Đi chùa là tìm lại chính mình
Phật giáo ở nước ta hiện nay có nhiều tông phái, hệ phái, chùa viện có mặt ở khắp nơi để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, tu học, gửi gắm tâm linh, tìm lành lánh dữ của mọi tầng lớp xã hội. Đi chùa coi như một việc rất phổ biến của người dân, đặc biệt là dịp lễ hội. Nhưng đi chùa để làm gì? Hiểu thế nào là tinh thần chính yếu của Phật giáo để an tâm từ bi giải thoát? Hay đi chùa để quỳ lạy cầu xin, thậm chí sa vào các tệ nạn mê tín dị đoan? Những vấn đề này đang và đã xảy ra ở khắp nơi như một chiều hướng tụt hậu của nhu cầu văn hóa tín ngưỡng.
Chúng ta biết, Phật chính là Đạo, là trí tuệ sáng suốt, là triết lý, là con đường dẫn chúng sinh ra khỏi mê lầm dục vọng để đi đến giải thoát. Đức Phật là người nắm được những nguyên lý đó, thực hành rốt ráo và chứng đắc, Ngài làm tấm gương cho chúng sinh noi theo. Chứ Đức Phật không phải là một vị thần linh có quyền năng ban phúc hay giáng tội cho ai cả. Phúc hay tội do chính bản thân mình gây ra và cũng chỉ có chính mình giải trừ nghiệp của mình mà thôi. Đạo Phật là con đường giúp ta ngộ ra bản chất của thiện ác, nguồn gốc của mọi đau khổ và hướng ta đi đến cái đức lành giải thoát. Mà đạo nào thì phải đức ấy, nếu cái tâm đức mà không có đạo làm bệ đỡ thì nó cũng lênh đênh trôi nổi, sa vào dị đoan mê tín, huyễn hoặc cho mình và người một cách hết sức tai hại. Vì lòng tham không đáy, ngã mạn vô chừng, dục vọng miên man truyền kiếp. Sự ngu tối, cố chấp là chỗ dựa lý tưởng cho những sai lầm và tội ác.
Chính vì vậy, đạo Phật chủ trương phá chấp, ta không phải là ta mà ta cũng chẳng là ai cả. Như câu chuyện một nhà sư đến hỏi Thiền sư Vân Môn “Phật là gì? Trả lời – Cục phân khô (Càn thỉ quyết)”. Triết lý trong câu nói bất hủ kia ta nên hiểu như thế nào? Bất cứ một vật gì nếu đem chia nhỏ ra nhiều lần đến “tế vi sắc tướng” (không thể chia được nữa) thì lúc ấy nó cũng không còn là nó nữa, nó không mang tính chất của cái gì nữa cả, chính vì thế mà nó lại có tính chất của bản thể vũ trụ. Mà bản thể của vũ trụ là hòa đồng, những cái hạt li ti bé nhỏ vô cùng ấy kết hợp với nhau bởi những lý do, những nguyên nhân khác nhau để trở thành muôn loài muôn vật. Vậy giữa “cục phân khô” và vạn vật có gì khác nhau đâu! Muôn vật muôn loài đều có chung một gốc, nên mọi người phải luôn có ý thức thương yêu, tha thứ, bao dung mênh mông tràn ngập vũ trụ, chứ không chỉ dừng lại ở đồng loại. Đó là một tư tưởng hết sức vĩ đại và rất khoa học tự nhiên, không máy móc hay siêu hình gì cả… Cái tâm bình đẳng của nhà Phật nằm ở chỗ đó. Đó là chủ nghĩa nhân loại trung tâm còn cao cả hơn cả chủ nghĩa nhân văn mà hiện nay một số người đang rầm rộ chủ thuyết. Chính con người vì quá phân biệt mới nảy ra vô số chướng ngại mà chướng ngại là đi đến u tối, sai lầm và tội lỗi mà thôi.
Cuộc sống là một quy luật của vô thường, không có cái gì tồn tại vĩnh viễn. Có sinh tức có dị, có dị ắt có diệt. Mà để hiểu được nó thì ta phải chú ý đến nội tâm, tức là phải nội quan chính bản thân mình trên bệ đỡ của trí tuệ. Vì tâm nhờ có tuệ thì tâm mới trong sạch. Nếu tâm mà không tuệ thì dễ dàng trôi nổi vào bến bờ dị đoan mê tín, hại mình hại người. Đi chùa là tìm cái thanh tịnh chứ không phải đi tìm những ngôi chùa to lớn sang trọng để cúng dường cầu phúc cầu lợi hay để được vinh danh trong giấy khen, sổ vàng gì cả. Vì theo Phật giáo, một khi vật chất càng bề thế to lớn thì càng làm cho tâm hồn con người teo lại. Mà tâm hồn bị teo lại thì con người dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân. Lòng tin bị khủng hoảng, chướng ngại chất chồng. Lúc ấy tín đồ lẫn Giáo hội chính là những kẻ đào mồ chôn tôn giáo của mình. Người ta gọi là thời kỳ mạt pháp vậy! Vì con người phải chịu nhiều đau khổ nên mới tìm đến đạo để giải thoát những đau khổ ấy, chứ không phải tìm đến đạo để bị thêm những ràng buộc, bị lệ thuộc vào những quy định này kia, vì như thế sẽ làm cho trí tuệ bị bào mòn và đóng cứng. Đạo Phật luôn hướng con người đến với tự do trí tuệ (không phải tự do vô tổ chức), phải biết mềm dẻo và nhẫn chịu để xua đuổi diệt trừ dục vọng thấp hèn, tham sân si…
Đức Phật nói, Ta là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành. Có nghĩa là vạn vật đều hội đủ thanh tịnh, từ bi. Mà muốn khai triển nó để cứu mình cứu người thì phải xuất phát từ trí tuệ sáng suốt, xuất phát từ gốc tâm của chính mỗi con người. Cái đó là tự mình, do mình chứ không ai mang đến để cho mình cả. Nên vào chùa cầu xin là làm chuyện không có nền tảng. Và phải luôn hiểu rằng cứu cánh của Phật giáo là giải thoát khỏi những phiền não để con người thêm tinh tấn mà sống cho đẹp và có ích cho mình cho người, chứ Phật không dạy ta trở thành những con cừu chỉ biết phục tùng một cách thụ động đến mức ngu muội trong tăm tối.
Ngày nay không ít chư Tăng lại tự sa vào dị đoan thần quyền, kêu gọi vong linh, trục hồn, bày vẽ ra đủ trò cúng bái… điều đó thật tai hại. Người đi chùa thì bẻ nhánh bẻ cành cầu phúc cầu lộc một cách hết sức vô duyên, xả rác vô tội vạ trong khuôn viên chùa… Niềm tin, giá trị bị đảo lộn gần như thoái hóa. Có thể ví một câu, làm thầy không giỏi thì dắt trò vào ngõ cụt, làm Tăng mà không thông tuệ mọi yếu lý, yếu nghĩa của Phật thì dẫn chúng sinh vào đường mê, cõi ác!