Độ nhất thiết khổ ách – Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi ta tự độ

Một bậc giác ngộ, một bậc minh sư, một bậc thầy điều mà họ có thể làm cho ta là họ chỉ ra con đường, họ chỉ cho ta nhận ra vị Phật ngay bên trong mình, vị minh sư bên trong mình. Còn mỗi người phải tự mình nhận ra, tự mình bước đi, tự mình giác ngộ…

Ngũ tổ trao y bát cho lục tổ xong thì tổ cũng biết rằng khi chúng biết y bát đã được trao về tay của Huệ Năng thì thế nào cũng có người không đồng ý sẽ tìm cách lấy lại hoặc là họ hãm hại lục tổ để lấy y bát. Do đó Ngũ Tổ mới nói “bây giờ con nên đi về phương Nam đi”. 

Đêm hôm đó Ngũ Tổ đã đưa Lục Tổ ra thuyền, khi lên trên thuyền Ngũ Tổ muốn chèo thuyền đưa Lục tổ đi, tiễn biệt người học trò của mình. Và ngũ tổ muốn tự mình chèo thuyền đưa học trò của mình. Thật là cảm động tình thầy trò thâm sâu của Ngũ tổ và Lục tổ.

Nhưng Lục tổ không muốn thầy mình lớn tuổi rồi phải chèo thuyền đưa mình qua bờ bên kia nữa. Lục tổ muốn tự mình làm công việc ấy nên lục tổ nói “dạ bạch thầy để con tự chèo thuyền”. Cái chữ “chèo”, cái chữ “đưa” tức là cái chữ “độ” đó.

Lục tổ nói “Khi mà trước đây con chưa ngộ thì thầy độ cho con, bây giờ con ngộ rồi thì Thầy hãy để cho con tự độ chính mình”. Thế là ngài chèo qua bờ bên kia. Cái chữ “độ” có nghĩa là tự mình mình đưa mình qua.

Thành ra “độ nhất thiết khổ ách” trong cái bản kinh Bát Nhã có nghĩa là chính mình phải độ mình. Ta phải thực hành nghĩa là tự bản thân ta phải hóa giải hết “nhất thiết khổ”. Nhất thiết khổ là tất cả khổ của thế gian này.

00

Thông qua đoạn truyện ngắn về Lục tổ và Ngũ tổ ta nhận ra một điều rằng mỗi người khi ngộ rồi phải tự độ cho chính mình. Không ai có thể độ cho ta thành Phật được cả. Chính bản thân ta phải tự thắp đuốc lên và tự bản thân phải bước đi từng bước dưới ánh sáng của trọn vẹn nhận biết.

Vì thế nếu có ai nói tôi giác ngộ rồi, tôi giải thoát rồi mọi người cứ đến đây tôi có thể làm cho chư vị giải thoát hết mà không cần tu tập gì cả, chỉ cần nghe tôi là thành Phật ngay, bao nhiêu đời Cửu Huyền thất tổ cũng được siêu thăng thì cái đó không bao giờ có.

Bất kỳ ai mà đang dẫn ta vào đường này có nghĩa là ta đang đi trên con đường tà rồi đó. Tà là lệch.

Một bậc giác ngộ, một bậc minh sư, một bậc thầy điều mà họ có thể làm cho ta là họ chỉ ra con đường, họ chỉ cho ta nhận ra vị Phật ngay bên trong mình, vị minh sư bên trong mình. Còn mỗi người phải tự mình nhận ra, tự mình bước đi, tự mình giác ngộ, tự mình độ cho chính mình giống như Lục Tổ ngài tự độ cho ngài.

Khi chưa ngộ thì thầy độ phải không? Ta chưa nhận ra tánh giác ngay nơi chính mình. Ta chưa nhận ra con người chân thật nơi chính ta thì thầy độ là thầy sẽ giúp cho ta nhận ra, nhưng mà khi mình nhận ra rồi thì chính ta phải độ cho bản thân ta.

Có nghĩa là ta phải sống ở vị trí giác đó, phải sống với tâm Phật ngay nơi chính ta. Ta phải sống ngay tánh giác nơi chính bản thân ta thì cái đó gọi là tự độ. Thì lúc đó ta mới giác ngộ.

Thành ra con đường tâm linh chính là con đường độc lộ, chính ta phải tự thân đi thôi. Thầy ta có thương ta cỡ nào đi chăng nữa cũng không thể đi giùm ta đâu. Thành ra đi trên con đường này dường như có chút cô đơn đúng không?

Cô đơn là người ngoài nhìn vào, còn người nhận ra được con người chân thật của chính mình rồi thì không bao giờ cô đơn. Người ấy luôn thấy đủ đầy dù là trên núi cao hay trong rừng sâu.

Chỉ có người cảm thấy thiếu thốn, trống vắng trong lòng mới thấy mình cô đơn, người đủ đầy thì không bao giờ cô đơn.

Như vậy ý niệm giác ngộ tập thể là một khái niệm hơi ảo tưởng, mỗi người phải tự giác trên hành trình tâm linh này. Thời Phật cũng giống như vậy, ngài chỉ chỉ ra cho mọi người nhận ra tâm giác ngay nơi chính họ rồi từ sự giác ngộ đó, từ vị trí đó họ sống để có thể tự độ, để có thể giải thoát được tất cả mọi khổ.

“Khi mà con chưa ngộ thì Thầy độ, mà con đã ngộ rồi thì bây giờ con tự độ”. Dường như mới nghe thấy nó đơn sơ đúng không? Nhưng mà chứa đựng trong nó là tuệ giác, là yêu thương.

Pháp Nhật