Để có một mùa xuân miên viễn
“Thế rồi Xuân lại đến
Rợp trời chim bay én lượn”
(Ca sĩ Sa Huỳnh hát)
Mùa Xuân đến cho người ta nhiều cảm xúc, vui lo lẫn lộn. Nhưng thường vui nhiều hơn. Người thế gian thường thích vui nhiều. Nhưng trong nhà thiền, các bậc Giác ngộ dạy không dính mắc với vui, lo. Vì dù dính mắc cái nào cũng làm mình khổ cả.
Người học thiền được dạy: ghi nhận mọi biểu hiện bên ngoài và cảm thọ bên trong bằng sự không phán xét, không phản ứng. Vui biết đang vui. Lo biết đang lo. Buồn biết đang buồn. Giận biết đang giận. Hạnh phúc biết đang hạnh phúc… Sống với từng biểu hiện, từng tâm hành đó ngay hiện tại chứ không chạy trốn về quá khứ hạnh phúc, không để quá khứ nhấn chìm mình trong mớ khổ đau. Cũng không bay bổng hay sợ hãi với tương lai, chạy theo dự báo nào đó.
Quan sát, không phán xét, không phản ứng! Nói đơn giản vậy chứ hành không đơn giản, do tập khí (thói quen) chạy nhảy của ta (được bậc thiện trí ví là “tâm viên ý mã” – tâm như khỉ như vượn, ý như ngựa). Hết về quá khứ ta trở ngược tới tương lai, rất ít khi có mặt cho hiện tại.
Do vậy, để thay đổi rất cần ta tinh tấn, nỗ lực hằng ngày. Mùa Xuân, dịp Tết là một trong thời gian thù thắng để ta tập dừng, nghỉ này. An vui trong bận rộn. Hay cắt đứt duyên lăng xăng giao tế, ở yên thiền phòng. Nhiều vị xuất sĩ đã tu gia hạnh, ngừng khách khứa, xả giao như vậy. Các vị ấy không đi tìm Xuân bên ngoài mà sống với mùa Xuân miên viễn bên trong.
Chúc Thiệu