Đất nước trong mỗi người
Trang nghiêm cung thỉnh linh vị các anh hùng, liệt sĩ về Đền Bến Dược (H.Củ Chi, TP.HCM) trong Lễ tưởng niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-2-2024) – Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Trong ký ức của tất cả chúng ta, ai cũng có những kỷ niệm không thể nào quên đối với Tổ quốc Việt Nam, với dân tộc Việt Nam.
Riêng tôi, được sanh ra và lớn lên trên mảnh đất Củ Chi thành đồng đất thép của Gia Định – Sài Gòn, nay là TP.HCM, sống trong thời kỳ Pháp thuộc, qua thời kháng chiến giành độc lập dân tộc, rồi thống nhất đất nước, trong tôi có nhiều ký ức và kỷ niệm khó quên.
Sống trong hòa bình, hạnh phúc và an lạc, chúng ta phải nghĩ nhớ đến những người đã hy sinh cả thân mạng của mình để đất nước Việt Nam có được ngày hôm nay. Riêng tại Đền Bến Dược (H.Củ Chi, TP.HCM), chúng ta đang phụng thờ hơn 40.000 liệt sĩ.
Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi về thăm huyện nhà, gặp anh Mười Nguyên, khi đó đang là Bí thư Huyện ủy Củ Chi. Anh có nói với tôi rằng ở H.Củ Chi có trên 16.000 người thoát ly theo kháng chiến, nhưng trở về được chỉ có 5 – 6 ngàn người. Số lượng đồng bào tử nạn vì chiến tranh trên địa bàn Củ Chi không thể đếm được.
Ngay lúc đó, tôi đề nghị với anh rằng chúng ta nên tổ chức lễ tưởng niệm để nhớ ơn những người đã hy sinh và cầu nguyện cho đồng bào đã tử nạn, để mọi người có điều kiện chia sẻ những tâm tư ấy. Trong lúc trao đổi, chúng tôi gặp thêm anh Mười Hải, sau đó có thêm Thượng tướng Trần Văn Trà…, tất cả chúng tôi đã cùng nhất tâm về việc làm ý nghĩa này.
Mọi người thống nhất giao anh Mười Nguyên trách nhiệm xin phép xây dựng, còn lại ai có khả năng thì vận động đóng góp để xây dựng Đền tưởng niệm Bến Dược. Đó là khởi đầu của công trình tâm linh mang ý nghĩa tri ân sâu sắc này.
Chư Tăng Ni tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược (H.Củ Chi, TP.HCM) – Ảnh: Quảng Đạo
Lịch sử của dân tộc chúng ta rất hào hùng. Kể từ thời kỳ chống giặc ngoại xâm của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế cho đến thời kỳ độc lập với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần…, đất nước chúng ta đã vượt qua không biết bao nhiêu gian khổ, có những lúc như ngàn cân treo trên sợi tóc, trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc.
Phật giáo Việt Nam, do đó, cũng mang những đặc trưng rất riêng so với Phật giáo ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Phật giáo Việt Nam gắn liền với vận mệnh dân tộc. Trong thời chống ngoại xâm, nhiều Tăng Ni đã tạm rời chiếc áo cà-sa, tham gia kháng chiến; nhiều vị lãnh đạo đất nước xuất thân từ nhà chùa, như Lý Nam Đế, Lý Công Uẩn…
Nhiều cuộc khởi nghĩa đấu tranh vì lý tưởng độc lập, hòa bình đã liên tục nổi lên, trong đó có nhiều tu sĩ Phật giáo trực tiếp tham gia kháng chiến, giữ các vai trò khác nhau. Nhiều vị đã bị bắt, giam cầm, tra tấn và lưu đày, nhiều vị đã hy sinh cả tánh mạng vì đại cuộc.
Phật giáo Việt Nam gắn liền với vận mệnh dân tộc. Trong thời chống ngoại xâm, nhiều Tăng Ni đã tạm rời chiếc áo cà-sa, tham gia kháng chiến; nhiều vị lãnh đạo đất nước xuất thân từ nhà chùa, như Lý Nam Đế, Lý Công Uẩn… Nhiều cuộc khởi nghĩa đấu tranh vì lý tưởng độc lập, hòa bình đã liên tục nổi lên, trong đó có nhiều tu sĩ Phật giáo trực tiếp tham gia kháng chiến, giữ các vai trò khác nhau.
Lịch sử chúng ta cũng trải qua những thời kỳ đau thương, khi người lãnh đạo không thấu hiểu được lòng dân, không tạo được sức mạnh đoàn kết, tự đánh mất thành trì kiên cố là nhân dân. Đó là lý do vì sao 2 vạn quân ở thành Gia Định không đánh nổi 200 lính Pháp, để rồi thất bại, đất nước rơi vào tay ngoại xâm.
Trước kia, triều đại Lý, Trần, với chính sách đúng đắn, chúng ta đã đoàn kết được toàn dân thành một khối. Giặc ngoại xâm phương Bắc dù lớn gấp nhiều lần cũng đều bị thất bại. Nhưng khi giặc Pháp xâm lược, chúng ta lại không giữ được đất nước. Đó là nỗi nhục, là bài học xương máu trong lịch sử vệ quốc, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Có lần, cụ Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nói với tôi rằng năm mới 16 tuổi, cụ từng lên Yên Tử để suy nghiệm về chiến thắng của dân tộc Việt Nam chúng ta khi đối diện với quân xâm lược Nguyên – Mông. Cuối cùng, cụ thấy được hai chữ “đoàn kết” là điều rất quan trọng trong mọi thời đại.
Khi Bác Hồ đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, rất nhiều người giai cấp khác nhau, tôn giáo khác nhau,… đã sẵn lòng hy sinh để đi theo Bác, đi theo kháng chiến vì mục tiêu giành độc lập cho Tổ quốc. Ngày trước 2 vạn quân Việt Nam không đánh nổi 200 lính Pháp nhưng trong thời đại Hồ Chí Minh, những con người như anh Phạm Văn Cội với những vũ khí thô sơ nhưng dám đánh cả một đoàn quân khét tiếng của Mỹ trang bị vũ khí hiện đại! Hay như đội du kích Củ Chi, một lực lượng đặc biệt gồm các thiếu nữ tuổi thanh xuân mới 15, 16 tuổi thôi nhưng dám đánh cả một sư đoàn của Mỹ!
Trong hoàn cảnh khốc liệt đó, tôi nhớ có một người phụ nữ đặc biệt, đó là chị Bảy Mô, du kích đất thép thành đồng Củ Chi. Chị là một chiến sĩ gan dạ nhưng cũng rất giàu tình thương của một người mẹ Việt Nam anh hùng.
Chuyện lưu lại rằng, trong một trận đánh, khi thấy một lính Mỹ lúc đối diện hoàn cảnh khốc liệt cận kề cửa tử, đã lấy tấm hình của người thân ra xem rồi bật khóc. Chứng kiến cảnh đó, chị đã không nổ súng. Sau này, khi hòa bình lập lại, người lính Mỹ còn sống đó trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa, ông ta đã tìm thăm chị Bảy Mô để tạ ơn tấm lòng nhân ái của chị đã cho anh ta một cơ hội sống, như sanh ra ông ta lần thứ hai. Dù hai con người ở hai chiến tuyến khác nhau nhưng trong trái tim người chiến sĩ, một người mẹ buộc cầm súng để bảo vệ quê hương mình, vẫn còn đó tấm lòng nhân hậu bao la của một người mẹ, một dân tộc luôn yêu thương hòa bình và trân trọng lẽ phải.
Đó là những người phụ nữ Việt Nam nối chí của Bà Trưng, Bà Triệu năm xưa.
Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ qua các thời kỳ, phải nhớ đến công ơn vô bờ bến của Bác Hồ. Nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của chúng ta sẽ khó thành công; hoặc nếu có thành công, thì mức độ hy sinh của chúng ta sẽ còn cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, chúng ta luôn nhớ đến công ơn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều tướng lĩnh giải phóng quân khác. Đặc biệt tôi nhớ đến vị Đại tướng xuất thân là một nhà giáo có tầm nhìn chiến lược rất sâu sắc mà khó có ai có được qua một tư duy quân sự độc đáo, rất phương Đông: “Muốn thắng địch thì phải bắt địch đánh theo cách của ta”…
Đó là những tấm gương lớn tiền nhân đã để lại cho chúng ta.
Phật tử thắp hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước hương án do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM thiết trí tại Việt Nam Quốc Tự – Ảnh: Quảng Đạo
Chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau, là con cháu phải tiếp nối ngọn đuốc sáng đó, như nhân cách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, luôn hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng của tổ tiên mà đi tới, không sợ gian lao, không từ khó nhọc. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là người tiếp nối sự nghiệp của các bậc tiền nhân.
Đó cũng là việc bày tỏ lòng tri ân, sự kính trọng và niềm thương tiếc đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đã nằm xuống, dù để lại tên tuổi hay vô danh, đã đi vào lòng đất Mẹ để trở nên một với quê hương đất nước Việt Nam mến yêu này.
(Lược phiên tả theo lời phát biểu tại Lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sĩ do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và UBMTTQVN TP.HCM phối hợp tổ chức, ngày 27-7-2024, tại Đền Bến Dược, H.Củ Chi, tựa của Giác Ngộ)
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng/Báo Giác Ngộ