Đức Phật dạy không dừng cũng không vội
Không có cái bất biến để có thể nắm bắt. Không có cái cuối cùng để có thể lưu giữ. Sông chảy đường sông; núi xanh đường núi. Quá khứ, tương lai hay hiện tại đều chỉ là ý niệm thời gian. Không có điểm an trú nào có thể an trú dù ở phút giây này. Vũ trụ vốn do duyên. Tâm thức và vật chất đều vô sở trụ. Người dừng sẽ chìm; người vội sẽ trôi. Giữa dòng chảy vô thường, được mất, có không, sống chết, ghét thương chưa bao giờ đứng lại. Con người cũng như mọi sinh thể sống khác chưa bao giờ thôi khổ cho một tương lai.
Tại Sāvatthi (Xá-vệ), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc), có một người hỏi Đức Phật Gotama: “Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt qua được dòng chảy khổ đau?” “Này Hiền giả, không dừng cũng không vội, Ta vượt qua”, Đức Phật trả lời. Người ấy tiếp tục hỏi: “Thưa Tôn giả, nhưng làm sao không dừng cũng không vội, Ngài vượt qua được?”. Đức Phật trả lời tiếp: “Này Hiền giả, khi Ta dừng lại, thì Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta vội vã, thì Ta trôi giạt. Do vậy, này Hiền giả, không dừng cũng không vội, Ta vượt qua dòng chảy khổ đau”.[1]
Tĩnh lặng, nhìn vào trải nghiệm sống của mình và của nhau, chúng ta thấy khổ đau, hay không toại nguyện luôn xuất phát từ hai hiện trạng tâm thức: Một, bi quan, dừng lại; hai, kiêu ngạo, vội vã. Người bi quan, dừng lại, không dám bước tới, luôn có tâm lý chán nản, sợ, âu lo, trách hờn và bị thế giới sống sinh động, biến chuyển liên tục nhận chìm hoặc bỏ lại trong quá khứ. Người kiêu ngạo, vội vã, thường có tâm lý mất bình tĩnh, thiếu suy nghĩ, độc đoán, tham lam và bị thế giới mới liên tục, không đoán được cuốn trôi và làm mất mình ở tương lai. Quá khứ trở thành ngục tù, nơi tiếc nuối. Tương lai trở thành cạm bẩy, chốn lo âu. Người ấy cứ qua lại giữa ngục tù và cạm bẩy, giữa tiếc nuối và lo âu đó. Không có một mãn nguyện nào trọn vẹn, dù người ấy có thể có một ít quyền, tiền hay tên tuổi nào đó trên mặt đất và thân xác. Người ấy ngụp lặn trong dòng chảy khổ đau bởi tâm thức bi quan, dừng lại hay kiêu ngạo, vội vã của mình. Ngụp lặn trong chịu đựng và tìm kiếm những mảnh vỡ ngọt ngào thoáng qua để quên đi hiện trạng đau thương đang có. Lâu ngày, người ấy quen và quên. Người ấy không còn biết và tin mình có thể “không dừng không vội” để vượt qua dòng chảy khổ đau nữa.
Nói cách khác chúng ta chỉ có thể tự nhiên trong tâm xả. Tức là chúng ta hành động tuỳ thuộc điều kiện đang có với tâm không dao động ở tương lai mà cũng không bị động ở hiện tại. Một hành động mà không giữ tướng riêng và cũng không lệ thuộc tướng chung. Một hành động ôm tròn sự sống sinh động trong tâm xả. Không còn “phải” mà cũng không còn “không phải”. Tất cả đơn giản là tự nhiên trong tâm xả. Không có tên gọi, nhưng có mục đích; không có cố giữ, nhưng có hành động. Ngày nào chúng ta tự nhiên được trong tâm xả đó, “không dừng cũng không vội”, ngày ấy chìm xuống hay trôi giạt trong dòng sông đau khổ sẽ không còn có mặt chúng ta.
Nhuận Đạt
————
[1] Qua dòng nước lũ (Bộc lưu), Tương Ưng 1 (S.N).