Đức Phật làm tròn chữ hiếu với mẹ trước khi nhập Niết bàn
Trước khi nhập Niết Bàn, vì báo ân công đức sinh thành, Đức Phật đã diễn nói “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện” tại pháp hội ở cung trời Đao Lợi để độ thoát cho thân mẫu Ma Da. Như vậy, Kinh Địa Tạng ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật đối với bậc sinh thành.
Toàn bộ Kinh có 13 phẩm, nói tường tận về nhân quả ba đời, nỗi khổ không trong sáu đường, thuyết minh về lòng hiếu hạnh, lòng đại từ đại bi của Bồ tát Địa Tạng từ xưa đến nay và mãi đến ngày sau, luôn cứu độ cùng khắp chúng sinh, nhiếp hóa muôn loài không hề bỏ rơi một ai. Đức Phật dạy các đệ tử lấy kinh này làm kinh báo đáp công ơn Cha Mẹ.
Một thuở nọ, Đức Phật đang an cư ba tháng tại gốc cây ba-lợi-chất-đa, trong vườn Hoan-hỉ ở cõi trời Đao-lợi. Cùng an cư với đức Phật, có đông đủ chúng đại tì-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị, cùng với vô lượng trăm ngàn các chúng trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và chẳng phải người; ngoài ra còn có vô số chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, cùng ở chung quanh đức Phật. Lúc bấy giờ Đức Phật ngồi trong tư thế hoa sen, từ các lỗ chân lông trên khắp thân mình, phóng ra ngàn luồng ánh sáng, chiếu soi khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Trong mỗi luồng ánh sáng ấy lại có ngàn hoa sen; trên mỗi hoa sen có ngàn đức hóa Phật, đều ngồi trong tư thế hoa sen, giống như đức Thích Ca Mâu Ni. Lúc ấy, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú đều không tự hiện rõ được, mà đều hòa nhập vào ánh sáng của đức Phật, làm cho khắp thân cây ba-lợi-chất-đa trở thành màu vàng ròng. Giống như bầu trời hoàn toàn trong suốt, không gợn tí mây, làm cho ánh sáng mặt trời mặt trăng chiếu rõ cùng cực; ánh sáng phóng ra từ thân của đức Phật tại cung trời Đao-lợi lúc bấy giờ cũng giống như vậy, mà còn sáng rỡ bội phần, không thể lấy gì để thí dụ được! Các vị thiên tử ở mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, trông thấy hiện tượng ấy thì không biết có chuyện gì xảy ra, tâm ý vô cùng sợ sệt, bồn chồn, bất an.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi: “Ông hãy đến chỗ mẹ của Như Lai, thưa với bà rằng, Như Lai đang ở tại đây, xin bà tạm khởi thân, đến kính lễ Ba Ngôi Báu. Ông hãy đem bài kệ này đến đọc cho bà nghe!”
Đức Phật liền nói bài kệ rằng:
“Đức Đạo Sư Thích Ca
Thành tựu nhất thiết trí
Ở cõi Diêm-phù-đề
Như vị trời ngàn mắt
Từ lâu lòng khát ngưỡng
Mong được thấy từ nhan
Vốn xưa trong cung vua
Sinh con vừa bảy ngày
Lìa trần sinh thiên giới
Nhờ di mẫu dưỡng nuôi
Đến khi thành Chính Giác
Ứng cúng độ chúng sinh
Hôm nay đến nơi này
Nói pháp báo ân xưa
Xin mẹ cùng quyến thuộc
Khởi thân đến nơi này
Kính lễ Phật Pháp Tăng
Lãnh thọ pháp chân tịnh”
Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi vâng lãnh lời dạy của đức Phật, đi ngay đến chỗ đức thánh mẫu Ma Ha Ma Da, đem lời thỉnh cầu của đức Phật bạch lên, và tụng lại bài kệ đức Phật đã nói. Đức thánh mẫu vừa nghe những lời ấy xong, bỗng có những giọt sữa từ ngực bà tự chảy ra, và bà nói rằng: “Nếu quả thật vị đó chính là Tất Đạt Đa do tôi sinh ra, thì xin nguyện cho những giọt sữa này rơi vào miệng của Người.”
Đức Ma Ha Ma Da vừa nói lời ấy xong, những giọt sữa ấy, trông như những hoa sen trắng, bay thẳng đến, rơi vào miệng của đức Phật. Đức thánh mẫu trông thấy sự việc như vậy thì vui mừng hớn hở, sắc mặt tươi như đóa sen ngàn cánh vừa mới nở. Ngay lúc đó, ba ngàn đại thiên thế giới đều chấn động, muôn loại hoa đẹp chưa tới lúc nở mà đều nở rộ, ngàn loại trái ngon chưa đến lúc chín mà đều chín muồi. Đức thánh mẫu liền nói với Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi:
Đức thánh mẫu nói lời ấy rồi, liền cùng với Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi đi đến chỗ Phật.
Lúc bấy giờ, Đức Phật thấy mẹ từ xa đến, lòng tràn đầy hân hoan, tôn kính. Toàn thân Ngài dao động, như tướng rung động của núi chúa Tu-di và bốn biển lớn. Khi thấy mẹ đã đến trước mặt, đức Phật bèn dùng Phạm âm (*) mà thưa với bà rằng: “Mẹ đã từng đi qua nhiều nơi, khổ vui đều trải đủ. Nay xin mẹ tu tập đạo Niết-bàn, vĩnh viễn xa lìa mọi khổ vui.”
Đức Ma Ha Ma Da nghe Phật nói thế, liền chắp tay cúi đầu, một lòng suy nghĩ. Bà quì trước Phật, rồi năm vóc gieo xuống đất, chuyên tâm chính niệm, bao nhiêu dây trói buộc đều tiêu trừ.
Lúc bấy giờ, đức Phật thưa với mẹ rằng: “Xin mẹ lắng nghe và suy nghĩ thật chín chắn. Giáo pháp này, ở phần đầu, phần giữa và phần cuối, nghĩa lí thật sâu xa, ngôn từ thật tinh diệu, hoàn toàn thuần nhất, không hỗn tạp; đầy đủ tướng phạm hạnh thanh khiết.”
Đức thánh mẫu Ma Ha Ma Da nghe lời nói ấy rồi, nhờ thần lực của Phật, bà biết rõ túc mạng của mình, và do căn lành của bà lúc bấy giờ đã thuần thục, bà liền phá trừ được tám mươi ức các loại phiền não, chứng quả Tu-đà-hoàn. Bà chắp tay bạch Phật rằng: “Con từ trong lao ngục sinh tử đã chứng được quả giải thoát”.
Cả chúng hội nghe đức thánh mẫu nói như vậy, đồng thanh nói rằng: “Xin nguyện cho tất cả chúng sinh đều được giải thoát, như thánh mẫu Ma Ha Ma Da hiện tại!”
Đức thánh mẫu Ma Ha Ma Da lại bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Sở dĩ chúng sinh cứ bị trói buộc mãi trong năm nẻo đường, không bao giờ được tự tại, là đều vì các tội lỗi do phiền não gây ra. Xin nguyện cho con đời sau sẽ dứt sạch tất cả mọi nguồn gốc tội lỗi và chứng thành chính giác. Chỉ có đức Thế Tôn đem tâm từ nghĩ đến những nỗi đau khổ về sinh già bệnh chết của thế gian, chúng sinh luôn bị thiêu đốt bởi ngọn lửa vô thường hừng hực, chưa bao giờ dừng nghỉ; mà bảo các đệ tử hãy quay về, để chỉ bày cái họa gốc rễ của sinh tử, mà nói lời rằng: “Tại sao các ngươi cứ mãi ngủ mê trên chiếc giường sắt đầy lửa của ba cõi? Ở đó, con quỉ dữ vô thường luôn rình bắt các ngươi, lưỡi dao bệnh tật luôn muốn dứt mạng sống các ngươi; giống như bọn giặc cướp, hễ thấy kho báu liền cầm khí giới xông đến tấn công. Cơn vô thường giống như con trăn a-xà-ca-la, hễ gặp người thì đầu đuôi quấn chặt. Cơn vô thường giống như tháng không trăng, vầng sáng khuyết dần cho tới khi tối đen”.
Thánh mẫu Ma Ha Ma Da nói đến đây, liền đọc bài kệ:
“Như người chiên-đà-la
Lùa bò đến lò giết
Từng bước tới chỗ chết
Đời người còn nhanh hơn”
Thánh mẫu đọc xong bài kệ trên, ở trước đức Phật, bà nói với chúng hội rằng: “Thưa chư vị pháp huynh, pháp đệ, cùng các chị em! Quí vị nên chuyên cần tu giới hạnh. Hôm nay chúng ta trực tiếp được gặp đấng Đạo Sư vô thượng, lại được Ngài cầm cây đuốc pháp to lớn chiếu sáng cho, cùng cấp cho cơm ăn áo mặc đầy đủ. Nếu muốn tiến đến bờ giải thoát an lạc, hãy nên đến hỏi Ngài nhờ chỉ bày cho con đường chân chánh. Nếu có người gặp được một bậc Thầy dẫn đường thánh thiện như thế, mà không biết tùy thuận quay về nương tựa, thì phải biết rằng, đó quả là người thật ngu si khờ dại, chắc chắn sẽ tạo trọng tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết bậc A la hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng) mà thôi. Biển khổ sinh tử quả thật đáng sợ. Vậy mà chúng ta đã ra vào đến đi ở trong đó biết bao nhiêu lần không thể đếm xuể được. Những loại xác thân lộn xộn chúng ta đã thọ nhận trải qua trong một kiếp, nếu lấy da đem chất đống thì sẽ cao như núi Tu-di; những nỗi khổ đau về sinh già bệnh chết thật không thể lường được! Vì vậy, hôm nay tôi xin thưa với quí vị, chúng ta phải ngày đêm siêng năng, mỗi niệm mỗi niệm hãy tìm cầu giải thoát!”.
Bấy giờ đức Thế Tôn ở cung trời Đao lợi thuyết pháp cho 8 bộ chúng và 4 chúng đệ tử đã tròn 3 tháng, Ngài muốn trở lại cõi Diêm Phù Đề, bèn bảo một người con của quan Đại thần ở thành Vương Xá, vốn bản tính thông minh trí tuệ hơn người là Cưu ma la rằng: “Giờ đây, ngươi hãy trở lại cõi Diêm phù đề thông báo cho mọi người biết rằng chẳng bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết bàn.”. Rồi Phật trao cho Cưu ma la bài kệ tóm tắt nội dung muốn truyền đạt cho dân chúng.
Chú thích:
* Phạm âm: là giọng nói, âm thanh của Đại Phạm Thiên Vương; cũng dùng để chỉ cho ngôn ngữ đặc biệt của đức Phật, khác với ngôn ngữ Ngài dùng thường ngày.
(Lược trích: “Kinh Ma Ha Ma Da”
Hán dịch: Sa-môn Thích Đàm Cảnh
Việt dịch: Cư sĩ Hạnh Cơ)