Đạo tại nhân hoằng, suy thịnh cũng do con người
Dạ thưa, giáo pháp cũng vận hành bình đẳng như bao pháp thế gian khác, cho nên Đức Phật cho rằng nó chỉ là phương tiện, như ngón tay chỉ mặt trăng.
Nếu xét theo lý vô thường thì pháp nào có hình tướng pháp ấy cũng đều phải hoại diệt. Phật pháp cũng không ngoại lệ.
Đạo Phật ở mỗi quốc gia cũng có lúc thịnh lúc suy, đó là lẽ thường tình. Tuy nhiên, đạo tại nhân hoằng, suy hay thịnh cũng do con người mà ra cả. Kẻ chống muốn huỷ, kẻ dựng không giữ gìn…
Còn Pháp thân Phật vẫn như dòng nước trong chảy ra từ núi đá, nếu dùng bình sạch đựng nước thì nước trong, dùng bình bẩn đựng nước thì nước đục.
Mạt pháp là khi mỗi người chúng ta dùng bình bẩn đựng nước. Nếu biết gạn đục khơi trong nước sẽ tinh khiết trở lại.
Thời Phật không chỉ có hàng lục quần Tỳ-kheo ưa phá giới, gây gổ, sống tà hạnh mà ngay cả những vị đã đắc tứ thiền bát đỉnh, giới hạnh trang nghiêm cũng có lúc vì bản ngã tăng thượng mạn mà tạo nghiệp địa ngục.
Cho nên ngoài việc tuân theo luật pháp thế gian, Đức Phật luôn cân nhắc tùy phạm tùy chế, nhằm hoàn thiện giới luật cho Tăng đoàn. Trước khi nhập Niết-bàn, Ngài cũng căn dặn chư Tỳ-kheo hãy lấy giới luật làm Thầy.
Một số người cho rằng, một hiện tượng nào đó bên ngoài có thể “đánh đổ” Phật giáo thì xin thưa rằng, trong luận Câu xá cũng đã bàn đến việc “phá pháp luân Tăng”, gây chia rẽ sâu sắc Tăng đoàn, làm cho nhân thế cơ hiềm, dẫn đến pháp thân Phật tổn thương.
Tại sao trong giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát không đặt tội phá pháp luân Tăng vào tội trọng? Vì Đức Phật xem hành vi phá giới của các vị kia như là cách thể hiện nghịch hạnh để Tăng đoàn hoàn thiện giới luật và tinh tấn tu hành. Mặc dù Đức Phật từng có lần đuổi 500 Tỳ-kheo ra khỏi Tăng đoàn. Con số 500 là rất lớn, nếu xét theo sự kiện thời đó.
Luận Câu xá từng bàn về việc phá pháp luân Tăng, có thể xuất phát từ sự kiện Đề Bà Đạt Đa muốn lật đổ tăng đoàn lên làm giáo chủ.
Đây cũng là lý do Phật cho rằng y pháp bất y nhân. Quy y Tăng là quy y mười phương Tăng chúng chứ không phải quy y một vị thầy.
Xin nhắc lại, ngài Đề Bà Đạt Đa khi chưa phạm giới, ngài từng đắc tứ thiền bát đỉnh, giới hạnh trang nghiêm, thậm chí có thể ngồi trên hư không thuyết pháp…
Do đó, người phá pháp luân Tăng phải là Tỳ-kheo, chứ người tại gia không thọ giới Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni không thể làm được, và phải là Tỳ-kheo có tịnh hạnh chứ người vô hạnh thì không có đủ uy tín để làm.
Hơn nữa có khái niệm “giữ giới” mới có khái niệm “phạm giới”. Nhưng giữ giới mà phạm giới thì vẫn có nhân sám hối, nặng như trọng tội ba-la-di, có thể đoạ địa ngục lâu dài trong nhiều kiếp nhưng vẫn có cơ hội trở mình. Còn không giữ giới, thì dễ phạm vào tội nhân quả, rất khó có cơ hội trở mình, mất thân người này đi, muôn kiếp khó lấy lại được.