Đức Phật dạy thiếu nhi không nói dối

Một thời đức Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ tôn giả La Vân cũng ở tại thành Vương-xá, trong rừng Ôn-tuyền.

 

Một thời đức Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ tôn giả La Vân cũng ở tại thành Vương-xá, trong rừng Ôn-tuyền. Lúc đó, đức Thế Tôn sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, khoác y, cầm bát, đi vào thành Vương-xá để khất thực. Khất thực xong, Ngài đi đến rừng Ôn-tuyền, trú xứ của Tôn giả La-vân. Tôn giả La-vân từ đằng xa thấy đức Thế Tôn, lập tức đến rước, cầm y bát của Phật, trải tọa cụ và múc nước rửa chân. Đức Phật rửa chân, xong ngồi trên chỗ ngồi của La-vân.

hoangphap_duc-phat-day-thieu-nhi-khong-noi-doi_full_07272022_092715

Khi đó, đức Thế Tôn liền lấy chậu nước đổ đi, chỉ lưu lại một ít, rồi hỏi:

– La-vân, ngươi nay có thấy Ta cầm chậu nước này đổ đi, chỉ lưu lại một ít không?

La-vân đáp:

– Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Phật bảo:

– Ta nói đạo của người kia cũng ít như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm không quý. Này La-vân, người kia cũng không có điều ác nào là không làm. Do đó, này La-vân, nên học như thế này, không được đùa giỡn và nói dối.

Đức Thế Tôn lại lấy cái chậu còn lại một ít nước đổ hết ra rồi hỏi rằng:

-Này La-vân, ngươi lại có thấy Ta cầm cái chậu còn một ít nước ấy đổ ra hết không?

La-vân trả lời rằng:

– Con có thấy, bạch Thế Tôn.

Phật bảo rằng:

– Này La-vân, Ta nói rằng đạo của người kia cũng mất hết như vậy. Nghĩa là đã biết rồi còn nói dối, mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm không quý. Này La-vân, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này La-vân, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.

(King Trung A-hàm, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh La-vân, số 14 [trích])

Pháp thoại này là một trong những giáo huấn của Thế Tôn cho hàng thiếu nhi. Bấy giờ, Tôn giả La-vân (La-hầu-la) mới vào chùa, còn trẻ nhỏ nên khá tinh nghịch và nhất là có thói quen nói dối. Trường hợp này, Thế Tôn không lý luận nhiều, không nói điều thâm sâu mà chỉ mượn hình ảnh cái chậu (thau) đựng nước rửa chân để làm giáo cụ trực quan. Nhờ hình ảnh cụ thể, La-vân đã hiểu được ý chỉ của Thế Tôn mà chấm dứt đùa giỡn và nói dối.

Sau khi rửa chân xong, Thế Tôn đổ gần hết nước, chỉ chừa lại một ít nơi đáy chậu. Phần nước ít ỏi này biểu thị cho đạo hạnh không nhiều của những người “đã biết rồi còn nói dối, mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm không quý”. Kế đó, Thế Tôn đổ hết nước, chỉ còn cái chậu không. Ngay đó Ngài dạy: “Ta nói rằng đạo của người kia cũng mất hết như vậy. Nghĩa là, đã biết rồi còn nói dối, mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm không quý”.

Thật dễ thấy và vô cùng dễ hiểu cho người trẻ. Nếu nói sai sự thật, dối trá mà không biết xấu hổ thì chẳng có đạo hạnh. Quan trọng hơn, người mà đạo hạnh trống không thì tiềm ẩn nguy cơ “không có việc ác nào mà không làm”. Mọi cái ác trên đời đều có nguyên nhân, những điều xấu nhỏ, các lỗi vụn vặt nếu xem thường và không chuyển hóa thì về sau sẽ là mối họa to. Cuối cùng Thế Tôn mới kết luận: “Này La-vân, không được đùa giỡn và nói dối”.

Mới hay, đường lối giáo dục của Thế Tôn không hề áp đặt, chẳng mượn uy quyền của bậc thầy mà tuần tự gợi mở, dẫn dắt giúp cho học trò hiểu ra vấn đề rồi tự giác thực hành. Bấy giờ, La-vân tự hiểu “không được đùa giỡn và nói dối” chẳng phải mệnh lệnh của Phật mà nhờ thấu hiểu sự nguy hiểm của hành vi nói dối nên tự giác thực hành để tránh khổ quả về sau.

Hoa Đạo