Điểm chánh yếu của người thuyết Pháp dạy đạo là phải “hợp tình hợp lý”

Nếu giảng dạy hợp lý mà không hợp tình, hay ngược lại, đều thuộc tà pháp. Do sự hợp tình, hợp lý này, chúng ta càng nhận rõ nền luân lý Phật giáo rất thích ứng với nhân loại hiện tại và vị lai.

 

Tuy Phật giáo đề ra những phương pháp tu tập, những cách đối xử với nhau cho thích hợp đạo lý, nhưng không phải coi như giáo điều cố định. Bởi vì khả năng trình độ con người khác nhau, không thể có nguyên tắc nào bắt buộc tất cả phải làm như nhau được. Nếu bắt buộc tất cả phải làm rập theo một khuôn khổ, ấy là việc làm không hợp tình.

Con người có kẻ vị kỷ, có người vị tha, bắt người vị tha làm theo khuôn khổ người vị kỷ thật là oan phí, bắt người vị kỷ làm theo người vị tha thì không kham. Người vị kỷ phải có phần luân lý thích hợp với họ, để được tự lợi mà không tổn hại kẻ khác. Người vị tha phải có phần luân lý thích hợp với họ, để khỏi trở ngại trong công việc lợi tha.

Phật dạy thuyết Pháp cho người phải có đủ năm đức

442490458_783032490597139_5472036142317673765_n

Do đó, Phật giáo có nhiều phần luân lý khác nhau, tùy theo trình độ. Người muốn giữ tròn nhân đạo, tu tập theo Phật giáo, có phần luân lý gọi là giáo lý nhân thừa.

Người có ý tiến lên, nhưng chưa tu giải thoát được, có phần luân lý gọi là giáo lý Thiên thừa.

Người muốn giải thoát mọi triền phược ở thế gian, có phần luân lý gọi là giáo lý Thanh văn thừa hay Duyên giác thừa.

Người muốn lăn xả vào đời làm lợi ích cho chúng sanh, không kể thời gian, không tiếc sanh mạng, có phần luân lý gọi là giáo lý Bồ-tát thừa.

Vì vậy chúng ta không thể căn cứ vào phần giáo lý dạy hạng người này đem phê bình hành động người khác, cũng không thể lấy phần giáo lý dạy hạng người khác đem chỉ trích người này.

Phật pháp mênh mông, tùy căn cơ mỗi người có sự tu tập hành động khác nhau, nhưng chung qui đều về một chủ đích “giải thoát mọi phiền não, giác ngộ chân lý”.

Luân lý Phật giáo lấy tự giác, tự ngộ làm trọng tâm, nên đối với bản thân được chú trọng rất nhiều. Bản thân mình tu tập thuần thục rồi, đối với gia đình, xã hội tự nhiên tốt đẹp. Chỉ cần huấn luyện con người ấy có nhiều đức tánh tốt, khi ra đối xử với mọi người, trong nhiều cảnh ngộ, đều là những hành động thể hiện tánh tốt. Tự thân người ấy chưa tốt, dù có đặt trăm ngàn điều bắt buộc làm tốt, đều không thể có hiệu quả.

Lời Phật dạy hợp tình (khế cơ) hợp lý (khế lý), lúc nào cũng đem sự an lạc lợi ích cho con người. Vì thế những lời nói ấy trước giữa sau đều thiện. Nhưng chúng ta phải biết lời nói ấy phát xuất ở trường hợp nào? Với những con người nào?

Nhận định rõ rồi chúng ta áp dụng vào sự tu tập của mình và chỉ dạy cho người. Nếu thiếu nhận xét ấy, gặp đâu dẫn đấy, thấy sao dạy vậy, thật là “y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”.

Chúng ta phải biết linh động tùy cơ cảm, tùy cảnh ngộ áp dụng giáo lý để tự lợi và lợi tha. Song đừng linh động thái quá sai mất chánh pháp, đó là “ly kinh nhất tự tận thành ma thuyết”. Cho nên, điểm chánh yếu của người thuyết pháp dạy đạo là phải “hợp tình hợp lý”. 

Nếu giảng dạy hợp lý mà không hợp tình, hay ngược lại, đều thuộc tà pháp. Do sự hợp tình, hợp lý này, chúng ta càng nhận rõ nền luân lý Phật giáo rất thích ứng với nhân loại hiện tại và vị lai.

Trích trong “Phật Giáo Với Dân Tộc (1998)” – “Vài Nét Chính Luận Lý Phật Giáo – Luân Lý Phật Giáo Không Phải Giáo Điều”. 

Tiêu đề do BBT đặt lại nhằm giúp Phật tử dễ hiểu. 

HT. Thích Thanh Từ