Đến với Phật pháp sau ba giấc mơ
Câu chuyện đến với Phật pháp của Phật tử Trần Thị Thúy Hạnh (pháp danh Diệu Thảo)
Nhà tôi có hai chị em, tôi và người em trai nhỏ hơn tôi 7 tuổi. Nhà nghèo khó, cuối tuần, mẹ tôi đạp xe từ Thái Bình sang Nam Định để mua bánh kẹo về bán kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Mỗi lần mẹ đi vắng, tôi thay mẹ chăm em, không bao giờ la mắng hay giành ăn chí chóe với em, cho đến tận bây giờ khi em tôi đã bước sang tuổi 40. Mẹ và tôi chăm em đến mức người ta gọi em là “công tử bột” vì nó trắng bóc, cũng may em tôi ngoan hiền, vâng lời bố mẹ và học rất giỏi.
Em dẫn dắt tôi đến với đạo Phật một cách tự nhiên, khéo léo, không áp đặt, không ca ngợi và gieo mầm cho tôi từ trang sách đầu tiên. Khác hẳn với nhiều người hay ca tụng đạo Phật, đọc cái này đi hay lắm, nghe cái kia đi, có lợi lắm, linh lắm… và nhồi nhét những tinh hoa, tinh túy của đạo Phật vào một người chưa biết gì, làm cho người tiếp nhận bội thực về kiến thức Phật pháp, nhiều khi dẫn đến phản tác dụng.
Hành trình bắt đầu từ 8 năm trước khi tôi đang thắc mắc không biết em mình có vấn đề gì về tâm lý hay không mà bỗng dưng chuyển sang ăn chay trong khi trước đó không thích ăn chay và phản đối việc ăn chay. Tôi phải nhờ một người bạn là cô giáo dạy đàn piano cho con gái tôi, một phật tử ăn chay trường, đến nhà chơi để thăm dò. Cô giáo bảo em chị không bị gì, rất bình thường, không thất tình, không chán đời và anh đang theo con đường Phật pháp.
Ngày cô giáo đến nhà chơi là ngày thay đổi cuộc đời của tôi, kết thúc bao năm ăn thịt biết bao nhiêu con vật từ khi sinh ra đến nay, bước sang ăn chay trường ngay ngày hôm sau. Câu chuyện định mệnh ấy được diễn tả lại trong bài chia sẻ vì sao tôi ăn chay.
Ba giấc mơ dẫn đường tôi đến với Phật pháp
Một đêm, tôi có một giấc mơ hãi hùng về rắn. Tôi đang ngồi trong nhà nhưng không phải căn nhà tôi đang ở mà một căn nhà có tường sơn trắng, trong nhà không có đồ đạc gì. Đột nhiên, tôi nghe tiếng kêu thất thanh, hoảng sợ của con gái tôi chạy như bay từ phòng ngủ ra, vừa chạy vừa la lên: “Rắn …! Rắn …! Rắn….!”
Tôi bật phắt người đứng dậy hỏi: “Rắn đâu? Rắn đâu?”
Ngay lập tức, con rắn nục đuôi đỏ rơi xuống đất từ người con gái tôi trong cái mền màu đỏ còn đang vướng trên người của nó. Theo phản xạ và theo những gì tôi học được từ sách báo, không được giết rắn, rắn sẽ trả thù.
Muốn bắt rắn thì nắm ngay cái đầu mà tôi sợ nhất lại là rắn. Trong giấc mơ mà vẫn còn nghĩ như thế nên bằng phản xạ có điều kiện, tôi giơ bàn chân định giẫm lên đầu rắn để giữ nó lại nhưng không đủ can đảm vì lỡ giẫm chân lên đầu rắn mà trượt thì nó quay lại cắn chết mình, cảm giác giẫm lên mình con rắn mềm mềm ngoe ngẩy thật rùng rợn. Trong cơn hoảng loạn, tôi chợt tỉnh giấc.
Tôi đem giấc mơ thứ nhất này kể cho em tôi chủ ý để xem nó giải thích sao vì đối với tôi, nó là bác học, thần đọc sách, kiến thức sâu rộng nên mong nó có đôi lời cho mình xem như thế nào.
Nó giải thích: “Con rắn nục đuôi đỏ là một loại rắn rất độc, thêm cái đuôi đỏ, màu đỏ là màu nóng. Cái mền rơi xuống đất cũng là màu đỏ, điều đó thể hiện chị đang rất nóng tính như một con rắn, ai đụng tới chị là chị xực người ta liền”.
Tôi thấy đúng thật. Thời gian đó, tôi áp lực công việc kinh doanh tại nhà vì đang tính đóng cửa. Vợ chồng xảy ra bất hòa nên có chuyện gì không vừa ý, tôi la làng nổi đóa lên như một bà chằng chính hiệu.
Lúc đó, em tôi nói với tôi rằng: “Chị bớt tính nóng giận đi, đừng nóng và giữ dằn như rắn nữa”.
Tôi nghe mà thấy hợp tình, hợp lý và nghĩ chắc mình phải thay đổi thật rồi bởi tôi vốn là người có lòng từ, làm chuyện thiện lành và thích giúp đỡ người khác.
Kết thúc giấc mơ thứ nhất, tôi bước vào giấc mơ thứ hai cũng gặp rắn.
Thời gian đó, thành phố Hồ Chí Minh rộ lên những chuyện rắn nục đuôi đỏ bò vào thành phố làm cho ai cũng phải lo lắng, tôi vốn cực kỳ sợ rắn nên đêm đó lại gặp rắn nục đuôi đỏ bò vào nhà qua cửa sổ. Sợ quá, tôi tỉnh giấc mơ nhưng không kể cho thằng em vì nghĩ giấc mơ đang thúc giục tôi phải thay đổi tính tình của mình.
Và giấc mơ thứ ba xảy ra với tôi không phải là rắn mà con gái tôi bị chết đuối. Tôi thấy con gái tôi nằm trên bờ biển, nửa thân trên dưới nước, nửa thân dưới trên cạn, cái tay vẫy vẫy kêu cứu. Tôi không hoảng hốt khi nhìn thấy con như thế mà nghĩ ngay đó là giấc mơ thôi nên tỉnh giấc để thoát giấc mơ. Tôi đem giấc mơ thứ ba này lại kể cho em trai tôi.
Nó bảo: “Chị ráng tu đi cho bớt nghiệp để cứu con chị. Đời chị có ba lần cứu con mà con chị thoát chết hai lần rồi, chị chỉ còn một lần cứu con thôi đó, ráng mà tu đi”.
Tôi chợt thức tỉnh. Tu là sửa, trước hết thay đổi tính tình của mình, bớt nóng giận, lo tu tập và đọc sách về Phật Pháp. Khởi ý niệm đó, đến đêm tôi lại nằm mơ tiếp. Trong giấc mơ, tôi bị người ta đuổi, chạy thục mạng bán sống bán chết trên núi và cuối cùng cũng chạy đến vách núi, chạy tiếp là chỉ có rơi xuống vực sâu thì tan tành. Nhưng trong mơ tôi vẫn ý thức đó là mơ, chẳng có gì sợ, tỉnh giấc mơ là hết.
Tôi lại đem câu chuyện này kể cho em trai tôi. Nó nói: “Đó là thử thách của chị xem chị có sợ tu tập không? Có sợ chướng ngại gì không? Thôi, ráng mà tu đi”.
Tôi nghĩ nó nói đúng, tu thôi mà, có gì phải sợ, có gì phải ngại. Vậy tu là gì?
Tôi bắt đầu chạm tay đến cuốn sách Khai Thị của Hòa thượng Tuyên Hóa mà em tôi đưa cho tôi và O tôi bữa giờ. Lúc đưa nó có nói: “Rảnh thì chị với O đọc, cầm đến cuốn sách cũng được, chưa cần đọc đâu. Cầm đến sách rồi, đọc một chữ cũng được, không cần đọc nhiều vì sách này không dễ gì được duyên mà đọc đâu. Cầm đi, đảm bảo ma (chướng ngại) nó cản cho mà xem”.
Đọc trang thứ nhất không có gì hay ho vì chỉ là tóm tắt cuộc đời của hoà thượng Tuyên Hóa nhưng đọc sang đến trang thứ hai thứ ba thì cơn buồn ngủ bắt đầu xuất hiện. Cứ thế, càng đọc càng buồn ngủ, những ngày sau đó, tôi thấy những gì em tôi nói đúng. Chướng ngại luôn xuất hiện trong con đường khởi sự tu tập.
Tôi hỏi em tôi: “Cuốn sách này nói về cái gì vậy, khai thị là gì?”
“Chị cứ đọc đi, chưa cần hiểu. Chị đọc đi sẽ thấy vì sao không được ăn thịt, giết mổ con vật và phải ăn chay. Trong sách sẽ nói ăn thịt là ăn chúng sinh, ăn mạng sống của con vật, con người, mà có khi chính chúng là những người thân của chúng ta từ tiền kiếp mà thần thông của ngài Tuyên Hóa nhìn thấy hết được điều đó”, em trai tôi nói.
Nghe nó nói thế, tôi tò mò lắm. Đọc mà buồn ngủ thì nghe youtube, đố mà làm cho tôi buồn ngủ bởi tôi đã quyết tâm thì không có ma nào gây chướng ngại cho tôi được. Tôi nghe vào lúc nấu ăn, ăn cơm, lau nhà, rửa chén. Tôi ngấu nghiến hết sáu tập Khai Thị, chỗ nào không hiểu thì hỏi em tôi. Mọi thứ được khai mở từ đây và việc ăn chay trường cũng từ đó cho đến tận bây giờ vì tôi đã hiểu rõ được bản chất vì sao phải ăn chay. Tôi cũng hiểu và hành được sự linh ứng của việc niệm Phật Quán Thế Âm Bồ Tát.
Và nó nói thêm: “Chị mới tu, không cần học nhiều, đọc sách Khai Thị đủ rồi, sau đó nghe thêm 50 hiện tượng ngũ ấm ma, một phần nhỏ trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm nữa. Kinh thủ Lăng Nghiêm, khi nào đủ duyên thì đọc sau”.
Việc đến với Phật Pháp cũng thuận duyên từ đây. Em như người thầy khi tôi chập chững bước vào tu tập, tính tình tôi cũng thay đổi tích cực từ đây, lòng từ được tăng trưởng dần lên.
Nhờ học Phật pháp, nhờ sự dìu dắt của em trai, tôi lớn lên từng ngày trong con đường tu tập. Tôi nhẹ nhàng hơn, bớt nóng tính hơn, nhìn mọi việc luôn theo chiều hướng tích cực, nhịn nhiều hơn, sống luôn hài lòng về cuộc sống hiện tại, không than thân trách phận sao khổ thế này, sao thiếu may mắn thế kia bởi học Phật pháp tôi hiểu được luật nhân quả luôn đúng.
Em tôi đã dẫn dắt tôi đến với Phật Pháp nhẹ nhàng nên tôi không bị áp lực hay bội thực những kiến thức trong Phật Pháp bao la và hiểu mình phải hành như thế nào, ứng dụng như thế nào. Tôi tự mày mò nghe Pháp mỗi ngày, duy trì trong nhiều năm qua và không quên lan tỏa những điều hay học được cho nhiều người để mong mọi người cũng thấy đến với Chánh pháp là điều tuyệt vời nhất.
Đôi điều không thể nói hết, mỗi người đến với Phật pháp là những duyên lành khác nhau nhưng đều có chung một niềm vui đi trên con đường tu tập của Chánh pháp.