Đến chùa ngày Tết để tìm niềm vui cao thượng
Chúng ta hãy nghĩ một con người mà nếu ngày Tết vui không biết làm gì, cứ rủ bạn bè tới nhậu với đánh bài, và một người khác ngày Tết vui đi chùa, lễ Phật thì trong năm đó, hai hạng người đó, người nào sẽ sống tử tế, uy tín hơn với cộng đồng?
Người Việt Nam ta có một từ rất lạ là “ăn Tết”. Thường thường, “ăn” có nghĩa là “nhai và nuốt”, ta “ăn Tết” không lẽ là ta “nhai và nuốt Tết”? Sự thật không phải vậy, chữ “ăn” của người Việt Nam có nghĩa là “hưởng vui ngày Tết”, chứ không phải là nhai nuốt Tết, bỏ vô bụng.
Gọi là “hưởng vui” vì ngày Tết là ngày vui. Mà Tết do đâu mà vui? Có phải hễ tới ngày Tết là vui không? Không phải! Do tâm của con người tạo nên niềm vui của ngày Tết. Do chúng ta bắt buộc Tết phải vui, thế là từ đó Tết vui luôn! Mà ta bắt ai làm cho Tết vui? Ta bắt chính chúng ta! Ta bắt chính mỗi người chúng ta phải làm sao cho Tết vui, Tết không được buồn, Tết không được gây gổ, Tết không được làm mất tiền, chỉ lấy được tiền thì lấy chứ đừng làm mất v.v… Nghĩa là ta cứ tạo ra nhiều niềm vui và bắt mình vui với người, bắt người vui với mình, cho nên thành ra Tết là vui, và ta ăn Tết tức là ta hưởng niềm vui Tết như thế.
Hưởng niềm vui Tết có nhiều cách để hưởng. Khi ta không biết đạo, thì ta hay hưởng vui Tết bằng nhiều trò giải trí đôi khi không lành mạnh. Người càng có tiền càng nghĩ ra nhiều trò bậy bạ để hưởng Tết, để ăn Tết. Mà cứ hưởng qua một cái Tết như vậy, thì ta lại tạo bao nhiêu tội lỗi vì những trò giải trí bẩn thỉu của mình. Nhưng điều may mắn nhất của ta là khi Tết vui như vậy thì ta nghĩ tới chùa. Ta nghĩ cái vui của ta phải gắn với đạo lý, nên ta dành thời gian để đi chùa. Mà có điều rất hay là trong những ngày Tết qua ở khắp nơi, các Phật tử cứ đổ xô đi chùa rất nhiều, thậm chí cả những người không phải đạo Phật cũng đi chùa thắp hương, lễ Phật.
Văn hoá lễ Phật đầu năm của người Việt
Đi chùa thắp hương, lễ Phật như vậy có nhiều ý nghĩa. Như khi đến chùa Phật Quang, ta ăn Tết bằng giáo lý, ta được nghe một bài pháp, ta nhận được một cái thiệp chúc Tết trong đó có một bài thơ vừa có ý đạo, lại vừa báo điềm trong năm của mình, mình chiêm nghiệm xem bài thơ đó có đúng với cuộc đời năm mới hay không. Nên chùa Phật Quang ta ăn Tết thì lấy giáo lý làm niềm vui chính.
Có nhiều chùa thì lại không có thời gian như vậy. Ta chỉ tới lễ Phật, cúng dường, thắp hương, đôi khi xin xăm, đôi khi tiếp chuyện với quý Thầy Cô một chút rồi đi về, chứ không như chùa Phật Quang ta thì tổ chức thành một bài giảng giáo lý hẳn. Tuy nhiên, dù là không có bài giảng giáo lý, nhưng khi ta đến chùa, khói hương trầm quyện bay, Đức Phật từ bi bao la nhìn xuống, hình dáng chư Tăng Ni nghiêm trang, ta cũng thấy một cái gì đó thiêng liêng. Và từ nơi cái thiêng liêng đó, ta hy vọng rằng ta nhận được nhiều ân phúc từ nơi Đức Phật, từ nơi chùa, để ta mang theo trong suốt một năm sắp tới. Rồi có thể là trong năm ta có chuyện không may, nhưng nhờ sự gia hộ của Phật, điều không may đó được vượt qua dễ dàng hơn. Còn nếu bình thường thì việc làm ăn, việc học hành, công danh của ta được nhiều thuận lợi do sự gia hộ của ơn Trên.
Việc đến chùa để hy vọng sự gia hộ của ơn Trên là một điều có thật. Vì có nhiều người đã để ý thấy rằng, ví dụ mọi năm mình thường đi chùa, nhưng có năm đó bạn bè rủ mình đi du lịch chơi, mình đành lỡ hẹn với chùa, thì đúng là nguyên năm đó làm ăn vất vả, không suôn sẻ. Do vài năm chiêm nghiệm như vậy, mọi người mới giật mình nghĩ, đúng là đầu năm mà không đi chùa thì năm đó sẽ bị lận đận. Nghĩa là, thực sự có một sự nối kết tâm linh của ta với sự thiêng liêng của Đức Phật. Nên từ đó người ta mới bỏ hết những lần đi chơi bậy bạ, mà cứ cố gắng làm sao hễ đến ngày Tết là phải về được chùa, để thắp nhang, lễ Phật, thì năm đó thấy bình an hơn.
Và thấy cũng chưa chắc chắn, nhiều người còn đến chùa xin cúng sao nữa. Vì họ cho rằng mỗi năm mình có một loại sao chiếu mạng, mà nhằm cái năm lỡ sao đó là sao xấu, thì mình phải nhờ cúng giải sao xấu đi. Tức là cái số thì cho ta cái sao xấu, nhưng mà nhờ quý Thầy, nhờ thần lực của Phật, có một cái lực khác che sao xấu, thế là nó không chiếu tới, thì đời mình đỡ khổ. Còn nếu sao sáng nó chiếu, như sao Thái Dương chiếu vô thì đời mình sáng thêm. Đó là niềm tin do Thầy bói vẽ vời ra thêm.
Tuy nhiên, có một sự thật là trong những ngày mà ta nghĩ là vui nhất, thiêng liêng nhất, ta không bỏ phí ngày đó đi vào thế gian tầm thường, mà ta dành những ngày đó cho Phật, thì cuộc đời ta được nhiều may mắn, đó là điều hiển nhiên. Và khi ta ăn Tết bằng đạo lý, bằng niềm vui cao thượng như vậy, tự nhiên cái hưởng Tết của ta bước lên một cấp độ khác, và ta cũng là một con người bước lên một cấp độ khác, không còn tầm thường nữa.
Chúng ta hãy nghĩ một con người mà nếu ngày Tết vui không biết làm gì, cứ rủ bạn bè tới nhậu với đánh bài, và một người khác ngày Tết vui đi chùa, lễ Phật thì trong năm đó, hai hạng người đó, người nào sẽ sống tử tế, uy tín hơn với cộng đồng? Rõ ràng là người đi chùa, phải không ạ? Nghĩa là ngày Tết, họ dành cuộc đời họ cho chùa thì bảo đảm rằng họ biết kiểm soát con người họ, kiểm soát hành động, lời nói của họ, chắc chắn trong năm họ là một người đàng hoàng, mẫu mực.
Và cứ một năm trôi qua, họ lại tăng uy tín với cộng đồng của mình, với người thân, với gia đình, với bạn bè, với đồng nghiệp. Còn những người mà đầu năm cứ dành thời gian để uống rượu, đánh bài, thì bảo đảm là năm đó thế nào cũng sơ suất, làm bậy, uy tín mình lại giảm xuống.
Nên rất tán thán quý Phật tử những ngày Tết thế này mà đến chùa để tìm niềm vui cao thượng…”