Dư âm ngày hội thảo

Tròn một trăm năm, Người hiện sinh ở chốn nhân gian.

Tròn ba mươi lăm năm, Người về cõi Phật.

Để hôm nay, chúng con ngồi lại bên nhau, thành kính tưởng niệm Người.

Sáng nay, một sáng tháng tư, màu vàng huỳnh y, màu trắng áo giới đan xen nhau trong dòng người về nơi Pháp viện. Ngập tràn trong tâm khảm chúng con là niềm hoan hỷ, kính thương và trân trọng vô bờ.

Xin mãi khắc ghi hình ảnh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dù tuổi cao sức yếu, dù Phật sự đa đoan, Ngài vẫn quang lâm chứng minh và ban đạo từ trong phiên khai mạc. Từng có duyên tiếp xúc với cố Ni trưởng trong các Phật sự, Ngài kể lại ấn tượng sâu sắc về sức thu hút kỳ lạ của Ni trưởng đối với Ni giới và Phật tử. Ngài cho rằng, chỉ có sự tu chứng mới có thể tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ đó ở Ni trưởng. Hòa thượng Pháp chủ cũng rất đồng cảm với Ni trưởng trong tâm nguyện hoằng pháp và chăm lo sự nghiệp giáo dục Phật học. Ngài tán thán: Ni trưởng Huỳnh Liên xuất hiện trong cuộc đời đã tạo nên một sinh khí mới cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Riêng với chúng con và những ai hữu duyên có mặt hôm ấy, sự chứng minh và đạo từ của Ngài cũng đã tạo nên một không khí hết sức hoan hỷ cho ngày hội thảo!

Con cũng thật ấn tượng với bài phát biểu đề dẫn của TT. TS Thích Minh Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. Thượng tọa đã khái quát những nội dung lớn xoay quanh 4 chủ đề chính của hội thảo, qua 175 bài tham luận được gởi về cho Ban tổ chức. Thượng tọa cũng đã chỉ rõ những điểm nhấn đặc sắc ở từng chủ đề bằng những minh họa cụ thể, phong phú, giàu cảm xúc. Đề dẫn đã giúp người nghe hình dung được toàn cảnh những bài tham luận trong hội thảo lần này.

Hội thảo tiếp tục diễn ra qua 2 phiên thảo luận theo từng chủ đề ở các địa điểm cụ thể trong Pháp viện theo sự bố trí của ban tổ chức. Những tham luận tiêu biểu được chọn trình bày trong các phiên thảo luận. Chủ đề nào cũng hay, tham luận nào cũng đặc sắc, nhưng thính chúng chỉ có thể chọn một phòng để dự. Con chọn phòng thảo luận về chủ đề: Ni trưởng Huỳnh Liên trong trái tim Tăng Ni và Phật tử. Con muốn lắng lòng mình trong dòng cảm xúc của chư Tôn đức Ni khi hồi tưởng về bậc Thầy tâm linh khả kính, vị chân tu mà cuộc đời và đạo hạnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong các trang sử của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.

Bảo tháp Hồng Ân được chọn làm địa điểm cho chủ đề này. Thật là sự chọn lựa đầy ý nghĩa, khi bức tường phía trước ngôi bảo tháp khắc đậm những dòng thơ:

Ân Phật,

Ân Tổ, ân Thầy….

Ánh từ quang

đức sâu dày xưa sau.

(HT. Giác Toàn)

Xin thành kính niệm ơn quý Ni trưởng, Ni sư qua các tham luận được trình bày hôm ấy. Chúng con, thế hệ hậu học được tắm mình trong hồi ức đậm tình thầy trò, thấm nghĩa ân Sư. Kính thương, xúc động và tri ơn, đó là những cung bậc cảm xúc hết sức sâu lắng, được các diễn giả truyền đến cho thính chúng qua những lời kể chân thành, đầy đạo vị.

Nếu như phiên khai mạc đem đến cho đại chúng sự chờ đợi lắng nghe tham luận, thì phiên bế mạc đã để lại trong lòng mọi người niềm hoan hỷ sâu sắc qua những đúc kết giá trị đến từ chư Tôn đức, từ các vị khách quí.

TT .TS Thích Tâm Đức, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã khẳng định ý nghĩa to lớn của hội thảo trong việc “tôn vinh những đóng góp to lớn của các bậc tiền bối hữu công đối với Đạo pháp và dân tộc. Hội thảo cũng là dịp để nhắc nhở các thế hệ tiếp nối hãy là người thừa tự những tinh hoa, phát huy những điểm sáng ngời của các bậc thầy trong quá khứ đã sống và cống hiến”.

Thay mặt Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Trần Thị Minh Nga đã phát biều:“Ni trưởng là sự hội tụ lòng đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam, sự nhân từ của người con Phật, sự cởi mở của người dân Nam Bộ, sự quyết liệt khẳng khái, tự nguyện dấn thân và sẵn sàng hy sinh vì quốc gia dân tộc của một công dân yêu nước”.

Một sự khắc họa thật đẹp, thật hình ảnh và thuyết phục về chân dung của cố Ni trưởng. Xin chân thành cảm ơn những nhận định hết sức sâu sắc, toàn diện và xác đáng của bà. Trước tình cảm và sự trân quí ấy, Thượng tọa Thích Giác Hoàng đã đáp từ, cũng với những tình cảm hết sức trân trọng.

Với vai trò của cơ quan đồng tổ chức, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng đã đánh giá: “Sau 35 năm kể từ ngày Ni trưởng viên tịch thì đây là hội thảo khoa học đầu tiên về Ni trưởng Huỳnh Liên được các cơ quan khoa học có uy tín tổ chức. Chính cuộc hội thảo khoa học lần này đã làm rõ được 4 mục chính mà hệ phái Khất sĩ và Ban tổ chức đã đặt ra về Ni trưởng Huỳnh Liên, đồng thời cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, nghiên cứu liên ngành về Ni trưởng Huỳnh Liên và Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam trong tương lai”.

Sự có mặt và hồi ức của bà Cao Thị Quế Hương, nhân chứng lịch sử hoạt động cùng thời với Ni trưởng Huỳnh Liên trong những ngày đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn, đã đem đến cho phiên bế mạc những cảm nhận như vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Vẫn hết sức minh mẫn và tinh anh ở tuổi 80,  những câu chuyện bà kể về Ni trưởng đầy ắp thông tin, đầy ắp lòng kính phục và ngưỡng mộ.

Từ góc độ của một nhà nghiên cứu lịch sử đầu ngành, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang đã nhấn mạnh hội thảo này là một sự kiện văn hóa quan trọng. Hội thảo đề cập đến một nhân vật lịch sử, một vị Ni trưởng của một hệ phái rất đặc sắc trong Phật giáo Việt Nam. Hội thảo đã nhận được 175 bài tham luận với 1027 trang viết của các học giả, các nhà nghiên cứu từ nhiều trường, nhiều đơn vị. Điều đó cho thấy sức thu hút từ các chủ đề của hội thảo, từ những cống hiến lớn lao của Ni trưởng.

Tiếp theo là phần đúc kết mang tính tổng kết của TT.TS Thích Nhật Từ, Uỷ viên Hội đồngTrị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM. Thượng tọa khẳng định một lần nữa những đóng góp to lớn, những điểm đặc sắc trong sự nghiệp của Ni trưởng đối với đạo pháp và dân tộc. Ngài cũng chỉ ra những yếu tố dẫn đến sự thành công của hội thảo, trước hết là sự tham gia nhiệt tình, đông đảo và hiệu quả của các học giả, các nhà nghiên cứu, các vị tu sĩ ở khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Thượng tọa cũng thông qua kế hoạch xuất bản quyển sách về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Huỳnh Liên trên cơ sở các bài tham luận trong hội thảo. Đây sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về Ni trưởng, nhằm lấp đi những khoảng trống còn chưa được nghiên cứu, khắc họa toàn diện và chân xác hơn về hành trạng của Người.

Cuối cùng là lời cảm tạ hết sức chân thành và xúc động của Ni trưởng Viên Liên, Phó Trưởng Ban thường trực Giáo phẩm Ni giới hệ phái Khất sĩ, Trụ trì Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương.

Phiên bế mạc hội thảo kết thúc trong âm vang của những đoạn thơ được trích từ bài thơ: Tôi yêu Phật giáo Việt Nam, một trước tác quen thuộc của Ni trưởng, qua giọng đọc của Thượng tọa Giác Hoàng. Những câu thơ như một nốt lặng trầm hùng mà nồng nàn hương vị hỷ lạc của bậc chân tu đạo hạnh:

“Tôi yêu Phật giáo Việt Nam,

Là vì Phật giáo nhiều hàng cao Tăng.

Nguy thời dựng nước, cứu dân,

An thời giũ áo, am vân tu trì”

Hội thảo đã kết thúc sau một ngày làm việc tích cực với tâm hoan hỷ của tất cả những ai hữu duyên cùng tham dự. Hội thảo chỉ diễn ra vỏn vẹn một ngày. Nhưng để có được thành tựu ấy là sự nỗ lực tuyệt vời của chư tôn đức Tăng Ni trong Ban tổ chức, sự dày công khảo cứu của các học giả, sự hộ trì của rất nhiều Phật tử, bằng nhiều phương cách khác nhau.

Sự chuẩn bị cho hội thảo thật công phu, chu đáo trong từng chi tiết. Hai quyển kỷ yếu tập hơp hơn 170 bài tham luận là công trình trí tuệ của các nhà nghiên cứu. Từng tặng phẩm, cũng là kỷ vật, được chọn và thiết kế một cách sáng tạo, trang trọng, mang theo cái hồn giàu ý tưởng của những người có trách nhiệm thực hiện. Thật trân quí vô cùng !

Con xin thành kính niệm ân chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban tổ chức, xin niệm ân tất cả những nhân duyên đã đưa đến sự thành công của hội thảo: “Ni trưởng Huỳnh Liên: Những đóng góp cho đạo pháp- dân tộc và những giá trị kế thừa.”

Ngưỡng mong, âm vang của hội thảo sẽ lan tỏa thành nguồn năng lượng lành cho những người con Khất sĩ trên con đường noi theo dấu chân và hạnh nguyện của Ni trưởng và các bậc tiền nhân !

Như Liên