Đại tử nhất phiên (Phần 1)

Pháp môn Đại tử dạy hành giả tập trừ bỏ nết xấu để sống với chân tâm bẩm sanh vốn lành của mình. Sự trừ bỏ nết xấu coi như khai tử một phần tâm thức con người một cách dũng mãnh để có một cuộc sống an vui khác trước.

 

Ở Tây Tạng giới Phật tử có một pháp môn tu tập Thiền Quán nhằm đạt tới sự thông suốt thực chứng lý Sinh Tử Luân Hồi, tiếng nôm gọi là tập chết. Danh xưng này không diễn được hết nghĩa của bốn chữ Hán Đại tử nhất phiên.

Liễu nghĩa của pháp môn này như sau:

ĐẠI có nhiều nghĩa: To lớn, rộng lớn như đại dương; Đáng tôn kính như đại sư; Hoàn toàn rốt ráo như đại từ, đại bi. Ở đây Đại tử có nghĩa là chết hẳn, chết hoàn toàn không thể nào hồi sinh lại được.

TỬ có hai nghĩa: Thứ nhất là Chết về phần thể xác, không còn hơi thở nữa như tử vong, tử thi, tử thương… Thứ hai là chấm dứt, hết hẳn như lưu danh bất tử (để tiếng lại mãi mãi về sau, không khi nào dứt hẳn). Ở đây, Tử có nghĩa như Diệt, Sanh tử cùng nghĩa như Sanh diệt. Đại tử có nghĩa như Tận diệt.

Sinh tử là việc lớn, đường luân hồi hiểm trở

1

Nhất phiên là một phen, một lần. Ở đây nên hiểu đầy đủ trọn vẹn hơn: Khi nói một lần là có hàm ý lần thứ nhất, sau đó còn có nhiều lần khác kế tiếp, bước đi thứ nhất trên con đường dài, sau đó còn có nhiều bước nữa kế tiếp.

Đại tử nhất phiên có thể diễn nôm thành câu: Hãy thử chết hẳn một lần, tập chết đi thì mới thực chứng được lý Sinh Tử Luân Hồi khi làm người thọ nghiệp ở thế gian.

Nhất phiên còn có nghĩa là một lần, chỉ một lần là đủ để hoàn tất trọn vẹn được điều sở nguyện như nhất tâm (một lòng một dạ), nhất thiết (một mà bao gồm tất cả)…

Đại tử nhất phiên còn hàm ý: chỉ một khi chết hẳn trọn vẹn thì mới thực chứng được viên mãn lý Sinh Tử Luân Hồi, sự Tái Sanh ở thế gian theo hướng thẳng tiến đến Niết bàn.

Đối tượng và mục tiêu pháp môn Đại tử

Để sáng tỏ pháp môn Đại tử người khéo tu cần trả lời minh bạch những câu hỏi: Hành trì pháp môn này là khai tử cái gì, tận diệt cái gì trong tự ngã? Sau khi thực hiện vẹn toàn người tự nguyện hành trì pháp môn này còn lại cái gì ? Con Người mình sẽ ra sao ? Làm như vậy có đem lại lợi ích gì cho mình và cho mọi người trong cuộc sống nhân sinh ?

Trong khi thọ nghiệp thế gian, con Người có hai phần: Thân thể và Tâm linh. Dĩ nhiên ở đây không có vấn đề tận diệt con Người. Phần Tâm linh gồm có hai thành tố Vọng Tâm và Chân Tâm, còn gọi là Vọng ngã và Chân ngã. Hai thành tố này ai cũng có đủ cả hai, chỉ khác nhau ở tỷ lệ nhiều ít, người nhiều kẻ ít thứ này hay thứ kia. Cả hai thành tố này đều lưu trữ trong Tàng thức con Người tức thức thứ Tám hay A-lại-da thức. Đây chính là Nghiệp căn của con người bao gồm cả nghiệp lành lẫn Nghiệp dữ. Nghiệp lành thuộc Chân Tâm, Chân Ngã; Nghiệp dữ thuộc Vọng Tâm, Vọng Ngã. Đến đây câu trả lời thấy rõ ràng: Khai tử Vọng Tâm, tận diệt hết Nghiệp dữ.

Câu trả lời vừa kể đem đến những hệ luận: Khai tử Vọng Tâm để chỉ còn lại Chân Tâm, tận diệt hết Nghiệp dữ để chỉ còn lại Nghiệp lành. Khi đó tâm thức hành giả sẽ trở nên Thanh Tịnh, không còn ô nhiễm bởi vọng tình, vọng thức, tham sân si, khổ não… Như vậy cuộc sống con Người từ cá nhân đến tập thể xã hội đều được an vui hạnh phúc.

Tóm lại, pháp môn Đại tử dạy hành giả tập trừ bỏ nết xấu để sống với chân tâm bẩm sanh vốn lành của mình. Sự trừ bỏ nết xấu coi như khai tử một phần tâm thức con người một cách dũng mãnh để có một cuộc sống an vui khác trước. Cuộc sống thứ hai an vui khác cuộc sống trước đầy ưu phiền khổ não đã dẫn giải sự Luân Hồi Tái Sanh trong đạo Phật.

(còn tiếp). 

Bảo Thông