Dấu ấn Phật giáo sống động trên tuyệt tác gốm Nhật
Nhiều người ngỡ ngàng trước sự lộng lẫy, quý giá và tuyệt đẹp của gốm cổ Satsuma – Nhật Bản – Ảnh: Thái Lộc
Vô cùng đặc biệt
Sưu tập gần 200 hiện vật của ba nhà sưu tầm: Trương Đình Bảo Long, Trần Đình Sơn, Đào Trần Quốc Chương. Bao gồm: hệ thống tượng Phật giáo, linh vật, đỉnh, lư, thống, bình, bộ đồ trà, tô chén dĩa… Tất cả hiện vật đều được vẽ màu tinh xảo, những hình ảnh Phật giáo được thể hiện thần thái sống động, ấn tượng.
Ấn tượng hơn cả là phần lớn hiện vật được vẽ bằng vàng thật một cách tinh tế và hài hòa. Những hiện vật to lớn như đỉnh, thống, những cặp bình hoa hay tô, dĩa “quá khổ” cũng thể hiện chủ nhân từng sở hữu nó thuộc đẳng cấp rất cao trong xã hội ngày xưa.
Toàn bộ hiện vật thuộc thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912).
Theo chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn, Nhật Bản vốn là nước sản xuất gốm phẩm chất kém nhất trong khối Đông Á. Trung Quốc vốn là cái nôi của gốm sứ thế giới. Việt Nam từ khoảng thế kỷ 15-17 từng có dòng gốm Chu Đậu phát triển khá rực rỡ mà người Nhật từng rất thán phục.
Nhưng đến khoảng đầu thế kỷ 17, người Nhật đã học được nghề gốm từ Trung Quốc khi di nhập qua Triều Tiên. Đến thời Minh Trị Thiên Hoàng, triều đình đã đẩy mạnh các lò gốm sản xuất hàng đạt kỹ thuật rất cao cấp, xuất cả sang các nước phương Tây.
Nghề gốm do đó phát triển rất nhanh, tiếp thu thêm kỹ thuật phương Tây, cộng với nền tảng văn hóa của Nhật Bản đã tạo ra những sản phẩm gốm sứ rất đặc biệt mà dòng gốm Satsuma là một điển hình.
Trong một thời gian khá dài, khi gốm Việt Nam (chủ yếu dòng Chu Đậu) “tắt bóng” và gốm sứ Trung Quốc thoái trào, thì gốm Satsuma của Nhật Bản “thống lĩnh” thị trường châu Âu.
Và dấu ấn Phật giáo
Điều gây bất ngờ hơn cả đối với mọi người chính là hình tượng Phật giáo thông qua gốm cổ Satsuma – Nhật Bản được thể hiện rất sinh động và lạ lẫm.
Phật giáo ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á khác, hình ảnh thường thấy là lý tưởng nào ra lý tưởng ấy. Trong khi ở đây, hình ảnh Bồ Tát và A La Hán thể hiện đan xen. Hơn thế, một số trường hợp khác còn thể hiện hình ảnh Nho, Lão, Thích, Bồ Tát, A La Hán cộng tồn trong một sản phẩm gốm…
Chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn cho biết việc chọn chủ đề Phật giáo trên gốm cổ Satsuma của Nhật Bản có dụng ý sâu xa. Rằng, trong các nước cùng “tam giáo đồng nguyên”, một số nước trong đó có Việt Nam cũng thường “than van” về nền tảng lề lối trì trệ, chậm chạp, lạc hậu.
Ông nói: “Theo tôi, không phải theo Phật hay nền tảng tam giáo là dẫn đến trì trệ, chậm chạp, lạc hậu. Nhìn trường hợp Nhật Bản, họ có khác gì Việt Nam đâu, nhưng họ đã biết vận dụng, hóa giải nền tảng đó một cách rất mở, để đột phá thành công, trở thành một nước công nghiệp phát triển không thua kém phương Tây chỉ sau thời gian ngắn”…
Đồng thời tại Bảo tàng cổ vật Phước Trang (114 Mai Thúc Loan, Thành nội Huế) cũng ra mắt một bộ sưu tập gốm cổ Satsuma – Nhật Bản. Đây đều là những hiện vật thuộc hàng đỉnh cao trong dòng gốm cổ Satsuma, mà đặc biệt là bộ đồ uống trà chiều của giới thượng lưu Anh quốc cho 12 người và một chiếc bình hoa lớn thuộc hàng tuyệt tác.
Mời bạn đọc xem những hiện vật tuyệt đẹp thuộc dòng gốm cổ Satsuma – Nhật Bản: