Đặt tâm xuống
Ngài Dzogchen Ponlop Rinpoche nói về việc khám phá không gian bao la, sự tỉnh giác, bình an và hạnh phúc, luôn có sẵn trong lòng chúng ta.
Đôi khi chúng ta giận dữ nhưng lại quên mất tại sao mình giận dữ. Chúng ta có khi không chắc chắn về lý do thực sự của cơn giận; chỉ biết rằng sự tức giận này rất chính đáng và chúng ta bám chặt vào điều đó. Trong lòng chúng ta bắt đầu nghĩ đến những lời biện minh cho sự tức giận của mình: nào là lần bạn mình quên gọi điện báo việc quan trọng, chú chó cưng ở nhà bị người ta đánh, đi xem phim bị muộn giờ, mọi người đùn đẩy cho ta việc thanh toán tiền sau khi ăn hay ai đó có thói phàn nàn, cằn nhằn liên tục. Bỗng nhiên chúng ta thấy mình có rất nhiều lý do để tức giận với một danh sách dài lê thê. Điều đó khiến chúng ta vui vì tâm trí chúng ta luôn có việc gì đó để làm. Cái tâm bận rộn này của chúng ta được thỏa mãn trong giây lát.
Cho dù đó là cơn giận dữ, là đam mê hay chỉ là danh sách các công việc phải làm, tâm trí chúng ta có vẻ luôn sẵn sàng tích cực để bận bịu hay tham gia vào một việc gì đó. Cái tâm xao động này luôn lăng xăng chạy theo những cảnh nó thấy và muốn. Khoảnh khắc tiếp theo, cái tâm xao động này thu mình lại và mơ tưởng về những suy nghĩ, ý tưởng đang choáng ngợp trong đầu. Sau đó, nó trở lại làm bạn với ta và tiếp tục tức giận như thường lệ. Tâm trí của chúng ta luôn bận rộn theo dõi điều này, điều kia về thế giới nội tâm lẫn thế giới bên ngoài. Ai? Việc gì? Ở đâu? Cái tâm này đều có mặt. Giống như một người luôn bận rộn gánh nặng có một công việc và một gia đình phải chăm lo khiến anh ta khó có thì giờ để nghỉ ngơi và thư giãn. Một ý nghĩ này dẫn đến một ý nghĩ khác, và ý nghĩ khác ấy lại dẫn đến một ý nghĩ khác nữa. Có khi mải chìm đắm trong mớ suy nghĩ đó, chúng ta quên mất mình bắt đầu từ đâu và đang suy nghĩ tới đâu. Cứ như vậy, tâm trí giống như mặt nước luôn xao động. Cái tâm lăng xăng này không bao giờ có cơ hội sống chậm để trở nên lặng yên và tỉnh táo. Con người ta thậm chí bị mất ngủ chỉ vì cái tâm náo động này không chịu nghỉ ngơi.
Nếu bạn bắt đầu nhận ra tâm mình luôn bận rộn và đầy ắp những suy nghĩ thì điều đó không hẳn là xấu, nhưng thường thì không được như vậy. Đôi khi tâm chúng ta mải miết du hành trên những chuyến tàu của các luồng suy nghĩ đi cùng với các cảm xúc. Với quá nhiều thứ và cảm xúc đang diễn ra trong đầu như thế, tâm trí bắt đầu bị kích động và trở nên rối ren. Chúng ta quá quen đến độ không thể thấy rõ tâm trí lộn xộn và lăng xăng mệt mỏi. Chúng ta cũng không thấy có một logic hay lý do nào cho sự xáo động của tâm. Tuy nhiên, tâm chúng ta vẫn rất chịu khó lăng xăng bám theo những suy nghĩ cuồn cuộn kéo đến ấy. Chúng ta cố gắng giữ dòng suy nghĩ luôn liên tục không ngắt quãng, không ngưng nghỉ. Nếu luồng tư tưởng bắt đầu chậm lại hoặc dừng lại, chúng ta ngay lập tức tìm mọi cách để phục hồi. Chúng ta thậm chí còn có các phương tiện hiện đại để giữ cho tâm trí luôn bận rộn như là máy tính xách tay, các thiết bị cầm tay, điện thoại thông minh, iPhone… để chúng ta có thể ghi lại mọi thứ; nào là email, văn bản, lịch trình và danh sách mua sắm. Điều này không phải lúc nào cũng xấu. Tuy nhiên, với tất cả những điều này thì tâm trí không bao giờ được yên tĩnh.
Vấn đề là khi quá lăng xăng như vậy, tâm trí bận rộn này có thể quên mất bản chất thực của nó. Khi dành thời gian để nhìn xuyên qua tất cả hoạt động bận rộn hàng ngày, chúng ta khám phá ra bên dưới chúng là không gian nội tâm bao la, là sự tỉnh giác, bình an và hạnh phúc. Những điều quý giá này không thất thường mà luôn ở đó, sâu trong lòng chúng ta. Đức Phật dạy rằng đây mới là bản chất thật của tâm. Để nhận ra bản chất thật ấy, chúng ta cần sống chậm lại và thư giãn – hoàn toàn buông bỏ và nghỉ ngơi. Nhờ đó, tâm trí sẽ dễ dàng trở về với đúng bản chất là sáng tỏ, tĩnh lặng, an lành và hạnh phúc.
Vậy làm thế nào để nghỉ ngơi và thư giãn tâm trí? Ở đây có một vài bí quyết hữu ích cho bạn. Bạn có thể nuôi dưỡng thân tâm bằng chế độ ăn uống và tập thể dục lành mạnh, đặc biệt là yoga. Bạn có thể nghỉ ngơi, đi dạo, nghe nhạc và tạm thời ngắt kết nối với thế giới mạng, thông tin và kỹ thuật. Nhưng điều hữu ích nhất vẫn là thực hành thiền định. Lúc ấy bạn chỉ cần quán sát những suy nghĩ của bạn và để tâm bạn nghỉ ngơi theo nhịp thở vào ra. Phong cách thiền này rất đơn giản, có thể thực hành ở bất cứ đâu và có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe con người. Một khi đã thuần thục với những kỹ thuật cơ bản về thiền định, chúng ta sẽ có thể quán sát rõ hơn các suy nghĩ lướt qua trong đầu.
Đầu tiên, bạn nhận biết xem có bao nhiêu suy nghĩ lướt qua trong đầu. Chúng đến, đi và tiếp nối nhau như thế nào; tâm trí của bạn bị cuốn theo những suy nghĩ ấy ra sao. Việc thực hành chỉ đơn giản là nhận biết khi tâm trí của bạn đi lang thang và đưa nó trở lại hiện tại, hết lần này đến lần khác. Cách đưa tâm trí trở lại là hãy để cho ý nghĩ mà bạn đang theo đuổi trôi đi. Khi có một suy nghĩ xuất hiện, bạn bình thản quán sát mà không để tâm trí mình bị cuốn theo. Sau đó, bạn đã cắt giảm đà của dòng suy nghĩ thay vì khuyến khích nó. Cảm giác nhẹ nhõm trong tâm trí sẽ xuất hiện khi bạn không bị cuốn theo những suy nghĩ của mình bất kể đó là suy nghĩ tích cực hay tiêu cực. Nếu một ý nghĩ tốt xuất hiện, bạn không cần phải khai triển thêm hay vui mừng; cứ để nó như vậy Nếu một ý nghĩ tồi tệ xuất hiện, bạn không cần phải buồn, cố gắng ngăn chặn hoặc thay đổi, bạn cứ để mặc chúng.
Trong thiền định, cách thực sự để cho tâm trí nghỉ ngơi là buông bỏ tất cả những suy nghĩ về mọi việc và cả những suy nghĩ về các suy nghĩ. Chúng ta có thể thư giãn khi những suy nghĩ của chúng ta đến và đi. Càng thoải mái, chúng ta càng có thể thấy tâm mình rộng mở ra, tỉnh giác hơn so với khi tâm ta bận rộn che mất những điều này. Khi nhận ra được điều này, chúng ta đang thấy những gì mà Đức Phật gọi là tiềm năng giác ngộ trong mỗi con người.
Điều này có nghĩa là hạnh phúc và sự an bình vốn sẵn có trong tâm và chúng ta chắc chắn có thể tìm thấy chúng. Chúng ta không cần phải thay đổi suy nghĩ hoặc thay đổi bản thân để trở thành người khác. Chúng ta không cần phải suy nghĩ xem chúng ta là ai, cái tôi này thông minh hay dại khờ, có may mắn, hạnh phúc hay không. Nếu chúng ta tin mình hạnh phúc, chúng ta không cần phải theo đuổi những suy nghĩ đó. Cứ để chúng đến và đi, đặt tâm xuống và nghỉ ngơi.
Việt dịch: Diệu Liên Hoa