Đức Phật dạy gì trong mùa an cư cuối cùng?

Thế Tôn bệnh, tâm con sợ hãi, lo buồn thắt chặt, hoang mang không biết phương hướng. Nhưng hơi thở chưa dứt, còn chút tỉnh táo, con thầm nghĩ rằng: Thế Tôn chưa diệt độ ngay, con mắt của đời chưa tắt, Đại pháp chưa suy tổn, sao nay Ngài không có điều gì dạy bảo các đệ tử?

Đức Phật khi tuổi đã 80, sắp nhập Niết-bàn mà vẫn thực hành an cư là một trong những tấm gương sáng ngời cho người xuất gia hậu thế. Trong mùa an cư cuối cùng này Đức Phật đã dạy hai điều cốt yếu: Một là, Pháp và Luật đã được Ngài trao truyền trọn vẹn cho chúng Tăng; Pháp và Luật sẽ là thầy dẫn đường tối thượng cho các hội chúng Tỳ-kheo sau khi Như Lai nhập diệt. Hai là, mỗi vị đệ tử hãy tự mình thắp sáng nơi Pháp, hãy tự mình nương tựa Pháp mà trọng tâm là tu tập Tứ niệm xứ.

“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng đại Tỳ-kheo.

(…)

Bấy giờ, Phật rời chỗ ngồi, đi đến giảng đường, ngồi lên chỗ dọn sẵn, bảo các Tỳ-kheo:

-Đất này đói kém, khất thực khó khăn, các ngươi nên chia thành từng nhóm, tùy theo chỗ quen biết, hãy đến Tỳ-xá-ly và nước Việt-kỳ mà an cư ở đó để có thể không bị thiếu thốn. Ta một mình cùng với A-nan an cư ở đây.

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy, ra đi. Riêng Phật với A-nan ở lại. Về sau, trong lúc an cư, thân Phật nhuốm bệnh, khắp cả mình đều đau. Phật tự nghĩ: ‘Ta nay cả người đều đau mà các đệ tử đều không ở đây. Nếu Ta nhập Niết-bàn thì không thích hợp. Vậy Ta hãy tinh cần tự lực lưu lại thọ mạng’. Rồi Thế Tôn ra khỏi tịnh thất, đến ngồi chỗ mát mẻ. A-nan trông thấy liền vội đến, bạch Phật rằng:

-Nay con xem gương mặt Thế Tôn, bệnh hình như có bớt.

A-nan lại nói:

-Thế Tôn bệnh, tâm con sợ hãi, lo buồn thắt chặt, hoang mang không biết phương hướng. Nhưng hơi thở chưa dứt, còn chút tỉnh táo, con thầm nghĩ rằng: Thế Tôn chưa diệt độ ngay, con mắt của đời chưa tắt, Đại pháp chưa suy tổn, sao nay Ngài không có điều gì dạy bảo các đệ tử?

Phật bảo A-nan:

-Chúng Tăng còn có điều gì cần ở Ta nữa? Nếu có ai tự mình nói: Ta duy trì chúng Tăng, Ta nhiếp hộ chúng Tăng, thì người ấy nên có lời di giáo cho chúng Tăng. Như Lai không nói: Ta duy trì chúng Tăng. Ta nhiếp hộ chúng Tăng. Vậy tại sao Ta lại phải có lời di giáo cho chúng Tăng? Này A-nan, những pháp Ta đã giảng thuyết, trong cũng như ngoài đều đã hoàn tất. Ta không bao giờ tự xưng sở kiến thông đạt. Ta nay đã già rồi, tuổi đã đến tám mươi rồi. Cũng như cỗ xe cũ kỹ, nhờ phương tiện tu sửa mà có thể đi đến nơi. Thân ta cũng vậy, nhờ sức phương tiện còn hơi duy trì được tuổi thọ, tự lực tinh tấn mà nhẫn chịu sự đau nhức này. Không suy niệm tất cả tưởng, khi nhập vô tưởng định, thân an ổn, không có não hoạn. Vì vậy, A-nan, hãy tự mình thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác. Thế nào là hãy tự mình thắp sáng, thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác; hãy tự nương tựa mình, nương tựa pháp, chớ nương tựa nơi khác? Này A-nan, Tỳ-kheo quán nội thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán ngoại thân; quán nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng vậy. Này A-nan, đó gọi là hãy tự thắp sáng, thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác. Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học”.

Đức Phật nhập Niết bàn

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])

Phật dạy rất rõ ràng, trú xứ nào, quốc độ nào mà Pháp và Luật được tôn vinh thì những nơi ấy đạo pháp hưng thịnh. Pháp và Luật đuợc xem như hiện thân Đức Phật ở thế gian. Lời Phật dạy từ ngàn xưa vẫn được bảo lưu và đang đồng vọng, vấn đề còn lại là chúng ta có tuân thủ lời dạy ấy hay không.

Thực hành Chánh pháp chính là tu tập giới-định-tuệ. Quán thân, thọ, tâm, pháp trên hai phương diện chỉ và quán để từng bước thành tựu định và tuệ. Người tu hiện nay, chỉ cần thực hành được điều cốt tủy này thì “người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học”.

Quảng Tánh