Đại đức Thích Minh Hải nói về việc phục hồi chùa di tích và vấn đề quản lý tiền công đức
PV. Những năm qua, công tác phục hồi và thành lập chùa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được các cấp, các ngành quan tâm, Đại đức đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện?
Kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) của Đảng, về công tác tôn giáo, cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo và sau này Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng Tôn giáo ngày 18/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 92; và mới đây nhất là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo – cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An đã phối hợp cùng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh quan tâm giúp đỡ tận tình, cụ thể hóa việc thành lập, phục hồi sinh hoạt các ngôi chùa theo nguyện vọng của Phật tử và nhân dân địa phương – để đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng tâm linh, văn hóa tinh thần.
PV. Xin Đại đức cho biết trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến thời điểm hiện tại đã có bao nhiêu ngôi chùa được phục hồi, thành lập/tổng số chùa đã có trong danh mục kiểm kê, có bao nhiêu chùa được xếp hạng di tích?
– Tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An có 74 cơ sở thờ tự (73 chùa và 1 niệm Phật đường) được phục hồi sinh hoạt và thành lập mới.
Bên cạnh đó, còn có khoảng gần 30 ngôi chùa do nhân dân địa phương quản lý, lễ bái.
PV. Nói như vậy thì hiện nay trên địa bàn tỉnh đang còn rất nhiều ngôi chùa chưa được phục hồi và thành lập, theo Đại đức cần có những giải pháp gì để bảo vệ, tôn tạo?
– Trước mắt thì mới chỉ có 74/211 cơ sở được phục hồi và thành lập mới, sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, còn hơn 100 cơ sở chưa được tôn tạo.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã chỉ đạo Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh phối hợp cùng Ban Trị sự, Phụ trách Phật giáo cấp huyện, cũng như các địa phương xây dựng phương án bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc của ngôi chùa đã hình thành, lên kế hoạch phục hồi. Đối với các địa phương miền núi, xin chủ trương của tỉnh để thành lập mới.
Hiện nay, Ban Trị sự đang tiến hành làm hồ sơ đề nghị phục hồi 7 chùa, đó là: chùa Trường An (TX.Hoàng Mai); Thuần Hậu, Non Nước, Truyền Thạch, Văn Sơn (H.Yên Thành); Văn Quán, Rồng (H.Nghi Lộc). Xin thành lập mới chùa tại 2 huyện miền núi là H.Tương Dương và Con Cuông.
PV. Để phục hồi, thành lập, bảo vệ và tôn tạo cần có sự phối hợp giữa Ban Văn hóa, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và các cấp, ngành như thế nào?
– Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 286/QĐ-UBND, về việc giải quyết các nhu cầu tôn giáo. Trên cơ sở đó, các địa phương và các ban ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh phối hợp, giải quyết các đề xuất theo nguyện vọng của tín đồ Phật tử và tổ chức tôn giáo (Giáo hội các cấp).
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã xây dựng lộ trình, kế hoạch phục hồi và thành lập chùa. Qua đó, thường xuyên trao đổi với các cơ quan, ban ngành và địa phương, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh bám sát các quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, tiến hành các thủ tục để phục hồi và thành lập các ngôi chùa.
Việc bảo vệ và tôn tạo xây dựng thì tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa… và văn bản hướng dẫn.
PV. Đại đức đánh giá như thế nào về Thông tư 04/2023/TT-BTC về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội?
– Phải nói rằng Thông tư 04 ban hành là rất đúng, phù hợp với bối cảnh chung, mục đích là minh bạch tài chính trong thu, chi cho lễ hội và di tích.
Trung ương Giáo hội đã có Công văn số 62/HĐTS-VP1, hướng dẫn thực hiện Thông tư 04 rất rõ ràng, chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, do nhận thức và trình độ hiểu biết của một vài địa phương, cơ sở hiểu sai vấn đề dẫn đến khi triển khai có nhiều bất cập, máy móc, gây mâu thuẫn trong việc thực hiện.
Thông tư 04 nói rất rõ là nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho các hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, một số địa phương yêu cầu báo cáo cả phần này “là sai”.
Trong Thông tư 04, chỉ yêu cầu quản lý các hoạt động lễ hội và di tích, một số địa phương chưa hiểu rõ về khái niệm và định nghĩa này, đánh đồng khái niệm, yêu cầu các chùa báo cáo tài chính thu, chi cả lễ Phật đản, lễ Vu lan, Lễ hội Quan Âm, tiền sớ sách, tiền mừng tuổi,… Do vậy đã dẫn đến bất cập, gây ra bức xúc, tạo làn sóng dư luận không hay ở các địa phương.
>>> Những nhầm lẫn nghiêm trọng về báo cáo tiền công đức theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính
Xin chân thành cảm ơn Đại đức!