Đại sư Yoshimizu Daichi và những dấu chân của đạo tình

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1219 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đại sư Yoshimizu Daichi – Kiết Thủy Đại Trí (1941-2023) là một nhà sư Nhật Bản đã gắn bó lâu dài với Phật giáo Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua.

 

Ngài đến Việt Nam lần đầu vào năm 1964, lúc mới 23 tuổi, và rời Việt Nam lần cuối vào ngày 2 tháng 3 năm 2023, khi 82 tuổi. Ngài là một bậc tu hành hiền đức có lối sống dung dị, gần gũi. Dầu không nói được tiếng Việt, nhưng ngài có thể hiểu được tâm linh của người Việt một cách tinh tế, sâu lắng. Tình cảm ngài dành cho Phật giáo Việt Nam rất đặc biệt, kéo dài từ thời đất nước phân đôi cho đến hòa bình, thống nhất ngày nay. Cuộc đời của ngài cũng là một câu chuyện lịch sử âm thầm, thể hiện tình Linh sơn pháp lữ vượt ngoài biên giới quốc gia, chủng tộc.

*

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, tuổi thơ của ngài bị bao phủ bởi bom đạn, chết chóc. Theo lời Hòa thượng kể, Nhật Bản thời ấy là một đất nước điêu tàn, đổ nát, dân chúng đói khổ lầm than. Ngài vẫn nhớ mãi hình ảnh mẹ của ngài phải nhịn đói để nhường cơm cho con cái, trong đó có ngài.

Đến năm lên bảy, Hòa thượng xuất gia tu học theo truyền thống Tịnh Độ tông. Đến tuổi đôi mươi, ngài lần đầu gặp gỡ và tiếp xúc với cố Hòa thượng Thích Tâm Giác, khi ấy là du học Tăng Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên đang tu học tại chùa Tăng Thượng, một ngôi phạm vũ nổi tiếng ở Tokyo. Không bao lâu sau đó, ngài cũng vào học ở ngôi danh lam này. Kể từ đây, ngài tìm hiểu và kết duyên với chư tôn đức Tăng-già Phật giáo Việt Nam.

Ở thời điểm đó, khoảng thập niên 1960, đời sống kinh tế Nhật Bản khó khăn. Tuy nhiên với nghị lực và ý chí phi thường của chư vị tôn túc – du học Tăng người Việt như cố Hòa thượng Thích Tâm Giác, cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Hòa thượng Thích Trí Quảng… đã làm cho ngài ngày càng ngưỡng mộ và quan tâm đến hiện tình của Phật giáo Việt Nam, nhất là sau biến cố Pháp nạn 1963.

Năm 23 tuổi, ngài lần đầu tiên được cố Hòa thượng Thích Tâm Giác mời về Việt Nam để thăm viếng và chứng kiến cảnh tàn phá của chiến tranh. Mỗi chuyến đi kéo dài hơn một tháng, ngài và Đại sư Yamamoto đã đi nhiều nơi tiếp xúc với hầu hết chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội thời đó như Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Tâm Châu, Hòa thượng Thích Thiên Ân…

Ngài kể rằng, có lần ngài và Hòa thượng Thích Thiên Ân đang đi làm từ thiện ở Đà Nẵng, bỗng dưng nghe thấy bom nổ đạn rơi, Hòa thượng Thích Thiên Ân đã vội vã kéo ngài chui xuống gầm giường để tránh đạn. Cứ mỗi lần gặp những cảnh tượng như thế lại khơi lại ký ức tuổi thơ ảm đạm của ngài trong thời chiến tranh ở Nhật. Chính vì vậy, ngài luôn có một sự đồng cảm thâm sâu với hoàn cảnh thăng trầm của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

Từ những nhân duyên đó, ngài đã thầm nguyện kết chặt tình pháp lữ với chư tôn đức Tăng-già Việt Nam, nhất là đối với chư vị đang tu học tại Nhật trong đó đặc biệt là mối thâm giao với Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN.

Tác giả - Thượng tọa Thích Lệ Đức đảnh lễ tưởng niệm Hòa thượng Yoshimizu Daichi tại chùa Tịnh An, Nhật Bản, ngày 11-9-2023 ảnh 1Tác giả – Thượng tọa Thích Lệ Đức đảnh lễ tưởng niệm Hòa thượng Yoshimizu Daichi tại chùa Tịnh An, Nhật Bản, ngày 11-9-2023

Ngài kể rằng, khi Đức Pháp chủ du học tại Nhật Bản, kinh tế ở xứ Mặt trời này vẫn đang rất khó khăn. Mỗi lần về chùa Tịnh An (Jo-an-ji), Đức Pháp chủ thường hay nhặt hái những loại rau dại mọc quanh chùa để làm thức ăn. Bữa ăn thường chỉ có ba món: cơm, rau luộc và nước tương. Ngài kể: “Ngày xưa đi du học là một sự khổ luyện, phải chịu đựng nhiều khó khăn lắm! Thời Ngo Sensei (tức Đức Đệ tứ Pháp chủ) du học, trị giá đồng yên rất thấp, 366 yên Nhật mới đổi được một đồng đô Mỹ”. Mỗi lần nhắc đến đức tính kham nhẫn của Đức Pháp chủ, Hòa thượng luôn dùng hai chữ e-rai (vĩ đại) để tán dương công hạnh của ngài!

Thời gian trôi qua, sau khi tốt nghiệp, Hòa thượng Thích Trí Quảng về nước dấn thân với sứ mệnh hoằng pháp. Hơn mười năm sau, khoảng thập niên 1980, Hòa thượng đã trở lại Việt Nam để tìm gặp pháp lữ năm xưa. Và đây cũng là một khúc quanh mới trong hạnh nguyện và cuộc đời của ngài. Hòa thượng đã lâm bệnh và được Đức Pháp chủ giao phó cho các đệ tử chăm sóc. Ngài đã trú ngụ lâu dài ở tổ đình Vĩnh Nghiêm và được Thượng tọa Thích Thanh Phong phụng dưỡng tận tụy, chu đáo. Tuy nhiên, với hạnh nguyện độ tha, dù tuổi già sức yếu, ngài vẫn nỗ lực tham gia các Phật sự tại Việt Nam và quốc tế. Hòa thượng đã dấn thân và thành tựu những Phật sự cuối đời.

Tại Việt Nam, ngài đã ngược xuôi Nam-Bắc thuyết pháp độ sinh. Ngài tham gia các đoàn từ thiện xã hội đi cứu tế từ vùng cao nguyên sương gió đến vùng sông nước đồng bằng. Ngài bảo trợ cho việc thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật. Dùng cơ sở tự viện của ngài, chùa Nhật Tân, để trợ giúp cho đồng bào và du học sinh Việt Nam tại Nhật qua bao lần thiên tai, dịch họa. Ngài cũng là vị thầy tâm linh, hướng dẫn tinh thần đi đến thành lập chùa Đại Ân tại Nhật…

Tuy vậy, đối với ngài, dường như Việt Nam Quốc Tự trước sau vẫn là nơi ngưng đọng, gắn kết đạo tình với nhiều kỷ niệm bi hùng. Từ buổi đầu khi gặp cố Hòa thượng Thích Tâm Giác, cố Hòa thượng Thích Tâm Châu, chư vị kỳ túc Trưởng lão, đến Đức Đệ tứ Pháp chủ, ngài luôn một lòng tha thiết, hoan hỷ cúng dường và trợ tán các Phật sự lớn lao của Việt Nam Quốc Tự.

Giữa tiếng gọi vô thường, ở tuổi bát tuần, ngài đã lặng lẽ thuận thế về cõi Phật. Nhưng nụ cười của ngài vẫn ẩn hiện đâu đây, vẫn phảng phất sự đồng cảm trong niệm tình khổ đau của kiếp nhân sinh. Vượt qua bao nỗi thăng trầm… ngài đã để lại những dấu chân của đạo tình nhất như.

Thành kính đảnh lễ:

Kiết tường vân hạ

Thủy tịnh trần tâm

Đại địa sơn hà

Trí chiếu cao thâm…