Đi chùa lễ Phật đầu năm thế nào cho đúng?
Đầu năm đi lễ chùa là văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đi lễ chùa như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.
Một số người có quan niệm rằng sắm lễ càng lớn thì sẽ nhận được càng nhiều phúc lộc, may mắn; thậm chí nhiều người vẫn còn thói quen để tiền lẻ trên các bàn thờ, tay Phật. Hoặc trong việc phóng sinh đầu năm, nhiều người cho rằng chỉ nên phóng sinh chim, cá mà không nên phóng sinh những con vật khác…
Trước những quan niệm trên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, việc đi lễ chùa sắm càng nhiều lễ vật, để tiền công đức càng nhiều thì sẽ có càng nhiều lộc, được đáp lại nhiều hơn là quan niệm sai – “Khi vào chùa lễ Phật, mọi người nên để tâm mình an nhiên, thảnh thơi, không nên mang quá nhiều mưu cầu về công danh và tài lộc. Riêng suy nghĩ đến chùa cúng nhiều đồ lễ để đức Phật phù hộ là sai, không đúng với giáo lý đạo Phật”.
Những lưu ý khi đi lễ chùa lễ Phật đầu năm
Phật dạy tất cả mọi thứ đều có luật nhân quả, gieo nhân tốt thì sẽ gặp quả lành, khi đi chùa thì miễn sao tận tâm cúng bái, lễ vật thì tùy theo khả năng của bản thân, miễn sao bản thân thấy thanh thảnh, trong sáng khi đến chùa lễ Phật.
Nói về tình trạng nhiều người đi lễ chùa để tiền lẻ lên tay tượng Phật, trên các bàn thờ, thầy Thích Bảo Nghiêm cho hay, các Phật tử và người dân đi lễ chùa thì số tiền công đức ít hay nhiều cũng không quá quan trọng, miễn sao giữ tâm trong sáng là được. Tuy nhiên, tiền công đức cũng nên đặt đúng vào hòm công đức, nơi để tiền công đức để chúng được bảo quản và sử dụng đúng mục đích. Việc đặt tiền, nhét tiền lẻ lên tay của tượng Phật sẽ khiến nơi thờ cúng mất đi sự tôn nghiêm, không thể hiện được sự thành kính, hoặc đơn giản là số tiền đó dễ bị thất lạc, không được sử dụng đúng mục đích.
Khi đi lễ chùa, nhiều người thành tâm thường cầu cúng, khấn vái rất trang trọng. Việc cầu khấn vốn là phong tục của người Việt và có nhiều các lễ bái. Tuy nhiên, khi vào chùa, lễ bái tốt nhất là lễ 3 ngôi Phật, Pháp và Tăng nên người đi lễ nên quỳ xuống, năm vóc gieo đất (trán, 2 khuỷu tay, 2 đầu gối sát xuống đất) và cầu khấn mong ước trong tâm trí, sau khi khấn xong thì lạy 3 lạy.
Phóng sinh vốn là một nghi thức được nhiều người dân thực hiện vào những ngày đầu năm mới để cầu cho lòng thanh thản và gia đình an bình. Nhưng việc phóng sinh như thế nào mới đúng thì không phải ai cũng biết.
Việc phóng sinh các loài thú vật theo như giáo lý của nhà Phật là không mưu cầu tài lộc, may mắn mà chỉ đơn giản là mở lòng thương yêu với muôn loài chúng sinh. Vậy nên, việc thả chim hay thả cá, thả lươn, ốc không hề quan trọng, quan trọng là ở lòng thành, sự thành tâm của người phóng sinh mà thôi.