Đức Phật con người vĩ đại
Một văn hào Âu châu nhận định rằng: “Không có nơi nào trong thế giới tôn giáo, sùng bái và tín ngưỡng mà chúng ta có thể tìm thấy một vị giáo chủ chói sáng như thế! Trong hàng loạt các vì sao, Ngài là vì tinh tú khổng lồ, vĩ đại nhất. Một số các khoa học gia, triết gia, các nhà văn hóa đã tuyên bố về Ngài “Con người vĩ đại nhất chưa từng có”. Ánh hào quang của vị Thầy vĩ đại này soi sáng cái thế giới đau khổ và tối tăm, giống như ngọn hải đăng hướng dẫn và soi sáng nhân loại”.
Đức Phật là ai? Một câu hỏi được đặt ra, đã trải qua hơn 25 thế kỷ; những nhận định, phê phán đầy tính hoài nghi, rồi những phát biểu, tán dương đầy xác tín ở nơi con người đối với Đức Phật, cho đến nay vẫn là nguồn cảm hứng vô tận. Bởi lẽ như Carl Jung, một nhà tâm lý học, phát biểu rằng: “Bao giờ cái nhìn của bạn cũng bị giới hạn bởi những gì bạn đang có và đang là”. Vì vậy, với các góc độ nhìn khác nhau, người ta sẽ có những cảm xúc, những cái nhìn khác nhau về Đức Phật.
Giáo thuyết của Đức Phật xuất phát từ kinh nghiệm tu chứng tự thân, đó không phải là kinh nghiệm thông thường phổ biến, cho nên hiểu một cách chính xác về Đức Phật là điều bất khả, như trong kinh nói: Chỉ có Phật với Phật mới hiểu được nhau.
Thời Đức Phật còn tại thế, những kẻ chống đối Ngài thường lên tiếng chỉ trích, vu khống Ngài với những lời lẽ tầm thường hay những luận điệu triết học, như nói: Ngài còn ham muốn danh vọng, Ngài là người chủ trương phá hoại sự sống (Kinh Magandiya), chê Ngài không có khả năng đặc biệt của các bậc Thánh (Kinh Sư tử hống), cho Ngài là một Sa môn sử dụng huyễn thuật (Kinh Ưu ba li)… Bên cạnh những chỉ trích thì những lời lẽ ca ngợi tán dương cũng rất phong phú, những người trí thức của xã hội đương thời thường ca ngợi Ngài rằng: “Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối…” (Kinh Trung Bộ). Dù Ngài bị chỉ trích hay được ca ngợi, Ngài vẫn an nhiên tự tại, không dao động, không bất mãn, không vui mừng. Một người ngoại đạo ca ngợi Phật rằng: “Thật kỳ diệu thay! Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay! Tôn giả Gotama! Dầu cho Tôn giả Gotama bị chống đối một cách mỉa mai, dầu cho bị công kích với những lời lẽ buộc tội trong cuộc đối thoại, màu da Tôn giả vẫn sáng suốt, sắc mặt Tôn giả vẫn hoan hỷ như một A la hán Chánh đẳng giác” (Đại kinh Saccaka). Ngài thường được mọi người gọi là Bậc Đạo sư và đã nói về chính mình như sau:
Một hôm, trên đường đến Lộc Uyển để vận chuyển bánh xe Chánh pháp. Trên đường đi, Ngài gặp một vị đạo sĩ tên là Upaka. Đạo sĩ hỏi: “Này hỡi đạo hữu! Ngũ quan của đạo hữu thật vô cùng trong sáng. Nước da của đạo hữu thật trong trẻo và tươi tắn. Hỡi này đạo hữu, vì sao đạo hữu từ bỏ đời sống gia đình? Thầy của đạo hữu là ai? Đạo hữu truyền bá giáo lý của ai?”. Đức Phật trả lời:
Như Lai đã vượt bỏ mọi trói buộc
Như Lai đã thoát ly tất cả
Như Lai đã chú hết tâm lực tận diệt tham dục.
Đã thấu triệt tất cả, Như Lai còn gọi ai là thầy?
Không ai là thầy của Như Lai
Không ai đứng ngang hàng với Như Lai.
Trên thế gian này, kể cả chư Thiên và Phạm thiên
Không ai có thể sánh với Như Lai.
Quả thật, Như Lai là một vị A la hán trên thế gian này.
Như Lai là Tôn sư vô thượng;
Chỉ một mình Như Lai là Bậc Toàn giác, vắng lặng và thanh tịnh.
Như Lai đang đến thành Kàsi để vận chuyển bánh xe Pháp bảo giữa thế giới mù quáng.
Như Lai sẽ gióng lên hồi trống vô sanh bất diệt”.
Upaka hỏi vặn: “Này đạo hữu, vậy phải chăng đạo hữu đã tự nhận là A la hán, là bậc siêu hùng quyền lực vô biên?”. Đức Phật xác định: “Tất cả những bậc siêu hùng đã chinh phục mọi ô nhiễm của mình đều giống Như Lai. Như Lai đã chinh phục, tận diệt tất cả những gì xấu xa tội lỗi. Vậy, này đạo sĩ Upaka, Như Lai là bậc siêu hùng” (Kinh Thánh cầu – Kinh Trung Bộ).
Đức Phật xác định rất rõ Ngài là người đã chinh phục mọi ô nhiễm, người như vậy là người cao thượng nhất trên đời. Đây là lời tuyên bố đầu tiên về giá trị cao thượng tuyệt đối của Phật đối với mọi loài chúng sanh, về sau lời tuyên bố này đã được khái quát hóa thành câu nói đặt trong bối cảnh biểu tượng Đản sanh: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới trời chỉ có ta là tối thượng). Suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài đã chứng tỏ những gì mà Ngài đã tuyên bố như trên là sự thật. Có một giáo phái ngoại đạo muốn đến tham vấn về đạo lý với Đức Phật bởi họ nghe nói Phật là người đã vượt qua mọi ô nhiễm, đạt được sự thanh tịnh hoàn toàn. Họ đã bàn nhau và cử người giám sát Đức Phật liên tục trong bảy ngày để xem Phật có thật sự thanh tịnh như người ta đồn không. Cuối cùng, người được cử đi giám sát trở về báo lại rằng: “Quả thực Sa môn Gotama là người hoàn thiện trong lúc ngủ cũng như lúc thức cho đến những cử động nhỏ bé nhất như khi Ngài bước qua một vũng nước hay Ngài vén chéo áo lên… đều đầy thánh thiện” (Kinh Trung Bộ).
Lần khác, khi bị một người chỉ trích về khả năng và mục đích của Phật, sau khi phân tích những sai lầm của họ, Đức Phật dạy rằng:
“Này Sariputta, những ai muốn nói về Ta một cách đúng đắn thì phải nói như thế này: (Đức Phật) Một hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Kinh Sư tử hống – Kinh Trung Bộ). Lời tuyên bố này nói lên phẩm chất của một vị Phật là Trí tuệ viên mãn (không bị si chi phối) và lòng thương yêu cứu giúp muôn loài vô tận.
Tất cả những năng lực của Đức Phật đều xuất sinh từ tuệ giác của Ngài, nghĩa là từ nội dung chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác dưới cội bồ đề. Có lần một du sĩ ngoại đạo tên là Vacchagotta hỏi Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, con nghe người ta nói rằng, Sa môn Gotama là Bậc Nhất thiết trí, là Bậc Nhất thiết kiến, Ngài tự cho là mình có tri kiến hoàn toàn, khi đi, khi đứng, khi ngủ, khi thức… Tri kiến luôn luôn tồn tại và liên tục. Bạch Thế Tôn, những điều mà người ta nói như vậy có đúng với sự thực không, họ có vu khống Đức Thế Tôn không?” . Đức Phật đáp rằng, họ nói như vậy là “không đúng với điều Ta đã nói, là vu khống Ta”. Như vậy, Đức Phật phủ nhận Ngài có một loại trí tuệ lúc nào cũng hiện diện và thấy biết cùng khắp, trong lúc thức cũng như trong lúc ngủ. Vacchagotta hỏi: Vậy phải nói như thế nào mới đúng? Đức Phật dạy rằng nếu muốn nói đúng thì phải nói Sa môn Gotama là bậc có Ba minh. “Khi nào Ta muốn, Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… cho đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và chi tiết. Này Vacchagotta, nếu Ta muốn thì với Thiên nhãn thuần tịnh, Ta thấy được sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh… đều do hành nghiệp của họ. Này Vacchagotta, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thượng trí giác ngộ, Ta an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nói như vậy là nói đúng về Ta” (Kinh Ba minh Vacchagotta).
Như vậy Tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh là nội dung chứng ngộ của Phật. Đặc biệt chỉ có Phật mới có đầy đủ Ba minh trong ý nghĩa trọn vẹn nhất, mặc dù trên lộ trình tu tập, Ba minh luôn được coi là những thành quả sau cùng của một hành giả đắc đạo.
Đối với các thần thông, Ngài đã tuần tự chứng đắc Thần túc thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông trước khi Ngài thành Phật. Trong đêm thành đạo, Ngài mới chứng tiếp ba thần thông sau cùng theo thứ tự Túc mạng thông (minh), Thiên nhãn thông (minh) và Lậu tận thông (minh). Phật dạy: “Khi Ta chưa chứng Chánh Đẳng Giác, Ta đã nỗ lực tu tập 5 pháp: Ta đã tu tập Thần túc với Dục định tinh cần hành, Tinh tấn định tinh cần hành, Tâm định tinh cần hành, Tư duy định tinh cần hành và Tăng thượng tinh tấn, tùy theo Ta hướng tâm đến pháp nào, Ta có thể chứng đạt pháp ấy” (Kinh Tăng Chi II). Không có pháp nào làm chướng ngại Đức Phật, không có pháp nào mà Đức Phật không thấy rõ, biết rõ, vì vậy đệ tử thường gọi Ngài là Đấng Pháp Vương.
Nhân ngày kỷ niệm Đức Phật Đản sinh Phật lịch 2550, đôi lời nói về sự vĩ đại, sự thanh tịnh, sự chứng ngộ của Đức Phật chỉ để bày tỏ lòng kính ngưỡng của người con Phật và để tri ân Người đã khai sinh ra con đường giải thoát cho nhân loại. Với những ngôn từ hữu hạn giữa cuộc đời đầy ô nhiễm, con người không thể ca ngợi hết được sự vĩ đại của Đức Phật.
Để kết thúc, xin mượn lời của thi nhân Abdul Atahiya ca ngợi Đức Phật: “Nếu bạn muốn thấy người cao quý nhất của loài người, bạn hãy nhìn vị hoàng đế trong y phục một người ăn xin; chính là Ngài đó, siêu phàm, thánh tính của Ngài thật vĩ đại giữa con người” (Đức Phật dưới mắt các nhà tri thức).