Đã mang lấy nghiệp vào thân

“Đoạn trường tân thanh” của đại thi hào Nguyễn Du xuất hiện đã ngoài hai trăm năm. Dư âm tiếng than đứt ruột của Thúy Kiều kéo dài, lan rộng trong lòng người Việt từ Bắc chí Nam.

Thương xót thân phận nàng Kiều, một giai nhân tài hoa xuất chúng, vì chữ hiếu mà vận vào mình bao nỗi khổ đau nhục nhã suốt mười lăm năm trong cõi trần ai. Xưa nay, khách đa tình, người đồng điệu yêu quý Thúy Kiều, cho nên những ai đã làm cho nàng khổ đau đều bị nguyền rủa, lên án, dần dần biến thành biểu tượng xấu xa, gian ác trong xã hội như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh… đặc biệt chính danh thủ phạm Hoạn Thư!

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hoạn Thư xuất thân quyền quý, con gái yêu của quan Thượng thư Bộ Lại đương thời. Từ ấu thơ sớm được giáo dục theo truyền thống “cư Nho mộ Thích,” am tường công việc nội trợ, tề gia. Khôn lớn, nàng kết hôn với Thúc Kỳ Tâm, một thiếu gia tuy học hành chưa đỗ đạt nhưng sớm nổi tiếng trong chốn bình khang:

Thúc Sinh quen nết bốc rời,

Trăm ngàn đổ một trận cười như không!

Dịp về Lâm Truy giúp cha mở thêm cơ sở kinh doanh tơ lụa, chàng Thúc nghe tiếng đồn tại lầu xanh của Tú Bà có một nường nhan sắc “đổ quán xiêu đình” nên hăm hở tìm đến, gặp được Thúy Kiều.

Sinh càng một tỉnh mười mê

Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.

Thúc Sinh lập kế chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, vượt qua mọi trở ngại sắm sửa lễ vật, kiệu hoa đón Kiều về chung sống hoan lạc, hạnh phúc suốt một năm trường…

Hoạn Thư tựa cửa trông tin chồng dài cổ, nghe phong thanh vườn mới thêm hoa, khiến:

Lửa tâm càng dập càng nồng

Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa.

Tuy nhiên, tiểu thư vẫn điềm nhiên quán xuyến việc nhà, bưng bít thị phi để giữ danh giá gia đình:

Trong ngoài kín mít như bưng

Nào ai còn dám nói năng một lời…

Riêng Kiều cũng khéo léo thăm dò:

Trộm nghe kẻ lớn trong nhà

Ở trong khuôn phép, nói ra mối giường…

Nghĩ đến tương lai, Kiều khuyên chàng Thúc nên lo liệu thu xếp “sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”.

Sinh về thăm vợ hiền, thấy nàng vẫn tươi cười nồng ấm tình cảm chẳng tỏ vẻ gì khác lạ nên chần chờ không dám thú thực mối quan hệ ngoài luồng:

Nghĩ rằng bưng kín miệng bình

Nào ai có khảo mà mình lại xưng.

Hết năm, Hoạn Thư tỏ lời nhắc chồng nên trở lại Lâm Truy hôm sớm lo việc phụng dưỡng cha già. Được lời như cởi tấc lòng, Thúc Sinh lên ngựa dong ruỗi quay về vườn Thúy. Hoạn Thư liền sang bàn bạc với Hoạn phu nhân.

Nghĩ rằng giận ghẻ hờn ghen

Xấu chàng mà có ai khen chi mình

Vậy nên ngoảnh mặt làm thinh

Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày…

Xin ý mẹ xong, tiểu thư liền mật sai bọn Khuyển, Ưng giong buồm vượt biển sang Lâm Truy dàn cảnh đốt nhà, bắt cóc tình địch đem về Hoạn phủ để phu nhân trừng trị, dạy bảo phép tắc, sau đó sẽ chuyển sang nâng khăn sửa áo cho tiểu thư…

Trên mình ngựa, chàng Thúc nôn nao dong ruỗi để mau hội ngộ bạn tình. Đến Lâm Truy chốn cũ thì phòng hương viện sách đã thành tro bụi, cây cỏ lau sậy đìu hiu. Ra mắt phụ thân mới biết người xưa đã lâm nạn chết cháy từ lâu, Thúc Sinh bàng hoàng than thở:

Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân

Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên.

Thôi thế là hết! Thúc Sinh nguôi ngoai dần tìm về bến cũ. Đến nhà được Hoạn Thư đón rước mừng rỡ gọi ngay Hoa nô ra lạy chào ông chủ. Bốn mắt nhìn nhau tưởng chừng trong cơn ác mộng, khiến cho:

Sinh đà phách lạc hồn xiêu,

Than ôi! chẳng phải nàng Kiều ở đây?

Nhân làm sao đến thế này

Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi…

Bà chủ lại truyền bày tiệc tẩy trần, bảo hoa nô đứng hầu rượu. Cảnh ngộ ngang trái khiến Sinh bàng hoàng ngây dại, phải cố ngậm đắng nuốt cay để che mắt vợ. Tiểu thư lại truyền Hoa nô đánh đàn mua vui!

Ôi chao:

Bốn dây như khóc như than,

Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng…

Thị uy, đùa cợt trên sự khổ đau tột cùng của chồng với tình địch cho thỏa lòng căm giận lâu nay. Hoạn Thư còn buộc Kiều phải khai trình đầy đủ rõ ràng lí lịch. Xem xét xong, tiểu thư trao lại cho chồng rồi bảo:

Vì tài nên trọng mà tình nên thương

Ví chăng có số giàu sang

Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên

Bể trần chìm nổi thuyền quyên

Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời

Sinh rằng: có thật như lời

Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa…

Thế là Kiều được cho ra ở QUAN ÂM CÁC chép kinh. Những tưởng giọt nước cành dương sẽ dần dần rưới tắt lửa lòng, đâu ngờ nghiệp duyên vẫn còn vương vấn…

Thừa dịp vợ vắng nhà, Thúc Sinh lọ mọ tìm sang Quan Âm các gặp gỡ sư cô Trạc Tuyền. Như xưa chàng Ngưu ả Chức, đôi bạn tình giọt ngắn giọt dài thở than nỗi nhớ niềm thương vì chỉ trong gang tấc mà như gấp mười quan sơn. Thúy Kiều mong cầu chàng Thúc tìm phương giải thoát cho nàng, Thúc Sinh đành thú thật:

Thấp cơ thua trí đàn bà

Trông vào đau ruột nói ra ngại lời…

Chàng chỉ dám khuyên người yêu:

Liệu mà cao chạy xa bay

Ái ân ta có ngần này mà thôi…

Dùng dằng chưa nỡ rời tay thì bất ngờ Hoạn Thư xuất hiện tươi cười hỏi chào ngọt ngào rồi cùng chồng thưởng ngoạn bình phẩm thư pháp chép kinh của Trạc Tuyền:

Khen rằng: bút pháp đã tinh

So vào với thiếp Lan đình nào thua

Tiếc thay lưu lạc giang hồ

Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài…

Thưởng trà xong, tiểu thư cầm tay chồng thong dong trở về tổ ấm.

Sư cô dò la tì nữ mới biết Hoạn Thư đã đến từ lâu, thấy nghe hết sự tình. Rất lo sợ, suy đi tính lại, Trạc Tuyền đành mượn tạm chuông vàng khánh bạc lận lưng phòng thân, chờ:

Lần nghe canh đã một phần trống ba

Cất mình qua ngọn tường hoa

Lần đường theo bóng trăng tà về tây

Bơ vơ đất khách quê người, Trạc Tuyền tìm vào am Chiêu Ẩn ra mắt ni sư Giác Duyên xin cho nương náu tu hành.

Duyên nghiệp trùng trùng, cũng do phạm giới trộm cắp, nói dối lại bị phát hiện nên Giác Duyên phải gởi gắm nàng đến ở nhờ Bạc bà. Từ đây, Thúy Kiều lại sa chân vào chốn lầu xanh lần thứ hai để có duyên gặp gỡ Từ Hải:

Trai anh hùng gái thuyền quyên

Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.

Họ Từ khởi nghĩa thành công làm chúa một phương liền sai binh tướng, cung nga thể nữ đưa xe phượng màn loan, trống đánh kèn thổi rước kiều về làm đệ nhất phu nhân. Trên ngôi cao ngất ngưỡng, uy quyền tột đỉnh, nàng Kiều nghĩ ngay đến việc ân oán giang hồ, quyết tâm báo thù cho hả dạ.

Trướng hùm mở giữa trung quân

Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi…

Người được phu nhân nhớ tới đầu tiên là chàng Thúc:

Nàng rằng: nghĩa trọng nghìn non

Lâm Truy người cũ chàng còn nhớ không?

Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng

Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?

Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân

Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là…

Oái ăm thay, vợ chàng Thúc lại được Kiều xếp hàng “chính danh thủ phạm” được dành riêng một bản án tàn khốc nhất để báo thù đầu tiên. Nhìn Hoạn Thư khấu đầu dưới trướng, nàng mỉa mai:

Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?

Đàn bà dễ có mấy tay

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!

Chẳng phải tay vừa, Hoạn Thư khéo léo biện hộ trước ba quân thiên hạ:

Rằng: tôi chút phận đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

Nghĩ cho khi các chép kinh

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo

Lòng riêng, riêng vẫn kính yêu

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai?

Mới nghe qua mấy câu phản biện nhẹ nhàng của tội đồ số một trong phiên tòa “đoạn trường” phu nhân đã cảm thấy lùng bùng lỗ tai, hoa mắt thấp thoáng Quan Âm các hiện ra. Định tĩnh, Thúy Kiều hiểu rằng Hoạn Thư đã công khai xác nhận ghen tuông là quyền của đàn bà để bảo vệ hạnh phúc gia đình đã được xã hội truyền thống chấp nhận. Ở Quan Âm các trước đây, Hoạn Thư tận mắt nghe thấy chuyện tình của Kiều nhưng cô ta vẫn bình tĩnh, lịch sự. Do Kiều quá lo lắng sợ hãi rồi đánh cắp chuông vàng khánh bạc trốn đi. Nếu muốn làm cho ra lẽ để trừ khử tình địch, lấy lại vật gia bảo quý giá thì với quyền lực của Hoạn gia, Kiều khó mà thoát được cảnh lao tù đày đọa. Ai hiểu Kiều bằng Hoạn Thư? Chính Hoạn Thư đã trân trọng ca ngợi tài sắc của Kiều nhiều lần trước chàng Thúc. Lương tâm của Kiều thúc đẩy nàng tuyên án:

Khen cho thật đã nên rằng

Khôn ngoan đến mức nói năng phải lời

Tha ra thì cũng may đời

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay…

Nghiệm lại, hai khuôn mặt nữ nổi bật nhất trong “Đoạn trường tân thanh”, chúng ta thấy:

– Hoạn Thư tuy ghen tuông nhưng vẫn giữ được lý trí, không làm gì quá tàn độc (giết hại, hủy hoại nhan sắc tình địch v.v. như ngày nay). Sau khi biết rõ gia cảnh, tài sắc của Kiều, Hoạn Thư đã mở lượng từ bi lấy ân mà báo oán. Nhờ đó trong cuộc đoạn trường chỉ có gia đình Hoạn Thư vẫn đoàn tụ hạnh phúc, lại được nhận thêm quà tặng hậu hỉ “gấm trăm cuộn, bạc nghìn cân”.

 

– Trạc Tuyền – Vương Thúy Kiều, đã từng quy y, thọ giới, công phu chép kinh tại Quan Âm các, hành trì tu niệm tại Chiêu Ẩn am một thời gian dài. Tiếc thay! Lửa sân quá dữ dội quên hết lời Phật dạy: “Lấy oán báo oán, oán oán chồng chất. Lấy ân báo oán, oán thù tiêu tan”. Thúy Kiều không rõ lý nhân quả nên trong lòng luôn luôn oán trời trách người, chờ dịp trả thù, trong phút chốc truyền lịnh xử tử bảy mạng người (Mã giám sinh, Tú bà, Sở khanh, Ưng, Khuyển, Bạc bà, Bạc Hạnh), khiến cho:

 

Máu rơi thịt nát tan tành

Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.

Oán hận tiếp tục chồng chất, nếu Kiều không phản tỉnh hết lòng sám hối thì ác nghiệp sẽ sinh ra quả báo đau khổ ngay đời này hoặc kiếp sau. Đúng là:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Nguồn: Phật học Từ Quang

Trần Đình Sơn