“Đời là tương đối mà con muốn tuyệt đối”

Con biết bản thân mình luôn luôn đòi hỏi sự hoàn hảo trong quan hệ vợ chồng con cái. Đôi khi có những chuyện xảy ra không như ý muốn của con thì con rất thất vọng, cảm thấy bế tắc không gì cứu vãn. Thưa Sư, làm sao con có thể sống yên bình với cái tâm như thế này?

Hỏi:

Lúc nào con của con cũng lắng nghe lời con dạy, nhưng đến khi đụng chuyện thì đôi khi nó lại quên, không dám nhận lỗi và sửa chữa. Chồng con bình thường cũng rất lo làm ăn và quan tâm vợ con. Công việc của con là buôn bán suốt ngày nhưng khi rảnh rỗi là chồng con lại đi nhậu, không phụ giúp vợ con. Con lúc nào cũng cố gắng kiềm chế bản thân nhưng chỉ được một lúc thôi thưa sư! Chồng con đi chơi về là con hết kiềm chế nổi, nói lời đay nghiến to tiếng, mặc dù con biết mình sẽ có tội.

Thưa sư, làm sao con có thể sống yên bình với cái tâm như thế này? Con cảm thấy lúc nào cũng hồi hộp bất an và lo lắng. Con thấy con bất lực với bản thân mình. Con biết thời gian của các vị tu hành rất quý báu, mình không nên đem điều phiền não của riêng mình làm phiền các vị, nhưng con rất thiết tha được thấy rõ ánh sáng dù chỉ một lần! Nên con xin sư soi sáng cho con. Con xin sám hối vì đã làm mất thời gian của sư.

Cuộc sống không có gì là như ý mình

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáp: 

Nếu cây cam muốn tất cả cây trong vườn đều làm theo ý muốn của mình thì đương nhiên nó phải khổ, vì mỗi cây có một đặc tính riêng dù cùng một loài cam vẫn không thể cây nào cũng giống nhau. Đời là tương đối mà con muốn tuyệt đối làm sao được. Cái khổ đó Phật gọi là “cầu bất đắc” tức muốn mà không được như ý.

Mặt khác khi con chỉ muốn người khác làm theo ý mình thì con sẽ không thể nào hiểu được họ, nhưng khi con tự hiểu ra chính mình thì con dễ dàng hiểu và cảm thông với người khác.

Khi con sai con không muốn ai chỉ trích hay bắt con phải sửa đổi theo ý họ mà con chỉ muốn tự mình âm thầm sửa đổi thôi. Vậy cách chỉnh sửa người khác của con có thể quá chủ quan nên không hiệu quả chăng?

 

HT. Viên Minh