Đạo ở ngay chỗ dừng lại mọi tìm cầu
Thầy từng nói Đạo Phật vốn không có giáo lý, và có rất nhiều vị đã phản đối điều này. Vì Tam Tạng Kinh Điển của Phật giáo vô số mà nói “không có giáo lý” sao được!
Nhưng nếu chúng ta để ý thì Đức Phật luôn chỉ khai thị dựa trên sự kiện thật ngay lúc đó thôi, chứ không bao giờ dựa trên một quan niệm hay hệ thống lý thuyết nào.
Như trường hợp Đức Phật khai thị cho tôn giả Angulimāla, ông ấy tu luyện bằng cách giết người, tại sao ông ta giết người Ngài biết rất rõ, và tâm trạng của ông ấy khi giết người như thế nào Ngài cũng biết rõ, nên Đức Phật mới không đến gặp ông Angulimāla khi ông ta bắt đầu giết người để ngăn chặn ngay từ đầu, mà đợi cho đến khi ông ấy đã giết 99 người rồi mới đến chỉ để nói lên một sự thật!
Khi gặp Angulimāla Đức Phật chỉ nói một sự thật đơn giản “Như Lai đã dừng lại rồi, còn ngươi chưa dừng lại!”. Sự thật ngay lúc ấy chỉ nằm trong hai chữ “dừng lại” đó thôi, nhưng sau này rất nhiều người đã đọc lại bài kinh ấy tại sao vẫn không thể giác ngộ? Đức Phật ngài nói “dừng lại”, nhưng dừng lại ở đâu? dừng lại điều gì?
Nhiều người cho rằng ý Đức Phật nói “dừng lại việc giết người”, một số vị khác lại cho rằng “dừng lại sự tìm kiếm lý tưởng vốn chỉ là ảo tưởng”, giải thích theo cách này hay cách kia đều nghe rất hợp lý nhưng vẫn không ngộ được.
Vậy ông Angulimāla khi ấy giác ngộ điều gì?
Thật ra trong khoảnh khắc ấy tôn giả Angulimāla giác ngộ ngay sự “dừng lại” đó, nghe thật khó hiểu đúng không? Thầy nhắc lại:
Ông Angulimāla chính là giác ngộ ngay sự “dừng lại” ấy!
Như Thầy có bài kệ:
“Trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu
Sáng suốt hồn nhiên khỏi vọng cầu
Buông hết một phen đừng luyến tiếc
Con ơi ngay đó thấy Đạo mầu!”
Đạo mầu chính là khi “dừng lại” mà Đức Phật chỉ cho ông Angulimāla. Khi ông ta đang rất đau khổ, đau khổ vì phải nỗ lực chạy theo lý tưởng, đau khổ vì phải giết người…
Để giết một người đâu có dễ, phải tìm mọi cách để họ chết đi để cắt lấy ngón tay, nhưng đâm một nhát họ đâu có chết ngay, đâm thêm nhát nữa thì họ quằn quại, rồi máu chảy ra, biết bao nhiêu là đau thương. Rồi lại chứng kiến sự khóc than của những người thân, tất cả những điều đó làm ông Angulimāla vô cùng đau khổ.
Tuy ông ta giết người vì lý tưởng, nhưng lúc còn chưa giết ai thì lý tưởng là 100%, sau khi giết người đầu tiên thì lý tưởng chỉ còn 99%, bởi sau khi trải nghiệm đau khổ trong lần giết người đầu tiên, sự tìm cầu lý tưởng nơi ông Angulimāla đã “chùn” lai một bước rồi. Khi giết người thứ hai, lý tưởng còn 98%, cứ vậy cho đến khi giết đến người thứ 99 thì mức độ mong cầu lý tưởng chỉ còn lại 1%, còn lại 99% toàn là khổ đau và ân hận. Và đúng ngay lúc đó Đức Phật nói ông ta “dừng lại”.
Chỉ cần được “dừng lại”, không phải giết người nữa Angulimāla cũng đã thấy quá “khỏe” rồi. Trời ơi! mình đang cứ phải giết người, giờ mình dừng lại được. Biết đâu dừng lại sự giết người cũng có nghĩa là dừng lại luôn cả lý tưởng mà ông ấy muốn đạt được.
“Dừng lại” chính là tinh tấn-chánh niệm-tỉnh giác. Toàn bộ các bài kinh của Đức Phật đều hàm ý hai chữ “dừng lại” này. Vì ngay chỗ chúng ta dừng lại, tất cả chân lý, sự thật, Đạo hay Niết-bàn đều nằm ở đó.
Khi chúng ta dừng lại mọi tìm cầu, toàn bộ sự thật, chân lý nằm ngay đó
Tinh tấn-chánh niệm-tỉnh giác là gì? chính là “dừng lại hoàn toàn”. Nên nếu ai tinh tấn-chính niệm-tỉnh giác đúng cách thì liền giác ngộ ngay lập tức, chứ không phải đợi 7 năm – 7 tháng – 7 ngày đâu.
Như trường hợp tôn giả Angulimāla, hay đặc biệt như ông Bahiya Đức Phật chỉ dạy “trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe” – tức là dừng lại trọn vẹn trong khi thấy, dừng lại trọn vẹn trong khi nghe. Ngay đó Bahiya liền giác ngộ đạo quả A-la-hán.
Vậy mới có câu “hồi đầu là bến”, câu này không hàm ý hồi đầu thì sẽ thấy bến, mà chính sự “hồi đầu” đã là “bến”. Cũng vậy thái độ “trực chỉ”, “buông ra”, “trở về”, “dừng lại” tự nó chính là bờ, là cứu cánh rồi…
Thầy Viên Minh