Diệu tánh hư vô
Ngắm nhìn mặt trời lên dần từ phía xa thành phố, nghe những làn hơi ấm của một sớm mùa hè khẽ khàng mơn man trong làn gió nhẹ, lòng tôi ngập tràn những thanh âm nhiệm màu của sự sống.
Gió sớm mai vấn vít như được ướp hương ngọc lan đầu mùa, đâu đó như còn thoang thoảng hương sen. Gió mùa hạ là vậy. Đặc biệt là những ngọn gió mỗi bình minh, luôn mang theo một hương thơm bảng lảng, phảng phất thật ngọt, thật hiền.
Tôi ngắm nhìn ban mai đi qua cho tia nắng vàng rơi xuống từng đọt lá, từng vai áo. Những sắc hoa cũng bừng tỉnh chào ngày mới, mùa mới thật lành lẽ, đẹp tươi. Nắng tháng năm là con nắng vừa độ chín. Trời vẫn la đà mây bay, chưa có cái nền xanh thẳm cao vút như buổi giữa hè.
Tôi nhớ ngày nhỏ, mỗi lần tới tháng năm, tức khoảng đầu tháng tư âm lịch cũng là thời điểm mà người ta thường gọi là mùa Bụt sinh. Mùa này hoa sen bắt đầu hé nở. Hoa như được những ánh nắng ấm áp đánh thức cho bừng dậy sau một giấc ngủ dài. Sen vươn mình, khoe sắc, khoe hương ngát thơm trên khắp các nẻo đường quê. Những con đường cũng thức dậy, uốn lượn hiền hòa cùng những ngọn gió thơm và những tia nắng thì ngọt ngào như hũ mật chảy tràn trên khắp thinh không.
Nhân tiện, nhắc đến mùa sen nở và kỷ niệm ngày Phật đản sinh, người dân xứ Bắc thường gọi là Bụt sinh Bụt đẻ, tôi chợt nhớ tới Thiền sư Ngộ Ấn thời Lý (1020 – 1088) từng có một bài kệ thị tịch rất ý nghĩa về hoa sen:
Diệu tánh hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị can.
Bài kệ rất nhiều ý nghĩa và vô cùng sâu sắc.
“Diệu tánh” cũng gọi Phật tánh, Pháp tánh, vốn trong lặng, trống không, không thể nắm bắt. Nếu cái tâm rỗng không trong lặng thì ngộ được chẳng khó. Cũng như ý của câu nói mà Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720 – 814) đã khai ngộ cho Thiền sư Vô Ngôn Thông, vị thiền sư đã khai mở một dòng thiền lớn ở nước ta từ hơn 1.000 năm về trước: “Tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu”. Câu này có nghĩa là đất tâm mà được vắng lặng, rỗng không thì sự giác ngộ được ví như mặt trời trí huệ sẽ tự nhiên tỏa sáng. Chân tánh, diệu tánh vốn ở ngay nơi không tự tánh, không sở đắc, không có nơi bám trụ. Tâm kinh Bát Nhã khẳng định: “Sắc tức thị không” (sắc chính là không) và “Không tức thị sắc” (không cũng chính là sắc). Ấy là để nói tới cái tính bản thể của muôn vật trong cõi giới này.
Hoa sen vốn là biểu trưng của những gì thanh tịnh, giải thoát và vô nhiễm. Hoa sen trong bài kệ thị tịch của Thiền sư Ngộ Ấn cùng với viên ngọc đang bị chìm trong biển lửa. Cũng giống như “diệu tánh” trong cõi giới của lửa phiền não bao trùm. Để không bị thiêu đốt thì “diệu tánh” ấy phải là tánh trống không, là “hư vô” và cái tâm cũng phải là tâm vắng bặt mọi ý niệm về ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả.
Nếu chúng ta được thắp sáng, ta sẽ thấy hoa lá hay cỏ cây, một tia nắng sớm, một giọt sương đêm, một áng mây lành…, tất thảy đều là những vị Bồ Tát, những vị Bụt thị hiện để thuyết bài pháp về vô thường, khổ và vô ngã.
Bởi có vô thường nên mới có các mùa, mới có thời gian luân chuyển. Cúc tàn rồi sen mới lại nở hoa. Có lộc biếc rồi nhờ vô thường nên mới thấy được lá non xanh, thấy cây ấy đơm bông, kết quả, lại có những hạt lành. Không có vô thường làm sao con người có thể lớn lên, có thể trưởng thành và lại còn có vợ, có chồng, có cháu con bè bạn?
Vô ngã cũng lại có một ý nghĩa khác là sự tương tức. Làm sao chúng ta có thể lấy những nhiễm sắc thể mang dấu ấn di truyền học của ông, bà, cha, mẹ ra khỏi mình? Làm sao chúng ta có thể lấy ánh mặt trời, lấy nước, lấy gió, lấy những dinh dưỡng từ đất ra khỏi một quả chín mà chúng ta đang ăn? Bởi cái này có mà cái kia có, bởi cái này sinh nên cái kia sinh. Vô ngã hay không có một sự vật nào có tự tánh riêng biệt chính là một sự thật.
Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy vô thường, vô ngã là những điều màu nhiệm. Và “khổ”, cố nhiên là một sự thật, nhưng đó cũng là một điều màu nhiệm.
Ngày Bụt đản sanh, Người khai thị cho nhân loại một sự thực: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Điều đó thực là một tin vui!
Khi tính thấy, tức là “giác tính” hay “Phật tính” được hiển lộ, đó cũng là lúc con người an nhiên sống trong niết bàn của thực tại. Thấy vô thường, vô ngã, thấy khổ như nó đang là mà không khởi tâm bám chấp hay dính mắc mà trôi lăn trong cái “tưởng” của luân hồi sinh tử. Đó cũng là lúc, dù nhân gian có những uế trược, có những tị hiềm, có những khổ não của tham, của sân si như một biển lửa thiêu đốt, “Phật tánh”, hay “diệu tánh” thường hằng của mỗi người sẽ chính là những viên ngọc vẫn tỏa sáng, những đóa sen vẫn tươi thắm.
Nắng đã tròn đầy, chảy tràn trên những vòm cây xanh mát. Nắng lại rơi trên những cái đầu tròn bé xíu của những chú chim sâu đang ríu rít trên cành. Nắng gửi rực rỡ vào từng cánh hoa, gửi ngọt ngào vào từng quả chín. Đâu chỉ riêng mùa hạ, cả vũ trụ như những khúc ca nhiệm màu. Bụt đản sinh hơn hai ngàn năm về trước là một sự thật. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính cũng là một sự thật. Khi nào chúng ta có được cái tâm thanh tịnh, trong lặng mà thấu hiểu và yêu thương cuộc đời, khi ấy chúng ta cũng đều có thể mừng Bụt đản sinh, không phải ở thân phận của một thái tử ở nước Ca tỳ la vệ ngày nào, mà là ở trong chính mình.
Chúc cho mỗi chúng ta mùa Bụt sinh Bụt đẻ này có đủ thời giờ để đón những bình minh, để nghe hoa lá kể về câu chuyện của vô ngã, vô thường và để mời vị Bụt, vị Bồ tát trong mình biểu hiện.
Thích Tâm Hiệp