Điện thoại thành rác và lối sống “thiểu dục tri túc”
Hơn 20 năm trước, khi tôi mới chân ướt chân ráo vào TP.HCM học đại học, điện thoại di động là một phương tiện cực kỳ xa xỉ. Trong lớp tôi, chỉ có một vài người bạn có điện thoại di động, họ là sinh viên người thành phố, con nhà giàu.
Bấy giờ, tôi và các bạn khác liên lạc với người thân ở xa phổ biến nhất bằng thư tay. Khi nào có chuyện cần thiết lắm mới gọi một cuộc về nhà, nhưng quy trình gặp người thân không hề dễ dàng. Như tôi, mỗi lần gọi cho má ở Quảng Nam, phải tốn 2 cuộc gọi. Đầu tiên, tôi ra buồng điện thoại công cộng ở làng Đại học Thủ Đức để gọi về cho nhà hàng xóm có máy điện thoại bàn, nhờ họ nhắn má tôi.
Sau đó, theo giờ hẹn cố định, thường là buổi trưa để má không bận, tôi lại ra buồng điện thoại công cộng gọi về để thông báo việc quan trọng, cần gấp với má. Hai má con chỉ dám nói chuyện chính, hỏi thăm hạn chế, vì cứ nhìn bảng điện tử nhảy số tiền cước lại thấy xót đồng tiền bát gạo của gia đình gửi cho mình. Thời đó, cơm sinh viên chỉ có 2.500 đồng một đĩa nên gọi điện thoại tốn 5-7 ngàn đồng là một việc làm đáng quan ngại, dễ dẫn tới “viêm màng túi”.
Mãi đến năm hai đại học tôi mới mua được chiếc điện thoại di động mà mình mong ước. Đó là chiếc điện thoại “cục gạch” hiệu Nokia cũ, pin đã gần hỏng, nhưng có giá đến 200.000 đồng. Cũng may, tôi đã có thể làm thêm bằng chính công việc viết lách của mình nên có thể tự sắm trong niềm hoan hỷ.
Vài năm sau, tôi đổi được điện thoại mới khi chiếc cũ đã hỏng hoàn toàn. Điện thoại mới cũng là chiếc “cục gạch”, chủ yếu dùng để gọi và nhắn tin, nhưng cũng cực kỳ hạn chế sử dụng. Cứ thế, điện thoại mới của nhiều hãng ra đời, từ bật nắp đến cảm ứng, chụp hình đến quay phim, có kết nối internet để sử dụng linh động như một chiếc máy vi tính di động nằm trong lòng bàn tay. Đến nay, ngoài Apple, nhiều hãng điện thoại khác cũng liên tục cải tiến công nghệ, cập nhật tính năng, mẫu mã mới. Và mỗi lần như vậy luôn thu hút sự chú ý của toàn cầu, trở thành những sự kiện công nghệ nổi bật.
Tôi không thuộc tuýp người có quan tâm nhiều đến phương tiện công nghệ nên dù có nắm bắt thị trường này nhưng không chạy theo việc đổi máy tính hay điện thoại mới. Một phần cũng vì tôi không cần quá nhiều những tính năng đặc biệt của các dòng máy mới, hiện đại đang thịnh hành.
“Sao không đổi điện thoại mới đi, cứ xài iPhone 7 Plus hoài vậy”, một người bạn hỏi. Tôi thường thay câu trả lời bằng “mỉm cười cho qua”, nhưng thực sự tôi thấy chiếc điện thoại của mình vẫn còn xài tốt. Tôi vẫn có thể thao tác được những việc cần thiết từ chiếc điện thoại mà đến nay, thế hệ con cháu đã gấp đôi đời của nó. Tôi thấy vui vì mình đã bảo quản và dùng tốt một sản phẩm công nghệ thay vì chạnh lòng khi nhìn xung quanh ai cũng “lên đời”.
Vài bữa trước, khi uống cà-phê với một người bạn, tôi bất ngờ khi bạn đang sở hữu chiếc iPhone 13 Pro Max nhưng khi “con” 14 về Việt Nam, anh ấy đã chi hàng chục triệu để sở hữu. Tôi nói vui, đúng là “có mới nới cũ”.
Thực sự, không phải chỉ mình tôi, tuần qua có không ít người bất ngờ vì sự tiêu thụ iPhone 14 của người Việt. Ngay trong ngày mở bán chính thức, theo thống kê, các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đã giao trên 55.000 máy, đa số là bản đắt nhất – iPhone 14 Pro Max. Như vậy, trong ngày mở bán, người Việt đã chi cả nghìn tỷ đồng để mua iPhone 14.
Lựa chọn mua một sản phẩm nào đó, đặc biệt là công nghệ, điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ công dụng, tính năng sản phẩm có tương thích với nhu cầu sử dụng cũng như thu nhập của bản thân, gia đình hay không. Tôi không biết trong dòng người mua iPhone 14, ai thực sự cần những tính năng của sản phẩm, ai thực sự dư dả để không phải trả góp ngân hàng với lãi suất cao?
Mua sắm ngoài khả năng chi trả để lại khá nhiều hệ lụy mà tín dụng đen chính là hiện tượng bất ổn xã hội thời gian qua. Điều đáng quan ngại khác chính là chạy theo tiếng gọi của công nghệ với những thay đổi xoành xoạch hiện nay, môi trường sống sẽ gánh nặng thêm rác thải nguy hiểm. Con số này không biết có khiến ai đó giật mình: theo Hiệp hội nghiên cứu WEEE, trong năm nay, có chừng 5,3 tỷ trong số khoảng 16 tỷ điện thoại di động được sở hữu trên thế giới có thể bị vứt bỏ hoặc cất giữ. Đặt chồng lên nhau, số điện thoại này sẽ cao tới 50.000km, gấp hơn 100 lần độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Kinh khủng hơn, điện thoại di động chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” nặng 44,48 triệu tấn gồm rác thải điện tử không được tái chế hàng năm trên toàn cầu.
Hãng công nghệ nào cũng muốn cải tiến để cho ra đời ngày càng nhiều sản phẩm mới. Mỗi lần như vậy, họ luôn biết đánh vào ham muốn của con người nhiều hơn là nhu cầu phổ thông của tất cả khách hàng. Có thể thấy, ngoài nhu cầu sử dụng công nghệ mới với tính năng vượt trội phục vụ cho công việc, không ít người xem chiếc điện thoại đắt nhất thị trường là “trang sức” để người khác trọng thị, thậm chí đồng nhất đó là giá trị của bản thân. Không khó để nhận diện những người chạy theo công nghệ vì mục đích này và chính họ đã góp phần làm cho Đất Mẹ, Môi Trường Sống của con người, cũng như nhiều loài khác phải oằn mình “chịu đựng”.
“Thiểu dục tri túc” (ít muốn biết đủ) là một trong những nguyên tắc để có đời sống nhẹ nhàng, bình an. Sẽ thế nào khi tất cả đều thấy rằng mình đã vay mượn thiên nhiên quá nhiều – từ hơi thở vào ra mỗi ngày, gây áp lực trực tiếp lên môi trường, đang gián tiếp giết chết chính mình bằng rác thải, khí thải? Khi đó, hẳn nhiên mỗi người sẽ cân nhắc khi xả rác thải ra môi trường, sẽ không tùy tiện mua một chiếc điện thoại mới khi cái cũ vẫn còn chạy phà phà, nhỏ hơn là sẽ tìm cách giảm thiểu bao ni-lông trong đời sống hàng ngày…
Rất nhiều hành động sống xanh có thể được thực thi. Tất nhiên, để hành động đó diễn ra tự nhiên, tự nguyện, thì con người phải nhận thức đúng và đủ giá trị của nó.
Điều quan trọng, làm sao để nhiều người thay đổi suy nghĩ, thấy rõ ràng điện thoại đắt tiền hay các sản phẩm công nghệ hiện đại mình đang “cuồng nhiệt” chạy theo không phải là giá trị của bản thân mình. Tất nhiên, đó là khi họ thấy, sống hài hòa với mọi người, mọi loài, với Đất Mẹ mới là giá trị bất biến, đáng ngưỡng vọng. Và đó là lối sống thiện lành của người văn minh.