Đạo Phật – suối nguồn chữa lành trong trái tim tôi

Nếu có ai hỏi rằng trong cuộc đời tôi có bao giờ cảm thấy sợ hãi, thất vọng, mất niềm tin vào cuộc sống bao giờ chưa? Tôi xin trả lời rằng, tôi đã từng trải qua những phút giây như vậy. Có bao giờ nỗi sợ hãi bám lấy bạn từng ngày, từng giờ ở mọi lúc, mọi nơi hay chưa?

Tôi tin chắc rằng ai trong chúng ta đều đã trải qua cảm giác ấy, những lúc như vậy ta không biết nên dựa vào đâu để vượt qua nỗi sợ mông lung của chính mình, phía trước là vực sâu thăm thẳm, sau mình lại là bể lớn mênh mông.

Dường như cái cảm giác lạc lõng, chơi vơi khiến con người ta trở nên mềm yếu, nhu nhược, thu mình lại với tất cả những gì xung quanh. Nhưng đối với tôi khi cuộc đời mình đã trải qua những “nốt trầm” trong bản tình ca đời thường, tôi luôn nhắn nhủ mình tất cả những những gì tôi có được ngày hôm nay, tôi muốn được vào ngày sau và những gì tôi đã trải qua đều là vô thường, tạm bợ, rồi một ngày nào đó đều sẽ trở về với cát bụi phù du. Con người ta thường nói rằng cuối đường hầm tăm tối sẽ là ánh sáng bình an. Khi con người ta đã đến tận cùng của đáy vực thì điều cần làm duy nhất kể từ lúc ấy chính là đi lên.

Yêu đạo Phật từ niềm tin nhân quả

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ánh sáng cuối con đường ấy chính là ánh sáng từ bi, ánh sáng pháp Phật chan hòa soi rõ cho chúng ta bước lên con đường chánh đạo tiến về phía trước. Chính trong những giây phút ấy, giáo pháp của Như Lai soi thấu vào trong tâm trí kẻ sai đường, chỉ ra con đường giải thoát cho tôi bước chân lên mà chinh phục cuộc hành trình chấm dứt khổ đau. Tự tin đối diện với sợ hãi của chính mình mà không hề trốn tránh, tìm ra nguồn cội gây nên nỗi khổ mà hóa giải chúng bằng tâm hồn trong sáng, chân phương. Con người từ khi sinh ra đã bắt đầu chuỗi ngày đau khổ, luẩn quẩn trong vòng danh lợi hư vinh, trải qua sinh, lão, bệnh, tử trong đời ngũ trược.

Chính bản thân tôi trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường, tôi là một người luôn luôn “cầu toàn” về mặt điểm số. Bởi có lẽ, tôi sợ ánh nhìn chê cười từ các bạn đồng trang lứa, sợ niềm thất vọng của đấng phụ huynh, sợ đánh mất đi niềm tin yêu của một người con ngoan trò giỏi trong mắt mọi người. Mỗi lần đến kì thi đều ra sức chinh phục con điểm cao nhất ở mỗi bài làm để chứng tỏ, thể hiện khả năng của mình. Lúc đạt được điểm số mong muốn thì vui mừng tột độ nhưng khi không được thuận như ý mình thì trở nên sân hận, lo buồn. Những cảm xúc tiêu cực cứ bám lấy bản thân, cho rằng mình không cố gắng, thiếu may mắn, tự tin… đổ lỗi cho mọi vấn đề mà mình có thể nghĩ ra được. Ngày qua ngày không biết đã bao nhiêu lần tôi đánh mất đi chính con người của mình, trở thành một con người chạy theo điểm số, cảm xúc chi phối hành động. Đã để lỡ mất biết bao nhiêu cơ hội gần gũi với người thân, bạn bè, làm những việc giản đơn bình dị có ích cho đời như trước kia mình hằng mong muốn. Đến sau cùng, nhìn lại bản thân mình, ta được gì trong sự chạy đua tìm kiếm danh vọng hão huyền để chứng tỏ bản thân nhận được sự tung hô, tán dương từ người khác. “Rõ ràng hại bất cập lợi, suy cho cùng thứ ta có được hoàn toàn vô nghĩa mà thứ ta đánh mất lại chính là ý nghĩa cuộc đời ta”. Con người ta thường có xu hướng đánh mất đi rồi mới luyến tiếc quá khứ, chứ khi có được mấy ai trân trọng giữ gìn.

Trong cuộc sống nhân sinh cái vòng xoáy tiền tài, danh lợi, địa vị hào nhoáng đã hoàn toàn lôi kéo con người vào đời sống thực dụng mấy ai giữ được tâm hồn trong sáng như thuở ban đầu. Nhưng đó không phải là hoàn toàn, vẫn còn có những tấm gương trong sáng giữa màn sương mờ như những hạt ngọc châu vùi lấp giữa cát bụi mà vẫn mãi tỏa sáng giữa đời thường. Những người thực hiện hạnh lành, y theo lời dạy của chư Phật, giữ tâm trong sạch, làm những việc lành, tránh làm điều ác dù ở đâu tu tập, thực hành đi chăng nữa đều xứng đáng như những hạt châu tỏa sáng giữa cát bụi của cõi hồng trần này vậy!

Bạn có từng nghĩ, vì sao trên thế giới hiện đại ngày nay số lượng trẻ vị thành niên tìm cách kết liễu cuộc đời mình lại ngày càng tăng cao? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn kết thúc sinh mạng của mình khi ở độ tuổi còn rất trẻ. Có người vì tình yêu đôi lứa, có người vì thù hận cá nhân, có người vì đổ vỡ gia đình, cũng có người vì tiền tài, áp lực công việc ràng buộc… Tất cả những nỗi khổ ấy, không ai giống ai và cũng không ai có thể cảm nhận hay thay ai chịu được. Muốn mà không được, tìm mà không thấy đã là khổ huống chi còn nhiều nguyên nhân tác động do chính bởi sự thiếu tình thương từ gia đình, quan tâm từ bạn bè, ánh nhìn phiến diện từ xã hội… Những lúc ấy tôi ước gì họ biết được bài pháp Tứ Diệu Đế thì con đường khổ đau tăm tối của họ sẽ đoạn lìa, chấm dứt khổ đau thay vào đó bằng ánh sáng chan hoà từ bi, trí tuệ.

Đức Thích Ca nói pháp Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như là bài pháp đầu tiên, ba ngôi tam bảo Phật-Pháp-Tăng được hình thành, đánh dấu mốc son vàng bắt đầu chuyển pháp luân của Người đến nhân loại. Người đã chỉ ra hiện thực của cái khổ diễn ra trong đời sống của mỗi người chúng ta như thế nào bằng Khổ Đế. Khi thấy được thực trạng của khổ đau trong cõi Ta Bà phải chịu đựng từ khi sinh ra, Người cũng đã chỉ cho chúng ta nguyên nhân cái khổ xuất phát từ đâu qua Tập Đế. Biết được hiện trạng và nguyên nhân khổ đau ví như người bệnh biết được căn nguyên nguồn cội của chính căn bệnh mình. Không chỉ dừng lại ở đó, Người còn chỉ cho ta kết quả khi chấm dứt sự khổ đau bằng con đường Diệt Đế, đây chính là cảnh giới thân tâm thảy đều an lạc khi chấm dứt khổ đau. Muốn đạt được đến viễn cảnh thân tâm an lạc như thế, Đức Phật cũng đã chỉ rõ ra cho ta “liều thuốc” cho căn bệnh khổ đau trần tục bằng con đường giải thoát Đạo Đế.

Như vậy có thể nói, trước khi biết đến bài pháp Tứ Diệu Đế của nhà Phật chỉ ra con đường giải thoát mọi khổ đau, quả thật tôi là người chìm đắm vào trong khổ đau mà hoàn toàn không nhận thức được. Cứ mãi miết đeo đuổi danh lợi, hư vinh vô thường tạm bợ mà đánh mất đi những điều giản đơn hạnh phúc nhỏ bé xung quanh bản thân mình. Hữu duyên từ tiền kiếp trước đến nay giống Bồ Đề đã ươm mầm cho tôi thấy được chánh pháp Như Lai mà thọ trì, đọc tụng. Làm được kiếp người là muôn điều khó, ví như con rùa vớt được gốc cây trôi giữa dòng sông, hữu duyên sinh làm kiếp người thì phải sống sao cho trọn cuộc đời nhân sinh. Từ khi bước vào cánh cổng nhà Phật, sống trong lời dạy của Như Lai tâm hồn tôi luôn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái giữa những biến động của cuộc đời thường biến đổi.

Phật đã từng dạy rằng, thân thể ta hình thành từ tứ đại lúc đến thế giới này như thế nào thì khi ra đi cũng như thế ấy. Không thể mang theo bất cứ những gì ta tích lũy, yêu thương chỉ có “nghiệp” là theo ta mãi mãi. Biết được viễn cảnh ấy, thì trong giờ phút hiện tại này không chỉ chính tôi mà cùng các bạn hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương, nhân từ trong mỗi việc làm với gia đình, người thân, bạn bè. Nêu cao tinh thần “bi-trí-dũng” trong mỗi hành động dù là nhỏ nhất nếu có lợi cho mình mà gây hại đến người dù chỉ có một việc nhỏ cũng sẽ không làm. Đem hành động của mình biến thành lợi ích cộng đồng dù việc nhỏ cách mấy cũng sẽ làm mà không hề ngần ngại.

Phật luôn ở trong tim mỗi người

Tôi thường nghe rằng, “Pháp Phật thâm sâu rất nhiệm màu” trong một kiếp người khó lòng mà bắt gặp. Thật hữu duyên trong đời này hạt giống Bồ Đề đã được gieo từ muôn kiếp trước nay đã nảy mầm trong những buổi bình minh. Với xác thân tứ đại trần tục là một người đệ tử của chư Phật, quy y Tam Bảo, trong đời sống tôi thường luôn tâm niệm rằng: “Tránh làm những điều ác, siêng làm những việc lành, giữa tâm trí trong sạch” trong mọi hành động, lời nói, việc làm của chính mình.

Đạo Phật là con đường giải thoát khổ đau, ánh sáng từ bi chiếu soi hết mọi góc khuất đời người mà không hề phân biệt. Đạo Phật không đến với những người có gia tài tiền muôn bạc vạn mà quên đi những người nghèo khó, cơ hàn. Đạo Phật không đến với những người quyền cao chức trọng mà quên đi những người tâm sáng bình dân. Suy đến cùng, đạo Phật được xây dựng dựa trên nguyên tắc bình đẳng độ sanh, không hề phân biệt chúng sinh thượng hạ. Ánh sáng từ bi đến với người đệ tử như mưa ruộng cày, như lúa trổ bông, từ muôn thuở đến nay hội đủ duyên lành mới có thể lắng nghe được Chánh pháp. Không cần cầu giải thoát nơi đâu xa cả chỉ cần thân tâm an lạc trong quá trình tu tập biết tự sửa mình đi từ chỗ tối ra nơi sáng đã là tự giải thoát cho chính ta giữa cõi hồng trần này vậy.

居塵樂道且隨緣,

饑則飧兮困則眠。

家中有宝休尋覓,

對鏡無心莫問禪。

-陈人宗-

Phiên âm:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch nghĩa:

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, 

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

-Trần Nhân Tông-

*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Phạm Minh Phi; địa chỉ: xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm Minh Phi