Đạo Phật là đạo của tâm cao rộng

Phật dạy chúng ta nên cố gắng giúp nhau, và phải biết giúp nhau bằng cách đưa nhau đến mục đích giải thoát khổ đau, là mục đích cao rộng và chơn thật hơn cả. Đạt được sự an lạc, giải thoát tối thượng thì tất cả nguyện vọng về hạnh phúc của ta đều gồm đủ trong đó.

Đạo Phật là đạo của tâm cao rộng. Mỗi một câu một lời của Phật pháp toàn dạy chúng ta mở rộng tấm lòng bao dung trùm khắp hết thảy muôn loài. Bởi vậy, những Phật tử tín hiểu Phật pháp đúng đắn, bao giờ cũng phải mở rộng phần nhãn quan, nhìn khắp muôn loài chúng sinh với mình đều cùng chung một bản thể, cùng chung một sự sống, không những tương quan với nhau về mặt đau khổ mà còn tương quan với nhau về mặt an lạc. Không những kiếp này, mà bao nhiêu kiếp từ trước tới nay, ta với chúng sinh lắm khi là ác nghịch, nhưng cũng lắm khi là thân thích, ân nhân lẫn nhau, cho nên thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, cứu độ nhau là một việc dĩ nhiên không phải ngoài phận sự.

Nhưng giúp nhau để đưa nhau đi đến mục đích nào? Nếu giúp nhau mà không phải cốt để đưa nhau đến mục đích cao rộng và chân thật thì việc giúp nhau ấy, chỉ rập khuôn theo theo một quan niệm hẹp hòi, giả dối, tuy nói là giúp nhau mà kỳ thực lại làm trở ngại, bó buộc nhau trong vòng tội lỗi thống khổ. Phật dạy chúng ta nên cố gắng giúp nhau, và phải biết giúp nhau bằng cách đưa nhau đến mục đích giải thoát khổ đau, là mục đích cao rộng và chơn thật hơn cả. Đạt được sự an lạc, giải thoát tối thượng thì tất cả nguyện vọng về hạnh phúc của ta đều gồm đủ trong đó.

Đạo Phật là đạo giác ngộ

451325792_896914935809110_5354321765753796414_n

Phật pháp đã nêu lên mục đích cao rộng như thế. Muốn thực hiện mục đích ấy phải có chí nguyện cao rộng tức là chí nguyện Bồ-đề hay là tâm Bồ-đề.

Tâm Bồ-đề gọi tắt là tâm giác ngộ, nói rộng là tâm sáng suốt biết xả bỏ cái ngã và ngã sở của mình để trên thì mong cầu Phật đạo, dưới thì cứu giúp mọi loài. Nếu chỉ vì Phật đạo mà không vì chúng sinh thì trở thành ích kỷ, không thể nào giải thoát hoàn toàn; trái lại chỉ vì chúng sinh mà bỏ quên Phật đạo thì lại dắt nhau quanh quẩn trong vòng sống chết của vô minh. Cho nên tâm Bồ-đề này là một thứ tâm gồm đủ cả hai nghĩa: vì Phật đạo và vì chúng sinh.

Xem thế, phát tâm Bồ-đề là một việc rất quan hệ đối với hàng Phật tử. Đành rằng Phật pháp rất thích hợp với trình độ chúng sinh. Phật đã khai năm thừa để giáo hóa. Các thừa đầu tuy chỉ dạy những pháp phổ thông theo căn cơ chúng sinh ưa muốn, song rốt cuộc Phật vẫn đưa chúng sinh đến kết quả giải thoát hoàn toàn, khuyên chúng sinh phải cố gắng phát tâm Bồ-đề. Chính chúng ta ở vào thời này, một thời kỳ mà tỉ số đau khổ ngày càng cao, thế lực Phật pháp bị suy giảm dần, thì sự phát tâm này lại càng cần thiết hơn nữa.

Tuy cần thiết nhưng không phải tuyệt đối khó khăn, vì tâm này ai ai cũng có sẵn. Nếu người nào biết tự giác và suy nghĩ rằng: Ta hãy làm thế nào cho Chánh pháp được truyền bá lâu dài khắp thế gian, làm thế nào cho mình được hoàn toàn giác ngộ, và làm sao cho mọi người cùng giác ngộ như mình. Như thế là đã phát tâm Bồ-đề rồi vậy.

Nhân sinh trần thế này, ai ai cũng suy nghĩ phát tâm như thế, thì bao nhiêu cảnh tượng thống khổ, mê lầm trong kiếp sống chúng sinh, cũng được tiêu tan theo những ý lành hạnh tốt của sự phát khởi tâm Bồ-đề này.

PL. 2515-1952.

HT. Thích Thiện Siêu