Đập cái thau kia đi
Có một gã hành khất tự dựng túp lều tranh trên mảnh đất nghèo. Gia tài anh chỉ là cái thau bể và một thùng gỗ với những vật dụng linh tinh, không có giá trị gì.
Hàng ngày anh mang thùng, cầm thau đi xin ăn. Hôm nào được no là anh cảm thấy vui sướng lắm rồi, không có ý mưu cầu gì hơn.
Hôm nọ, trên đường đi anh gặp một cụ già. Cụ gõ vào thùng gỗ rồi bảo:
– Con nghe lời ta, dẹp cái thùng này và cái thau kia đi. Hãy đào dưới nền đất của con, sẽ có kho báu rất lớn tha hồ tiêu xài, chấm dứt những ngày tháng nghèo đói lang thang.
Gã hành khất không tin, nói:
– Con đã quen kiếp sống này rồi, cũng chưa ai chỉ nền đất túp lều tranh nói với con những lời như ông.
Tuy anh không tin, nhưng cụ già rất kiên nhẫn, ngày nào cũng nhắc đi nhắc lại như thế. Ngày qua ngày, anh chàng vẫn sáng chiều chìa cái thau bể xin ăn. Một hôm gặp phải mưa gió, không xin được chi. Vừa đói vừa lạnh, anh chợt nhớ tới lời ông cụ, bèn đào thử nền nhà xem sao. Thật không ngờ, một kho báu hiện ra. Và anh nghiễm nhiên trở thành vị trưởng giả giàu sang không ai bằng.
Câu chuyện cổ tích tưởng như mơ, nhưng lại hiện hữu trong đời mỗi chúng ta. Con người thường cho mình phước mỏng nghiệp dày, nên chấp nhận thân phận phàm phu tục tử với nhiều tập nghiệp sâu nặng, không dám mơ tưởng chuyện làm Phật. Con người từng đem thân năm uẩn, cầu xin cuộc đời từng chút hư danh bổng lộc, vinh hoa phú quý, quyền cao chức trọng… chứa chất đầy ắp bả danh cặn lợi. Vậy mà rất vui, rất mãn nguyện với những thứ mà Phật cho là như rác ấy.
Nhân sinh một đời vất vả, lo toan chuyện được mất, sống còn, hiếm khi nhìn lại để thấy tài sản, gia đình, sự nghiệp… như áng phù vân nổi trôi giữa trời. Nó đến bằng xương máu một đời người, nhưng đi chỉ trong khoảng chớp mắt. Không ai có thể nắm giữ mọi thứ lâu dài, đừng nói là mãi mãi. Có những người từng là tỷ phú hôm nay, nhưng chỉ qua một đêm trở thành kẻ trắng tay. Thế nhưng con người đã không nhận ra điều đó, vẫn cho rằng gia đình, sự nghiệp này là của mình, vĩnh viễn bất khả xâm phạm, bất khả phân ly. Đến khi bị mất đi, họ không thể chấp nhận, không thể chịu đựng nổi, nên đau khổ và tuyệt vọng cùng cực.
Thẳm thấu được điều đó, thi nhân Lý Bạch đã mượn mấy dòng thơ để khắc họa niềm vui nỗi buồn, khi con người tự gắn chặt đời mình vào những gì mộng ảo mong manh.
Phù thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ.
Quang âm giả, bách đại chi quá khách.
Nhi phù sinh nhược mộng,
Vi hoan kỳ hà?
Tạm hiểu là, trời đất là quán trọ của muôn loài. Ngày tháng là lữ khách trăm năm tới lui thăm viếng. Kiếp phù sinh như giấc mộng, niềm vui thoáng chốc có là bao? Đời người hóa ra chỉ như một giấc chiêm bao. Mê chi cho lắm rồi cũng phân ly.
Tuy nhiên, dưới con mắt nhà Phật, năm uẩn này tuy triền phược, nhiễm ô như bãi rác. Nhưng chính từ đó, đóa sen tinh khiết ngạt ngào tỏa ngát hương thơm. Kinh Diệu pháp Liên hoa, Bồ-tát Thường Bất Khinh đã dâng hiến đóa hoa này cho đời. Đi đâu, gặp ai, ngài cũng cung kính cúi đầu trước những vị Phật tương lai: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”.
Trước sau một tấm lòng, Bồ-tát dù có bị thế nhân xua đuổi khinh khi, vẫn xin làm người đồng hành, đưa khách ly hương về lại chốn quê nhà muôn thuở bình yên. Giống như cụ già đã chỉ cho gã hành khất mở cửa ngôi điện báu, ngay trên mảnh đất khô cằn nghèo khó.
Hiểu được các pháp thế gian vô thường hư ngụy, thì ta sẽ dừng lại cuộc chạy đuổi vô nghĩa từ nhiều đời. Bởi vì càng lao về phía trước thì càng phí sức, càng mệt mỏi muộn phiền, càng đè nặng lên tâm thức nỗi bất hạnh triền miên. Đã một đời ta đi giữa đôi bờ sanh tử, ngồi trên chiếc thuyền chòng chành sóng gió nổi trôi, ta cứ lắc lư theo dòng thuận nghịch nhân duyên. Thân lắc lư. Tâm lắc lư. Chưa có phút giây nào yên tĩnh. Biết đâu là bến bờ?
Phật bảo chúng sanh vì quên kho báu của mình, nên không biết đào xới lấy ra để tận hưởng đời sống giàu có, an lạc. Mình dại khờ từ chối những hạnh phúc giản dị đơn sơ, luôn có mặt trong từng hoạt dụng thi vi. Như mở mắt thức dậy, ta xỏ dép và mỉm cười vì biết mình vẫn còn sống, còn có thể tự do đi lại trên đôi chân này. Súc miệng rửa mặt, uống một ngụm trà, rồi cùng đại chúng lên thiền đường, đều là đại dụng hiện tiền. Mượn tứ đại vô thường giả hợp để hiển thị cái chân thường hiện hữu chưa từng đến chưa từng đi. Còn gì hạnh phúc hơn, sáng suốt hơn!
Tâm Phật đang chiếu soi trong ta, nhờ mắt tuệ sáng tỏ suốt đêm ngày, nên ta mới có thể thấy biết muôn sự muôn vật rõ ràng như thế. Thấy biết ngay cả chính lòng mình. Cái hay nhận biết mọi thứ diễn ra trong tâm mà lặng thinh vô ngôn, chính là hạt châu vô giá. Chỉ cần nhận ra hạt châu này thì ta trở thành giàu có vô lượng, không phải đi mót từng đồng xu nhà người nữa. Quan ải này rất hiểm yếu, thắng hay thua ở chỗ nhớ hay quên mình là ai mà thôi.
Xin được cảm ơn cái thau bể, đã giúp gã hành khất lót dạ qua chặng đường mưu sinh nghèo khó. Giờ thì gởi lại, ta trở về đào lấy cái gia bảo nhà mình. Tuy nhiên, Phật Tổ cũng nhắc, dấn thân vào lộ trình vượt sanh tử là vô cùng quả cảm, dũng khí vô song, nhẫn lực phi thường, kẻ thiểu chí và trí không thể làm nổi. Phát tâm tu hành là cả một quá trình chuyển hóa đầy cam go. Chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh, không thể xem thường.
Đào được gia bảo rồi thì có thể lặng lẽ ngắm vầng trăng Basho:
Vầng trăng non dại
Theo ta từ dạo ấy
Ai có ngờ đêm nay…
(Nhật Chiêu dịch)
Ai có ngờ đêm nay vầng trăng ấy lại sáng. Dấu chấm lửng có thể cho ta một nguồn hy vọng được không? Được chứ. Bởi vì trăng đã theo khách lữ hành từ dạo ấy. Trải dài lúc còn là mảnh lưỡi liềm, cho đến ngày ta nhận ra Đức Phật tỏa chiếu rạng rỡ trong tâm.
Vầng trăng sáng này, xin dâng lên cúng dường các bậc ân sư, cha mẹ hiện đời và nhiều đời, pháp lữ đàn-na… đã vì chúng ta mà đập vỡ cái thau bể kia.