Để là mẹ chồng tốt
Người Việt có câu: “Gieo gì, gặt nấy”. Mình cư xử sao thì người khác đáp lại vậy. Cuộc đời không khác tấm gương. Là mẹ chồng thì phải cố gắng hài hòa với con dâu, tất nhiên con dâu cũng phải cố gắng làm vậy với mẹ chồng. Nhưng vấn đề là phải khôn ngoan chọn các động thái.
Đây là vài “mẹo” nhỏ:
1. Hãy nhìn nhận con dâu là một con người, cũng “nhân vô thập toàn” như bao người khác thôi. Một số bà mẹ chồng không nhận ra điều thực tế đó. Con dâu cũng có những mối quan tâm riêng, cách thức riêng và công việc riêng. Con dâu không kinh nghiệm sống bằng mẹ chồng, nhưng con dâu có thể biết những thứ mà mẹ chồng không biết. Con dâu muốn được đối xử tốt chứ không muốn bị gán những “biệt danh” nào đó. Mẹ chồng muốn được đối xử tốt, được tôn trọng, được quý mến thì hãy thể hiện trước, mẹ chồng là “người lớn” mà!
2. Hãy chấp nhận rằng mình không là mẹ ruột. Đó là thực tế minh nhiên. Con dâu có quan hệ đặc biệt với mẹ ruột, xa mẹ nên tâm lý con dâu ít nhiều bị xáo trộn khi ở môi trường mới và hoàn cảnh mới. Mẹ chồng hãy coi con dâu như con gái để có thể tôn trọng và yêu thương nhau, để duy trì mối quan hệ tốt đẹp và vui vẻ. Không là ruột thịt nên dễ cố chấp nhau, dễ tìm những điểm xấu để chỉ trích. Hãy giữ thái độ thản nhiên, tỏ ra thông cảm, tránh những lời nói xúc phạm hoặc kiểu nói tiêu cực, vì “lời đau nhớ lâu” lắm.
3. Hãy tìm những động lực tốt và đừng cố gắng thay đổi con dâu theo ý mình, vì đó là điều bất khả thi. Tại sao muốn chỉ trích con dâu? Cách cư xử của con dâu có gì sai? Cách ăn mặc và phong cách của con dâu có gì gây “dị ứng”? Hãy suy nghĩ và cân nhắc để xác định nguyên nhân. Hãy thoải mái và đặt mình vào vị trí của con dâu, nếu thực sự cần chấn chỉnh thì hãy nhẹ nhàng chỉ bảo, đừng gay gắt. Bạn thương con trai thì con dâu cũng thương con (cháu nội của bạn), và cũng đừng khinh suất: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
4. Hãy giữ miệng. Thường thì khi chuyện trò với người khác, mẹ chồng hay nói xấu con dâu – và ngược lại. Bản tính con người có khuynh hướng phê phán người khác, và ai cũng có thể là “nạn nhân”. Mẹ chồng không muốn con dâu nói xấu mình, con dâu cũng không muốn bị mẹ chồng nói xấu. Hãy tâm niệm: “Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác” (kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Con dâu sẽ nhìn vào mẹ chồng để đối xử.
5. Hãy nhớ rằng con trai đã trưởng thành. Một số mẹ chồng nghĩ con trai là con mình, còn vợ của con trai là “người mẹ mới”. Như vậy, con trai trở thành nạn nhân của 2 phụ nữ này. Người mẹ không muốn con trai cưới cô gái đó thì tình trạng xung khắc càng trầm trọng hơn. Con trai đã trưởng thành và chọn cô gái đó vì những điểm tương hợp riêng, bạn là mẹ chồng và là phụ nữ nên không thể hiểu thấu quan điểm chọn vợ của con trai – một đàn ông. Đừng khắt khe, vì làm khổ con dâu tức là làm khổ con trai mình. Hãy tạo điều kiện cho chúng hạnh phúc.
6. Đừng chê trí thông minh của con dâu. Mẹ chồng thường nghĩ con dâu “ngớ ngẩn”, không sáng việc, không tích cực, chỉ đâu đánh đấy như thiên lôi vậy. Thật ra, con dâu đủ thông minh nên mới lấy con trai bạn đó thôi. Bạn không chấp nhận con dâu là thành viên gia đình, nhưng con trai bạn đã chấp nhận và cưới làm vợ, không gì có thể tách rời chúng. Bạn hẹp hòi là tự đày đọa mình!
Là mẹ chồng biết thông cảm thì con trai càng kính phục mẹ, rồi con dâu sẽ nhận ra và kính phục mẹ chồng. Trong cuộc sống, mọi mối quan hệ đều cần sự cảm thông!
Lời từ cuộc sống:
Có ý kiến rằng:
“Những mối quan hệ hay cụ thể hơn là những người bạn sẽ mang đến cho bạn những giây phút vui vẻ. Hơn nữa, họ sẽ có mặt ở bên bạn khi bạn cảm thấy trong lòng buồn phiền và giúp bạn vực lại tinh thần. Đây là một trong những thói quen có thể khiến bạn hạnh phúc”.
Lời bàn:
Dù vậy, người Việt có câu châm ngôn: chọn bạn mà chơi; người phương Tây nói hơi khác: hãy cho tôi biết bạn của anh, tôi sẽ nói anh là người thế nào. Nhưng quan trọng hơn cả, việc chọn được bạn cũng là duyên nghiệp. Mỗi người tự quán xét tâm lượng của mình, những thói quen của mình, cách sống của mình giữa cộng đồng… sẽ thấy sự dung chứa của mình với những dạng bạn bè nào, đều có lý do cả. Lý nhân duyên ấy, người Việt nói bằng hình tượng giản đơn “nồi nào úp vung nấy” đó thôi.
Thiên Thu