Đạo Phật với tôi là một chất liệu, là một vị thuốc hay
Trong cuộc sống chúng ta ai ai cũng cần phải có một chỗ để nương tựa, ngoài nương tựa về vật chất ra, chúng ta còn một chỗ nương tựa rất quan trọng đó chính là nương tựa về tinh thần.
Khi chúng ta đi xa nhưng chúng ta vẫn có một ngôi nhà để che nắng, che mưa. Để khi ta mệt mỏi, ta trở về một nơi yên tĩnh, một ngôi nhà ấm cúng, một tổ ấm đầy tình thương, hay chúng ta muốn đi nơi nào đó vẫn có một chiếc xe để chạy. Khi ta khát nước, ta uống một cốc nước mát trong mùa hè đầy nóng nực, đó là giá trị về vật chất.
Bên cạnh đó, còn một thứ rất quan trọng đó là giá trị tinh thần. Điển hình như chúng ta, có một nhu cầu nương tựa về tinh thần, khi chúng ta buồn rầu có một người thân ở bên cạnh để chia sẻ, niềm vui nỗi buồn, có người thì nương tựa chồng, có người nương tựa con, có người nương tựa bạn bè. Nhưng từ khi tôi biết đến đạo phật đến nay, tôi hoàn toàn nương tựa vào ba ngôi Tam Bảo. Vì nơi đó đem đến cho tôi sự bình an, sự hạnh phúc, sự yêu thương rộng mở.
Vì sao tôi chọn đạo Phật, ba ngôi Tam Bảo để làm chỗ nương tựa tinh thần? Vì trước kia, tôi theo cuộc sống chỉ biết tìm tòi những việc ăn mặc và những thứ màu hồng phù phiếm xa hoa trước mắt, đôi khi rất là đau khổ, phiền não mà không tự nhận ra được, ví như trong kinh Pháp Hoa Đức Phật rằng: “Ba cõi không an giống như nhà lửa và tất cả chúng ta giống như những đứa trẻ đang ở trong ngôi nhà cháy mà không tự biết nguy hiểm, chẳng biết gì là lữa, gì là nhà, chỉ biết đông tây rảo chạy, người cha thấy những sự nguy hiểm như thế. Cho nên mới dùng chìa khoá phương tiện để dụ các con mau ra khỏi ngôi nhà lửa”.
Từ ngày biết đến đạo Phật, cuộc sống của tôi cảm thấy an lạc hơn, nhẹ nhàng hơn . Đức Phật cũng từng dạy: “Thiểu dục tri túc” ít muốn biết đủ, như người giàu, có kẻ hầu người hạ, nhưng tâm hồn không biết đủ thì lúc nào cũng thấy thiếu thốn. Vì con người là lòng tham không đáy.
Theo tinh thần Phật dạy: “Con người mà biết thiểu dục tri túc, thì dù nằm dưới bãi cỏ, hay dưới gốc đa, mình cũng thấy tràn đầy hạnh phúc”. Thuở xưa, Đức Phật là một vị thái tử đông cung, nhưng ngài muốn giá trị cao hơn mà ngài bỏ hết tất cả, vinh hoa phú quí, luôn cả danh lợi mà mọi người đang tìm kiếm. Vì trong cuộc đời, có người lấy cả việc làm giàu để làm lối sống riêng, có người thì đi tìm danh lợi để làm lý tưởng sống, có người thì đi tìm lợi dưỡng cho bản thân. Đức Phật là một trong những người sở hữu đều ấy nhưng ngài muốn tìm về giá trị tinh thần cao hơn thế nữa. Cho nên ngài rũ bỏ tất cả những thứ danh lợi phù phiếm ấy. Vì Đức Phật đã ngộ ra một điều: “Khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, tất cả những thứ ấy không tồn tại vĩnh viễn và không mang theo được”. Cho nên cổ nhân cũng có dạy: “Sanh tử không , tử hề giả không”. Nghĩa là khi chúng ta đến với cuộc đời với bàn tay trắng, khi nhắm mắt rồi thì vẫn trắng tay, không mang theo được gì ngoài tội và phước.
Bởi thế cho nên, trong cuộc sống chúng ta ý thức được tri túc, biết đủ để ta tìm được giá trị tinh thần, mở rộng tình yêu thương muôn loài, vạn vật. Thì cuộc sống của chúng ta từ cõi nhân gian sẽ hoá thành cõi tịnh độ. Trong một gia đình nếu chúng ta biết áp dụng tình yêu thương thì gia đình của chúng ta sẽ tràn ngập tiếng cười và đầy niềm vui, không còn bị sự đố kỵ, sự cãi vã.
Ở xã hội cũng thế, nếu chúng ta biết áp dụng đạo Phật vào trong đời sống, thì xã hội chúng ta không có trộm cướp, không có tệ nạn xã hội, ai ai cũng sống trên tinh thần nhân quả mà Đức Phật đã dạy. Quay về lịch sử, thuở xưa thời đại nhà Lý, nhà Trần cũng áp dụng đạo Phật làm quốc giáo mà tồn tại trên 200 năm. Đó là một trong những lợi ích thiết thực mà đạo Phật mang đến. Vì đạo Phật chủ trương từ bi, bác ái và trí tuệ. Tất cả mọi thứ đều thông qua luật nhân quả. Không ai có thể ban phước giáng họa cho chúng ta. Cho nên con người khi biết đến nhân quả, biết đến đạo Phật, hiểu được giáo lý của Phật dạy thì chúng ta sẽ không dám làm ác, cũng như cả bản thân của tôi, từ khi biết đến đạo Phật, tôi không dám nói những điều ác, không dám làm điều ác, không dám nghĩ tới những điều ác.
Trước khi tôi chưa biết đến đạo Phật, tôi sẵn sàng buông ra những lời nói rất là thô bỉ, những lời nói mà làm đau lòng người, không sợ mọi người buồn phiền nhưng từ khi tôi biết đến đạo Phật, áp dụng lời Phật dạy trong đời sống thì trong mỗi lời nói, hành động, cử chỉ, ý nghĩ của tôi, tôi đều sợ mọi người buồn phiền và tôi có tuệ giác hơn. Không dám sát sanh hại vật, làm đau khổ cho người. Đức Phật cũng có dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Vậy qua cách nhìn của người biết tu dưỡng thì mọi người điều là Phật và Bồ Tát. Bởi ta không có gì phải ganh tỵ, hơn thua hay đố kỵ với họ. Thế cho nên, cuộc sống của tôi bây giờ thật mỹ mãn, nhờ có ánh sáng trí tuệ của Đức Phật đã len lỏi, thấm nhuần trong tôi, cũng vì thế tôi đã bước theo con đường giác ngộ, giải thoát của Đức Phật để hiện tại tôi có thể đem lại niềm an lạc, niềm hạnh phúc đến cho chính mình và truyền đạt, chia sẻ lại cho mọi người xung quanh.
Vì vậy, Đạo Phật đối với tôi là một chất liệu, là một vị thuốc hay không thể thiếu trong trái tim tôi.
*Bài dự thi được gửi từ Phật tử Bùi Trung Nghĩa; địa chỉ 32/8 Hồ Thị Kỷ , Phường 1, Quận 10,Tp HCM
Thiên Hạnh