Đức Phật giữa đời thường

Ðức Phật là một con người, nhờ công phu tu tập, Ngài đã trở thành bậc giác ngộ ngay giữa cuộc đời này. Chính công hạnh bi trí tuệ của Ngài đã hướng Ngài đến với mọi người, mọi người đến với Ngài như là một lẽ thường tình từ bản tánh thường giác hằng thanh tịnh.

 

Chính Ngài thường tuyên bố rằng trước Ngài đã có những vị Phật, ngay hiện tại đời này Ngài là vị Phật đã thành, tương lai sau Ngài còn có những vị Phật sẽ thành. Thế nên, bạn phải thiết lập niềm tin xung quanh chúng ta, Ðức Phật luôn hiện hữu bên cạnh bản thân mình. Ngài là sự hiện thân của con người, con người đã giác ngộ thành Phật. Chúng ta cũng là con người, con người nếu biết dụng tâm tu tập, chuyển hóa tâm thức, nhất định sẽ trở thành người giác ngộ như Phật.

Từ thuở nằm nôi, không một ai trong chúng ta lại không được nghe mẹ kể chuyện cổ tích thần kỳ khi tuổi còn thơ. Ðêm đêm trông thấy ông Bụt hiền từ hiện về trong giấc mơ thần tiên.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tuổi thơ trôi qua, lớn lên chúng ta hội nhập với đời, ngỡ rằng ông Bụt trong chuyện cổ tích Tấm Cám, chuyện Thằng Bờm, chuyện Cây tre trăm đốt hôm nào biến mất… Không hẳn thế, ông Bụt vẫn xuất hiện giữa đời thường trong các mối quan hệ thực tiễn của con người. Bạn vẫn gặp gỡ tiếp cận những mẫu người hiền như Bụt, sáng suốt như Bụt, can đảm như Bụt, nói chung là đầy đủ chất liệu từ bi, trí dũng, Phật tánh trường tồn. Chưa hết, đi tới đâu, làm việc gì dẫu khó hay không bạn đều được người ta nhắc nhở cần phải có “thiện tâm”, “Phật tâm”! Xem ra “thiện tâm”, “Phật tâm”, “Phật tại tâm” chỉ là một, chỉ cần có Ðức Phật ở trong lòng, bạn cũng đủ sống đời, an trú trong đời mà không bị dòng đời chi phối. Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng cho chúng ta thấy bậc Ðạo Sư luôn ở bên cạnh mỗi người.

Một thời Ðức Phật trú qua đêm trong xưởng của một người thợ đồ gốm. Ở đây có một tu sĩ trẻ đến trước Ngài. Sau khi quán sát và thấy rằng chàng là một người thông minh, Ðức Phật hỏi: – Này người anh em, nhân danh ai mà bạn từ bỏ gia đình? Ai là thầy của bạn? Bạn ái mộ giáo pháp của ai? – Thưa bằng hữu, có Ðức Cồ Ðàm, dòng Thích Ca đã xuất ly làm Sa môn. Mọi người bảo Ngài là một bậc Giác ngộ, giải thoát trọn vẹn. Nhân danh Ngài mà tôi trở thành Sa môn. Ngài là bậc Ðạo Sư của tôi. – Giờ vị ấy ở đâu? – Ngài đang ở Savatthi, một xứ ở phía Bắc. – Bạn từng gặp Ngài chứ? Bạn có nhận ra Ngài khi bạn trông thấy Ngài không? – Tôi chưa gặp Ngài bao giờ và cũng không nhận ra Ngài nếu tôi trông thấy Ngài.

Ðức Phật hiểu rằng do biết danh tiếng Ngài mà chàng thanh niên này đã trở thành một Sa môn. Không tỏ rõ thân thế Ngài, Ngài nói: – Này người anh em, Ta sẽ giảng pháp cho bạn. – Tốt lắm, thưa bằng hữu!

Ðức Phật liền giảng cho người tu sĩ trẻ bài pháp quan trọng về tính vô bản chất của cái gọi là tôi và của tôi bằng cách phân tích các yếu tố của vũ trụ và của thân giả hợp ngũ uẩn của con người, nhằm phá vỡ sự chấp thủ để đạt đến an lạc Niết bàn.

Gần cuối bài pháp, sau khi lắng nghe nội dung âm vang bài pháp, Sa môn trẻ Pukkusati mới nhận ra rằng người đang nói pháp chính là Ðức Phật. Bấy giờ, Sa môn trẻ tuổi đứng lên đảnh lễ bậc Ðạo Sư và xin tỏ lòng xin lỗi đã lỡ lời gọi Ngài là bằng hữu. Cuối cùng, thầy Sa môn trẻ xin Ðức Phật quy y và gia nhập Giáo đoàn của Ðức Phật.

Qua đó chúng ta thấy Ðức Phật là một con người, nhờ công phu tu tập, Ngài đã trở thành bậc giác ngộ ngay giữa cuộc đời này. Chính công hạnh bi trí tuệ của Ngài đã hướng Ngài đến với mọi người, mọi người đến với Ngài như là một lẽ thường tình từ bản tánh thường giác hằng thanh tịnh. Chính Ngài thường tuyên bố rằng trước Ngài đã có những vị Phật, ngay hiện tại đời này Ngài là vị Phật đã thành, tương lai sau Ngài còn có những vị Phật sẽ thành. Thế nên, bạn phải thiết lập niềm tin xung quanh chúng ta, Ðức Phật luôn hiện hữu bên cạnh bản thân mình. Ngài là sự hiện thân của con người, con người đã giác ngộ thành Phật. Chúng ta cũng là con người, con người nếu biết dụng tâm tu tập, chuyển hóa tâm thức, nhất định sẽ trở thành người giác ngộ như Phật. Trầm tư về câu chuyện Bà la môn Dona với Ðức Phật, bạn sẽ thẩm thấu Ðức Phật rất gần gũi với chúng ta. Ngài chẳng phải là Tiên, là Càn thát bà, Dạ xoa hay từ loài khác xa lạ với con người: – “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài sẽ là vị Tiên, Ngài sẽ là Càn thát bà, Ngài sẽ là Dạ xoa, Ngài sẽ là Người. Với bốn câu hỏi này, Ðức Phật lần lượt trả lời: “Ta sẽ không phải là Tiên, Ta sẽ không phải là Càn thát bà, Ta sẽ không phải là Dạ xoa, Ta sẽ không phải là Người.” Câu trả lời này cũng đủ minh chứng sự trác tuyệt của con người chứng ngộ, đủ giải thoát những bế tắc từ trong tâm tưởng hạn hẹp muôn thuở của con người. Bởi vì nếu Ngài đáp rằng: “Ta sẽ là chư Thiên…, hay Ta sẽ là loài người” tức là Ðức Phật còn phải tái sinh, bị luân hồi đọa lạc. Vì thế, Bà la môn đã hỏi tiếp: “Vậy sở hành của Ngài là gì, và Tôn giả sẽ là gì?”. Ðức Phật tuyên bố một cách chân thành về mình như sau: – Này Bà la môn, đối với ai chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Tala, được làm cho không hiện hữu, được làm không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà la môn, đối với những ai chưa đoạn tận với các lậu hoặc, Ta có thể là Càn thát bà, Ta có thể là loài Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Tala, được làm cho không hiện hữu, được làm cho không khởi sanh trong tương lai.

Tại đây, Ðức Phật khẳng định tùy theo tâm tưởng của chúng sanh đề cập đến mà Ngài hiện thân. Ðiểm khác nhau giữa Ngài và các loài chúng sanh là Ngài đã đoạn tận các lậu hoặc. Ðối với chư Thiên chưa dứt trừ lậu hoặc, Ðức Phật là chư Thiên đã dứt trừ lậu hoặc. Ðây chính là cơ sở niềm tin để chúng ta thân cận bậc Ðạo Sư để học pháp, hành pháp – giác ngộ như Ngài. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là sống trong thực tế đời thường cần phải thực thi con đường tu tập như thế nào để đúng với chánh pháp. Có như thế, Ðức Phật ở trong lòng mỗi người mới hóa hiện ngay giữa cuộc đời, trong mái nhà thân thương hay ngoài ngõ, trên các nẻo đường từ thành thị đến tận cùng thôn quê hẻo lánh.

Xem ra, bạn phải thực sự trở về đời sống chính mình bằng cách đi theo Phật, đi theo Pháp, đi theo Tăng. Ði theo Phật là bạn đi theo tự tánh thành Phật vốn sẵn có trong tự thân của bạn. Chỉ có như vậy thôi, bạn mới diện kiến, mới đảnh lễ, mới thân cận và trên hết được chung sống cùng Ðức Phật ngay tại cõi lòng mình trong dòng sống đầy biến động. Bấy giờ mọi sự cầu xin ảo tưởng, ước vọng xa xôi chẳng có ý nghĩa gì khi bạn chấp tay kinh cầu trước ngôi Tam bảo.

“Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi quần chúng đông đảo kéo đến cầu xin cầu khẩn, chắp tay mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiện giới, sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ bị sanh vào địa ngục, đọa xứ, thời lời cầu xin không thành tựu. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước rồi đập bể ghè dầu ấy, thời số dầu ấy sẽ nổi lên trên mặt nước. Dầu cho một quần chúng đông đảo đến cầu xin cầu khẩn chắp tay cầu rằng số dầu ấy hãy chìm xuống đáy nước, lời cầu xin ấy tất nhiên không có kết quả, số dầu ấy vẫn nổi lên trên mặt nước. Như vậy có cầu khẩn, có cầu xin cũng không có lợi ích gì”.

Ðến đây, bạn đã tỏ tường về con người Ðức Phật. Phật chẳng ở đâu xa, Phật hiện hữu ngay cõi lòng mình. Sống với Phật, ăn cơm Phật, ở nhà Phật thật đơn giản, quá dễ dàng. Chỉ cần bạn trải bụng, vét cạn lòng chung sống với mọi người chung quanh bằng tâm từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng thì đêm đêm ngày ngày đều thấy Phật hiện hữu bên mình. Ðược như thế, Phật đản sanh trong lòng mỗi người từng giờ, từng phút qua ánh mắt, nụ cười tràn đầy niềm tin hạnh phúc và an lạc.

Thích Phước Ðạt