Đại tử nhất phiên (Phần 3)
Làm người ai cũng ham sống sợ chết, đối trị môn này lại dạy cách tập chết, mới nghe như nghịch lý với tâm thế gian. Có hành trì và thực chứng hành giả mới thông suốt tập chết để rồi tái sanh, cà chuyển nghiệp giải thoát, đổi cách sống của mình.
Vô Ngã
Từ Vô Thường dẫn đến lý Vô Ngã (Nhân Vô Ngã và Pháp Vô Ngã). Vô Thường và Vô Ngã liên hệ mật thiết với nhau: Vô thường là chuyển hóa theo thời gian như bông hoa sớm nở tối tàn; Vô Ngã là chuyển hóa theo không gian như bông hoa gồm có cánh, đài, nhị, cuống… Khi những thành tố này hội tụ lại thì CÓ hình tướng bông hoa, khi những thành tố này tách rời ra thì KHÔNG CÓ bông hoa, hình tướng bông hoa không còn nữa.
Nhân Vô Ngã: Con Người thực ra không có cái gọi là ngã, là ta. Danh xưng này chỉ là giả tướng. Phân tách theo Phật học, con Người gồm có hai phần Thân và Tâm. Thân gồm có bốn thành tố là Đất, Nước, Gió và Lửa gọi là Tứ đại. Cả Tứ đại đều là Không, do đó Thân là không. Tâm gồm có năm thành tố là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức gọi là Ngũ uẩn. Cả Ngũ uẩn cũng đều là Không, do đó Tâm cũng là không. Cả hai phần Thân và Tâm đều là Không, vậy cái gọi là Ngã hay Ta là không. Đó là Nhân Vô Ngã. Bao nhiêu cái không cộng lại vẫn là không.
Pháp Vô Ngã: Giáo lý đạo Phật dạy Vạn pháp Giai Không, diễn nôm Vạn pháp, hiểu như Tất cả các pháp đều không. Cái gọi là có chỉ là giả tướng do giác quan cảm nhận thấy, không phải là bản thể của các pháp, danh xưng trong Phật học gọi là pháp tánh, nói đầy đủ là pháp tánh Chân Như hay Tự tánh Thanh Tịnh và nhiều danh xưng khác nữa tùy theo trường hợp ứng dụng như Phật tánh, pháp thân, Như Lai tạng, viên thành thật tánh…
Nhiều trường hợp dẫn chứng như sau:
Võ Tắc Thiên đời nhà Đường (618–906) bên Trung Hoa lúc đã suy khi phát tâm tu Phật dâng nước tắm cho chư tăng quán thấy lý Vô Ngã: Ta chỉ thật là Ta khi ta tắm. Diễn ý tương tự, ca dao Việt Nam có câu:
Hơn nhau cái áo cái quần,
Cởi ra mình trần ai cũng như ai.
Áo quần nói đầy đủ là pháp tướng, cái bề ngoài che phủ cái Ta là bản thể chân thật ở con Người, Phật học gọi là pháp tánh. Tưởng và Tánh là HAI nhưng ở chung cùng MỘT con Người. Đó là lý bất nhị một là hai, hai là một, cũng gọi là Chân Như, Lý Sự viên dung (Lý thuộc pháp tính, pháp thủ, Sự thuộc pháp tướng, pháp dụng). Người có tuệ giác quán thấy rõ ràng Sự Thật Như Vậy. Chỉ bám vào pháp tướng tức căn cứ vào áo quần mặc che thân là kẻ vô minh chấp tướng, đây là trường hợp nhận thức bằng Vọng Tâm, Tâm Phân Biệt. Áo quần nói đây là tiền tài, địa vị xã hội, quyền thế nói chung là pháp tướng. Căn cứ vào áo quần mà đánh giá con Người thì có hơn có kém, có giàu sang có nghèo hèn. Nếu cởi hết ra Phật học gọi là Ly Tướng thì con Người bình đẳng ai cũng mình trần như ai, đây là trường hợp nhận thức bằng Chân Tâm, Giác Tâm, Tâm Vô Phân Biệt.
Trường hợp dẫn chứng ai cũng thực chứng được dễ dàng lý Vô Thường và Lý Vô Ngã: Thức ăn dùng để nuôi sống con Người hay động vật khác. Tên gọi Thức ăn đã hàm ý được Người hay động vật nào khác ăn. Người là Chủ thể, là NĂNG, thức ăn là Đối thể, là SỞ. Khi nhận thức được hai thứ NĂNG và SỞ khác nhau, đó là Tâm Phân Biệt suy luận theo lý Nhị Nguyên thuộc Vọng Tâm. Khi nhận thức không có NĂNG và không có SỞ, Hai thứ chỉ là Một, đó là Tâm Vô Phân Biệt nhận thức trực tiếp theo lý Nhất Nguyên thuộc Chân Tâm, Vạn pháp đồng nhất thể. Dẫn chứng cụ thể: Trước khi ăn, Người đóng vai chủ động và Thức ăn đóng vai ngoại vật ở ngoài con người, Người và Thức ăn là hai vật thể khác nhau. Sau khi ăn, Thức ăn đã nhập vào con Người theo đường tiêu hóa, từ miệng xuống dạ dày, ruột non, ruột già: trong thời gian này Người và Thức ăn là một thể duy nhất: Thức ăn trở nên một thành tố cấu tạo nên hình thể thân xác con Người giống như thịt xương, máu mủ…Khi đã tiêu hóa, Thức ăn bị đào thải ra ngoài, bài tiết thành phân và nước tiểu, khi đó Một thể là cái TA trở lại thành Hai gồm có cái ta và cái không phải ta ở ngoài ta. lý hai mà Một. Một mà hai là như vậy.
Đối Trị
Một cách đại cương các pháp môn chia làm hai loại chính nhằm mục đích giữ gìn nuôi dưỡng điều Thiện và diệt trừ điều Ác. Loại gìn giữ nuôi dưỡng điều Thiện gọi là Bảo trì môn hay Bảo môn, loại diệt trừ điều Ác gọi là Đối trị môn hay Đối môn. Tâm con Người coi như mảnh vườn, Phật học gọi là Vườn Tâm, người hành trì Đạo pháp là người trồng cây cần hai thứ: Phân bón và Thuốc trừ sâu. Phân bón coi như Bảo trì môn: Thuốc trừ sâu coi như Đối trị môn. Đại tử là đối trị môn rất mạnh có hiệu năng loại trừ tận diệt những ác căn trong Tâm con Người một cách trọn vẹn và tức khắc.
Vì lý do vừa kể, chỉ hành giả thuộc bậc thượng căn mới ứng dụng được đối trị môn này và đem lại kết quả như ý. Hành giả thuộc hạng hạ căn hay trung căn chưa đủ đạo lực để thực chứng đạt được điều sở cầu, nhất là thành phần yếu kém về định lực và tuệ lực. Thuốc trừ sâu rất mạnh, nếu không dùng cho đúng cách sẽ làm cho chết cây thay vì giúp ích cho cây tươi tốt. Do đó người khéo tu ứng dụng pháp môn đại tử cần sự hướng dẫn của bậc Sư tăng hay thiện tri thức để tránh sự lầm đường lạc lối rơi vào tà đạo ma giáo, coi đời sống thực tế là ảo tưởng không có Chân lý để noi theo, con Người không có chân tâm thanh tịnh. Làm người ai cũng ham sống sợ chết, đối trị môn này lại dạy cách tập chết, mới nghe như nghịch lý với tâm thế gian. Có hành trì và thực chứng hành giả mới thông suốt tập chết để rồi tái sanh, cà chuyển nghiệp giải thoát, đổi cách sống của mình.
(còn tiếp)
Bảo Thông