Đức Dalai Lama chúc mừng lễ khánh thành Đại học Nalanda

Vừa qua, Đức Dalai Lama đã viết thư cho Thủ tướng Narendra Modi để chúc mừng lễ khánh thành khuôn viên Đại học Nalanda mới tại Rajgir, bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ.

Khuôn viên Đại học Nalanda mới tại Rajgir, bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ

Khuôn viên Đại học Nalanda mới tại Rajgir, bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ

Trong thư, ngài viết:

“Là một trung tâm học tập, Đại học Nalanda ban đầu đã tỏa sáng như mặt trời ở phía Đông. Bắt nguồn từ sự nghiên cứu nghiêm ngặt, thảo luận và tranh biện, nền giáo dục đã phát triển mạnh mẽ tại Nalanda, thu hút rất nhiều sinh viên đến từ khắp châu Á. Ngoài triết học, khoa học, toán học và y học, thì sinh viên còn được học về những truyền thống lâu đời của Ấn Độ – tư tưởng bất hại (ahimsa) và bi mẫn (karuna), những phẩm chất không chỉ liên hệ mà còn rất cần thiết đối với thế giới ngày nay.

Ngoài những phẩm chất tích cực này, sinh viên tại Nalanda đã phát triển sự hiểu biết sâu sắc về hoạt động của tâm trí và cảm xúc, xuất phát từ việc hành thiền truyền thống của Ấn Độ để phát triển định tâm (samatha) và trí tuệ (vipassana). Tôi tin rằng cách mà truyền thống Nalanda thể hiện những phẩm chất này một cách logic và trí tuệ khiến cho chúng có thể dễ dàng kết hợp với giáo dục hiện đại vì lợi ích chung của toàn nhân loại.

Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi thấy được sự quan tâm ngày càng gia tăng của giới trẻ đối với Ấn Độ cũng như kiến thức và trí tuệ của Ấn Độ cổ đại. Điều đó mang đến một tiềm năng to lớn nhằm góp phần kiến tạo một thế giới từ bi hơn. Cũng giống như những gì tôi đã cam kết nhằm thúc đẩy sự quan tâm và nhận thức sâu hơn nữa đối với kiến thức Ấn Độ cổ đại, thật tuyệt vời khi trường Đại học Nalanda mới đã được thành lập tại địa điểm lịch sử này. Cầu mong cho trường phát triển và thịnh vượng”.

Khuôn viên mới của Đại học Nalanda ở Rajgir, Bihar, đã được Thủ tướng Narendra Modi khánh thành sáng ngày 19-6 vừa qua. Trong buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh khả năng phục hồi của ngôi trường trước những thách thức mà nó đã phải đối mặt. Ông cũng khẳng định rằng Đại học Nalanda đại diện cho bản sắc, danh dự, giá trị và nguyên tắc của Ấn Độ: “Nalanda không chỉ là một cái tên mà đó còn là danh dự và sự tôn vinh các giá trị tốt đẹp”.

Lễ khánh thành khuôn viên mới của Đại học Nalanda ở Rajgir, Bihar diễn ra vào ngày 19-6 vừa qua

Lễ khánh thành khuôn viên mới của Đại học Nalanda ở Rajgir, Bihar diễn ra vào ngày 19-6 vừa qua

Buổi lễ khánh thành có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar, Thống đốc Bihar Rajendra Vishwanath Arlekar, Bộ trưởng Nitish Kumar và Hiệu trưởng Đại học Nalanda Arvind Panagariya. Các phái viên từ 17 quốc gia, bao gồm Úc, Bangladesh, Bhutan, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Mauritius, Myanmar, New Zealand, Bồ Đào Nha, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka và Việt Nam cũng có mặt tại sự kiện.

Từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ XII, Đại học Nalanda là một trung tâm học thuật xuất sắc và là một trong những trường đại học cổ xưa nhất trên thế giới. Vào thời điểm đó, Nalanda đã có 10.000 học viên, hầu hết là Tăng sĩ, đến từ Trung Hoa, Tây Tạng và những nơi khác. Nhiều học giả Phật giáo nổi tiếng đã đến học ở đây, trong đó có hai vị Tăng sĩ nổi danh người Trung Hoa là ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang.

Tuy nhiên, Đại học Nalanda đã bị đạo quân xâm lược Hồi giáo phá hủy vào năm 1193. Trong nỗ lực phục hồi uy danh và di tích của trường Đại học Nalanda, vào năm 1951, một học giả ưu tú của Phật giáo, sư Jagdish Kashyap, đã sáng lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Pali và đạo Phật ở bên cạnh khu di tích nguyên ủy. Trung tâm ấy gọi là Nava Nalanda Mahavihara, hiện nay vẫn còn tồn tại.

Đại học Nalanda xưa đã từng sở hữu một thư viện lớn nhất châu Á được gọi là “Dharma Gunj”, gồm chín tầng và chứa khoảng chín triệu cuốn sách. Tuy nhiên, tất cả đã bị quân xâm lược đốt cháy cùng với sự phá hủy của Đại học Nalanda. Trong buổi lễ vừa qua, Thủ tướng Modi đã đề cập đến vụ hỏa hoạn đó và khẳng định: “Lửa có thể đốt sách, nhưng lửa không thể phá hủy kiến thức”.

Sau một thời gian dài chờ đợi, việc khôi phục và tái tạo lại một phần di sản lịch sử của Đại học Nalanda đã trở thành hiện thực. Năm 2016, cựu Tổng thống Pranab Mukherjee đã làm lễ đặt đá cho khuôn viên mới tại làng Pilkhi, Rajgir, đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình xây dựng đáng mong đợi.

Khuôn viên mới, trải dài trên 100 mẫu Anh, không chỉ kết hợp thiết kế thân thiện với môi trường mà còn tuân thủ các nguyên tắc Vastu cổ xưa, hướng tới mục tiêu lượng khí thải carbon bằng không. Khuôn viên bao gồm hai khối nhà với 40 phòng học có sức chứa gần 1.900 sinh viên và hai khán phòng có sức chứa hơn 300 chỗ ngồi. Bên cạnh đó, khuôn viên còn có các ký túc xá tiện nghi có thể đón nhận tới 550 sinh viên, cùng với 197 phòng ký túc xá ở dành cho giảng viên.

Không dừng lại ở đó, khuôn viên mới còn được trang bị các cơ sở vật chất hiện đại như khu liên hợp thể thao, trung tâm y tế, trung tâm thương mại và câu lạc bộ giảng viên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập và sinh hoạt của sinh viên và giảng viên. Đặc biệt, thư viện hiện đại với không gian chứa 300.000 cuốn sách và đủ chỗ cho 3.000 độc giả dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng Chín, hứa hẹn mang đến nguồn tri thức vô tận cho cộng đồng học thuật.

Thủ tướng Modi cho biết sinh viên đã bắt đầu đến từ khắp nơi trên thế giới, với hơn 20 quốc gia có sinh viên đang học tại Nalanda. Hiện tại, Đại học Nalanda có sáu phân khoa, cung cấp các chương trình về nghiên cứu Phật học, lịch sử, môi trường, phát triển bền vững, nhiều ngôn ngữ, văn học và quan hệ quốc tế. Trường cũng bao gồm bốn trung tâm chuyên biệt, tập trung vào Nghiên cứu Vịnh Bengal, Nghiên cứu Ấn Độ-Ba Tư, Giải quyết Xung đột và Trung tâm Tài nguyên Lưu trữ chung.

Tâm Tuệ tổng hợp/Báo Giác Ngộ