Để kinh sách bừa bãi, thân tâm bất an

Trong Lương Hoàng Sám có đoạn: “Đối với kinh tượng Phật Thánh, tâm không cung kính, do tính kiêu ngạo, khinh người mà gây ra… do ba ác nghiệp của thân, miệng, ý, mà tạo vô biên tội.”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 1995, có Ni sư làm trong Ban phiên dịch thuộc một tự viện ở Mỹ quốc, cô đến hỏi Quả Lâm (một cư sĩ đã khai mở túc mạng thông, thấy được nhân quả nghiệp duyên của mọi người):

– Không biết vì sao mấy ngày nay trong người rất khó chịu, không được khỏe?

Quả Lâm hỏi:

– Có phải trong phòng chứa nhiều kinh Phật?

– Đương nhiên rồi. Tôi làm công tác phiên dịch kinh mà…

– Nhưng bình thường cô để kinh rất lộn xộn?

– Kinh sách nhiều quá, nên tôi không chú ý đến…

Vậy Sư hãy về kiểm lại xem, nếu thấy kinh sách để trên bàn mà có quyển nào bị rớt xuống, thì hãy lượm lên sắp cho ngay ngắn, như vậy thì chỗ bệnh khó chịu nơi thân sẽ lành.

– Vậy sao? Để tôi về kiểm xem. Việc này hệ trọng dữ vậy ư?

– Kinh là Pháp bảo hiện hữu, giống như có Phật tại đó, do vậy mà được Thiên long Bát bộ hộ vệ. Nên khi có quyển kinh rơi xuống, dù Sư không biết, nhưng hiện vẫn có một vị thần hộ pháp đang đứng đó hai tay nâng đỡ mãi. Vị thần này phải ở tại đó suốt mấy ngày nay rồi, Sư rất có lỗi vì đã khiến cho thần hộ pháp không thoải mái, như vậy thì sao bản thân Sư dễ chịu được chứ? Mong Sư từ nay về sau, đối với kinh sách phải hết sức chú ý cẩn thận, cất giữ nên tôn kính, trân trọng hết lòng…

Cô Ni này về chùa kiểm xem, thì thấy quả thực có quyển kinh trên bàn bị rớt xuống, nên vội chỉnh lại và sám hối trước Phật, sau đó cô hướng thần hộ pháp xin lỗi, thì bệnh đau trên thân liền lành.

Mọi người thử nghĩ xem, đối với Tam bảo, không phải do ác ý vô tình mà lỡ phạm sai sót cũng còn lãnh ác báo, huống nữa là những ai cố ý phá hoại kinh, tượng… không cung kính Tam bảo, thì hậu quả có thể tưởng tượng được.

Quang Tử