Đồng tiền và hạnh phúc
Thực tế, theo các nhà tâm lý xã hội học, đồng tiền chỉ là phương tiện nuôi sống hạnh phúc chứ không là cứu cánh của hạnh phúc. Đồng tiền có thể dùng mua được nhiều thứ, nhưng không mua được mọi thứ, trong đó có tình yêu và hạnh phúc đúng nghĩa.
Về phương tiện vật chất, có những người dư thừa tới độ sẵn sàng phung phí quá mức. Ở những người này, họ có thể đùa với đồng tiền, chấp nhận vung vào những cuộc ăn chơi xa hoa lãng phí. Mục đích của họ là để tìm vui, mua vui, bởi bản thân họ chưa hề bằng lòng với những gì đã và đang có.
Tuy nhiên, trải qua những cuộc ăn chơi trác táng luôn là sự chán chường mệt mỏi. Chẳng hạn sau một cuộc chơi thâu đêm, là nỗi buồn chất ngất, than thân trách phận. Ở những người đang say sưa với cuộc vui, người ta nhầm tưởng mình đang có tất cả trong tay, kể cả hạnh phúc lẫn tình yêu, nhưng khi ra khỏi cuộc chơi, người ta nhận ra rằng mình chưa có gì hết, kể cả tình yêu và hạnh phúc.
Tình yêu chân chính sẽ tạo ra hạnh phúc – các chuyên gia tâm lý học đều nhận định như thế, và chỉ có nó mới đánh đổi và “mua” được hạnh phúc. Đánh đổi và mua ở đây chỉ là hai từ tạm dùng để cụ thể hóa chứ không bao hàm ý nghĩa tình yêu đổi chác sẽ có được hạnh phúc và sau đó mất đi tình yêu. Hạnh phúc chỉ có được khi có tình yêu. Tình yêu chân chính mới có được hạnh phúc. Dĩ nhiên, khó có được tình yêu tuyệt đối nhưng nhất định không khó tìm.