Đức Phật đáng kính

Chẳng những Đức Phật đẹp về hình tướng bên ngoài, mà đẹp cả về đức độ bên trong, cho đến đẹp giữa đời sống trí tuệ vô thượng. Do vậy, ngày nay chúng ta lạy Ngài là lạy trên những cái đẹp đó, không phải lạy vì để cầu Ngài ban bố cho nhiều phước lành…

Một hôm, tại thành Xá Vệ, vườn ông Cấp Cô Ðộc. Buổi chiều sau khi thọ thực xong. Tôn giả Nacada đang thuyết pháp cho các Tỳ Kheo nghe. Vì hứng thú, phấn khởi Ngài thuyết quá dài. Lúc ấy, Thế Tôn từ chỗ tịnh cư đi đến, thấy cửa đóng và nghe bên trong Tôn giả Nacada đang thuyết pháp. Ngài bèn đứng lại bên ngoài nghe. Ðợi khi Tôn giả Nacada thuyết xong, Thế Tôn mới tằng hắng và lấy tay gõ cửa, Tôn giả Nacada bước ra mở cửa. Phật nói:

-Ông nói pháp dài, ta đứng nghe đến mỏi lưng!

Tôn giả thưa:

-Con không biết Thế Tôn đến, nếu con biết Thế Tôn đến con sẽ nói ngắn lại.

Rồi Phật mới bảo:

-Các ông cùng hòa hợp với nhau nói pháp là tốt.

Con đường của Đức Phật là khoa học nhân văn

01

Bình:

Ðọc qua bài kinh này, chúng ta thấy tư cách đức Phật có đáng cho mọi người tôn kính hay chăng? Dù là một bậc Thầy, Ngài vẫn không ỷ lại tư cách người trên làm mất sự trang nghiêm của hàng đệ tử. Giả sử chúng ta ở trường hợp này, có thể khiêm tốn đứng chờ ngoài cửa như vậy chăng?

Hay là vừa mới đến thấy cửa đóng liền lấy tư cách một bậc Thầy, gõ cửa để mong cho người ra mở, khỏi phải nhọc nhằn đứng đợi. Thế là vừa làm đứt quảng thời pháp, lại gây phóng tâm cho người. Vậy nên câu nói của đức Phật: “Ông nói pháp môn dài, ta đứng nghe đến mỏi lưng!” khiến chúng ta đầy cảm kích. Quả là một cử chỉ khó ai bắt chước được.

Một lần khác, khi Phật đi trên đường gặp đám trẻ đang chơi đùa bên những ụ cát, thấy Phật đi đến chúng hoảng hốt chạy tránh một bên, vừa nhìn Ngài như cầu cứu, lại vừa luyến tiếc nhìn mấy bức thành và mấy tòa nhà bằng cát tưởng chừng như sắp tan rã dưới bước chân Ngài. Và lạ thay! Thế Tôn bước tránh qua một bên đường…!

Sau bước chân Ngài đi qua, còn để lại những nét hoan hỷ trên từng gương mặt ngây thơ! Ngài vẫn tôn trọng đến những tâm hồn bé bỏng! Ðúng là một hành ảnh đẹp về bậc tôn quí. Nhân đây chúng ta nhớ lại câu: “Vạn đức từ dung” quả thật không sai!

Chẳng những Ngài đẹp về hình tướng bên ngoài, mà đẹp cả về đức độ bên trong, cho đến đẹp giữa đời sống trí tuệ vô thượng. Do vậy, ngày nay chúng ta lạy Ngài là lạy trên những cái đẹp đó, không phải lạy vì để cầu Ngài ban bố cho nhiều phước lành, đó là chúng ta đã tự đánh mất ý nghĩa cao đẹp của một “Bậc Thầy đáng kính” vậy.

Theo TVTC.

TC