm trí con người, bất cứ khi nào chúng ta thấy được bản chất sâu sắc của một cái gì đó thì đó mới chính là thứ quý giá nhất. Thấy được bản chất của vũ trụ nhân sinh là vô thường nên lời sau cùng Ðức Phật đã nhắc đến các hành là vô thường. Bởi vì Ngài sợ rằng, chúng đệ tử của mình sẽ bị lao vào vòng xoáy của cuộc đời, chịu sự biến đổi, nhấn chìm của không gian và thời gian, nên Ngài đã nhấn mạnh sự vô thường của cuộc đời, nếu tinh tấn tu tập, vượt lên trên sẽ được giải thoát. Con người tự mình làm chủ mình, không có một thực thể hay quyền năng nào cao hơn có thể định đoạt số phận nó. Đức Phật khuyến khích chúng ta hãy nên cố gắng nỗ lực tìm sự giải thoát cho chính mình bằng cách nương tựa vào Chánh pháp. Vì rằng con người vốn có năng lực tự giải thoát mọi ràng buộc bằng trí tuệ nếu có chánh tinh tấn liên tục. Nếu không có sự nỗ lực tinh tấn thì không có việc gì thành tựu được, vì vậy tinh tấn là đức tính luôn luôn có mặt trên lộ trình tu tập từ bước đầu tiên cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng là giải thoát.

Giáo huấn về sự vô thường của cuộc đời để khích lệ tinh thần thoát ly, đừng bám víu vào cuộc đời. Nhìn sự vô thường của cuộc đời, có hai thái độ xảy ra, một là vì cuộc đời là vô thường nên tận dụng cơ hội để tu tập không để cho thời gian trôi qua một cách trống rỗng. Hai là vì cuộc đời là vô thường nên vội vã hưởng thụ, sống buông thả không có trách nhiệm gì, thái độ thứ hai này là của hạng phàm phu không biết thánh đạo, không xu hướng thánh đạo. Lời khích lệ của Ðức Phật đối với đệ tử rất thiết tha rõ ràng và hợp lý. Giáo pháp đã được dạy cần phải hành trì, đời sống ngắn ngủi đừng để trôi qua một cách vô ích. Phải tự mình nỗ lực tiến lên đừng ỷ lại vào ai, ngay cả chính Ðức Phật, vì Ngài chỉ là người chỉ đường.

Đức Phật khuyên đệ tử không nên buồn rầu, những gì cần làm Ngài đã làm, những người đáng độ Ngài đã độ, các đệ tử cần tiếp tục chí hướng mà bậc Đạo sư đã vạch sẵn thì pháp thân của Như Lai thường trụ bất diệt. Tại rừng Sa-la, ngàn vạn người với đôi mắt thành kính tiễn đưa Thế Tôn, cho đến khi Ngài dứt lời nói cuối cùng, đôi mắt của ngàn vạn người vẫn dõi theo Ngài. Đó là lần sau cùng mà nhân loại còn thấy Thế Tôn trên cõi đời. Từ đó về sau, chỉ còn đó những bài pháp trầm hùng mà Ngài đã để lại cho đời. Có thể thấy Ngài là nhân cách tiêu biểu cho con người của mọi thời đại, mọi lãnh thổ. Cho dù chúng ta nhìn Đức Phật ở góc độ nào, pháp thân hay kim thân ngũ uẩn, có nhập diệt hay không nhập diệt thì suốt hơn bốn mươi năm hành đạo trên mọi nẻo đường của xứ Trung Ấn, những lời dạy mà Ngài để lại muôn đời vẫn mãi mãi là nguồn từ bi và trí tuệ bất tận. Thực hành giáo pháp ấy sẽ được an lạc không chỉ cho bản thân mà nguồn năng lượng ấy còn lan tỏa ra toàn xã hội, giúp cho con người vượt qua bến đời trầm luân.

Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật đã tác động đến Tăng đoàn thời hiện tại một cái nhìn tích cực hơn, nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm, hòa hợp. Xoáy sâu vào tu tập cốt lõi Chánh pháp, chủ trương tự giải thoát là chính, đồng thời liên hệ chặt chẽ với xã hội để truyền bá Chánh pháp, thể hiện tinh thần độ tha. Tinh thần này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tu tập, sự hưng thịnh của Tăng đoàn và của Phật giáo từ quá khứ đến hiện tại và cho cả tương lai.