Đến Cao Bằng khe suối cũng thơm

Hóa ra không phải chỉ ở Hà Giang mới có gỗ Ngọc am. Chính nơi Kiên “chim” cắm trại để trồng đào, trồng thông đỏ ở Phia Đén – Nguyên Bình, Cao Bằng cũng có lũa Ngọc am sót lại. Đây là vùng núi cao nhất của biên giới Cao Bằng với ngọn núi Phia Oắc và ngọn Phia Đén sừng sững uy nghi.

 

Phia Đén là ngọn núi thấp hơn trong hai quả núi ấy. Tiếng Tày: “Phia” là núi – ngọn núi, còn “Đén” là đèn – ngọn đèn. Người dân xã Thành Công dưới chân Phia Đén bảo rằng nhiều đêm khi trời quang mây tạnh, nhìn lên đỉnh núi này có một vật phát sáng như một vì sao, như một ngọn đèn lấp loáng. Ngọn núi “Chúa” Phia Oắc – đỉnh cao nhất của cánh cung Ngân Sơn-Yên Lạc trong vòng cung Đông Bắc – có độ cao 1931 mét so với mặt biển được coi là cái đầu rồng của con sơn long dài hơn trăm ki lô mét kéo từ Nậm Quét (Cao Bằng), qua phía đông của Bắc Kạn, xuống tới tận Lang Hít (Thái Nguyên).. Với rừng rậm núi cao, khí hậu ẩm ướt, rừng ở Phia Oắc cây cối đan dày lớp lớp như tựa vào nhau để chống lại tuyết lạnh và gió gào. Cây gỗ ở đây hầu hết có thân to, lùn và cổ quái rêu phong. Hình như chẳng loài cây nào dại dột vống cao lên để hứng gió bão và lạnh giá. Khi đứng trên đỉnh Phia Oắc giữa một ngày trời nắng đẹp, mây trời xanh ngăn ngắt  mà nhiệt độ vẫn xuống 5 độ C, tôi đã cảm tác:

… Cây như tóc như tơ như xương cốt

Gió ngàn năm đẽo gọt đủ hình hài

Bởi giá lạnh cây ken dày lớp lớp

Hay gió gào mưa thét chúng kề vai?…

Tượng La Hán bằng gỗ Ngọc am. Ảnh: Bùi Quang Thanh

Tượng La Hán bằng gỗ Ngọc am. Ảnh: Bùi Quang Thanh

Thống kê của ngành lâm nghiệp cho biết, rừng ở đây có đến 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam; Gần 500 loài động vật có xương sống, hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng… Có lẽ chính môi trường lạnh và ẩm này mà ngày xưa Phia Oắc là xứ sở của loài gỗ Ngọc am. Không chỉ bằng những ký ức của người dân ở đây kể lại; không chỉ minh chứng bằng những đống củi thơm lừng được dân bản địa đào trong đất, vét dưới đáy suối lòng sông đem về để nuôi lửa và đốt cho thơm nhà, ấm mũi, xua đuổi côn trùng ruồi muỗi, tà trùng. Sự khẳng định về một thời nguyên sơ đây là xứ sở của Ngọc am còn bằng tên gọi của chính ngọn núi này. Theo một số người già có hiểu biết văn hóa, thổ ngữ của người bản địa, cây Ngọc am tiếng Tày là cây “mạy vác”, “mạy” là cây, “vác” cũng có nghĩa là “Oắc”; vì thế núi mới có tên là Phia Oắc, là núi Mạỷ Vác – (Ngọc am). Chỉ chừng ấy ràng buộc đã là một lời khẳng định mối tơ duyên giữa tên núi, tên cây rồi. Tuy nhiên không hiểu sao khi chúng tôi hỏi người dân đây là gỗ gì thì hầu hết đồng bào người Dao Tiền lại không biết tên loài “củi lũa” này. Khi tôi hỏi một anh kiểm lâm ở Trạm Phia Đén rằng những mẫu gỗ thơm lừng mà anh đang hì hục đẽo gọt thành những con vật này là gỗ gì, họ đều tảng lờ “không biết tên” hoặc có anh còn nói chệch cho tôi hiểu đó là gỗ gù hương. Tôi đã có kinh nghiệm từ Hà Giang và qua Kiên “chim” về Ngọc am rồi nên nghĩ chắc mấy chàng kiểm lâm này không muốn tiết lộ “trầm tích” Ngọc am đang chất chứa trong ruột núi ở đây. Họ tránh phiền hà khi dân tình kéo nhau đi lùng sục bởi rừng này đâu chỉ có lũa gỗ, còn có bao nhiêu trầm tích khác như thiếc, manggan, vàng, bạc, muông thú và lâm đặc sản khác… Mà khi dân đã săn lùng thì thật khó lòng quản lý.

Núi rừng Phia Đén. Ảnh: Bùi Quang Thanh

Núi rừng Phia Đén. Ảnh: Bùi Quang Thanh

Cũng thật lạ, chỉ cách nhau hơn trăm cây số đường rừng nhưng bên Hà Giang, Ngọc am là báu vật, là gỗ lũa, là sụn, là măng, có thể làm đồ mỹ nghệ, tạc tượng Phật hay linh vật, thú cưng… Người ta còn chưng cất tinh dầu ngọc am từ thứ gỗ vụn sau chế tác, những dăm gỗ ấy được chưng cất thủ công và cho ra đời thứ tinh dầu trong vắt như cồn, sóng sánh như sáp và thơm ngất ngây ngất ngư nữa. Tinh dầu ngọc am để làm gì cũng ít người biết song giá bán rất đắt đỏ. Thế nhưng ở rừng Nguyên Bình, Cao Bằng thì người dân không biết đến giá trị của loài trầm tích này. Họ hồn nhiên khai thác về và… làm củi đốt cho ấm, cho thơm?

Trong quá trình tìm hiểu về loài gỗ ngọc am, tôi được nghe các “nhà ngọc am học” của Hà Giang kể rằng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh vẫn còn vài cây Ngọc am tồn tại. Họ tỏ ra sành sỏi khi tả Ngọc am là một loại cây thân gỗ có hương thơm ngát, lá thuộc họ kim nhưng khi cầm lại không gây đau tay. Tôi chợt nhớ vùng núi đá cao nguyên Đồng Văn có rất nhiều cây sa mộc. Thân gỗ cao vút nhưng lá đầy gai nhọn và chính tôi đã bị gai lá này đâm một nhát vào tay khi cố tình trườn ra một mỏm đá để chụp ảnh toàn cảnh thị trấn cổ Đồng Văn. Vết đâm tròn xoe, giọt máu trồi ra cũng tròn xoe như hạt cườm đỏ. Chứng tỏ gai lá tròn và sắc lẹm. Người ta cố tình tả lá Ngọc am mềm, không gây đau tay chắc là để phân biệt cây gỗ sa mộc và cây Ngọc am chăng? Có anh chàng còn lên mạng quả quyết ở bản nọ xã kia còn có cây cao mấy chục mét, đường kính hai ba người ôm, được ông nội một cán bộ xã trồng ngót trăm năm. Hy vọng đó sẽ là cây Ngọc am giống làm cơ sở cho việc nhân trỉa sau này, chúng tôi đã nhờ Phòng Lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng tìm hộ để nhân giống. Nhưng sau một thời gian, được trả lời đó là một loài sa mộc, cũng họ nhà thông chứ không phải Ngọc am. Hỏi thăm mãi, thậm chí có lần tôi đã cùng một anh bạn lặn lội năm ngày trên chiếc xe máy, trong vai nhiếp ảnh gia đi du lịch khắp các miền Hà Giang từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc rồi vòng qua Bắc Mê về thành phố Hà Giang; lại trèo lặn hết các bản xã ở Hoàng Su Phì, trèo lên lưng chừng Tây Côn Lĩnh, lên cả đỉnh Chiêu Lầu Thi chót vót để hỏi qua dân mong nhìn thấy cây Ngọc am còn sống mà chiêm ngưỡng. Tuy nhiên ở đâu cũng bặt vô âm tín.

Đường lên Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Bùi Quang Thanh

Đường lên Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Bùi Quang Thanh

Lại tìm trên mạng intenet thì có thông tin: người Trung Quốc gọi Ngọc am là san mộc và bên nước họ còn cả cánh rừng cổ thụ. Họ đóng chặt cửa rừng cấm khai thác nhưng lại mò sang tận các nước lân bang thu thập bòn mót về nội quốc để sử dụng. Tiếc tê tái khi ở đất nước chúng ta không biết quý khoáng sản, tài nguyên; không biết để dành cho con cháu mai sau những của cải quý giá hơn cả bạc vàng. Quan lại và các nhà buôn, nhà thầu lợi dùng tình trạng khó khăn về kinh tế của đất nước một thời bao cấp, một thời bị kẻ thù phong tỏa đã bán tống bán táng bất kể thứ gì có thể để bây giờ rừng trơ núi trọc, đồi núi tan hoang; các mỏ khoáng vật quý lần lượt xuống tàu vượt biển hay theo các đại lộ qua cửa khẩu hoặc chui lủi theo đường tiểu ngạch về làm giàu cho người Tàu, người Úc, người Sin… Để lại khoảng trống trơ đau lòng và buồn tủi với những cồn cát trắng phơ (bạch sa), những ngọn núi xói mòn sụt lở.

Bài 1. Lên Hà Giang say hương của núi

Kỳ tới: Chẳng nhẽ chỉ còn trong huyền thoại?

Bút ký của Nhà thơ Bùi Quang Thanh