Cửu phẩm Liên Hoa – Cối kinh tại ngôi chùa niên đại 4 thế kỷ
Báu vật quốc gia có từ cuối thế kỷ 17 tại ngôi chùa Giám, thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương chính là tòa Cửu phẩm Liên Hoa – Cối kinh. Đây là công trình Phật giáo độc đáo ở Việt Nam.
Ngôi chùa Giám niên đại 4 thế kỷ thờ thiền sư nổi tiếng, một đại danh y của dân tộc Tuệ Tĩnh.
Cửu phẩm Liên Hoa – thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật
Chùa Giám tên chữ là “Nghiêm Quang Tự” tọa lạc trên một thân đất đẹp bên hữu ngạn sông Thái Bình. Căn cứ vào 2 tấm bia kí Chính Hòa năm 17″ Bính Tý niên 1696″, Chính Hòa thứ 22 “Tân Tỵ niên 1701”. Chùa Giám trước đây thuộc tổng An Trang, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Từ xưa, chùa Giám đã được liệt hạng Danh lam cổ tích, tương truyền khởi dựng từ thời Lý – Trần.
Chùa Giám là một kiến trúc cổ đẹp hiếm thấy ở nước ta, có cả tam quan ngoài và tam quan trong. Chùa được cấu trúc theo kiểu tiền Phật hậu Thánh và kết thúc bằng tòa Cửu phẩm Liên Hoa 3 tầng mái. Chùa còn giữ nhiều di tích của thế kỷ XVIII – XIX, như tượng, đồ thờ tự, bia đá. Tuy nhiên, sự độc đáo và dáng vẻ hoài cổ của ngôi chùa còn đậm đặc hơn nhiều trong căn nhà tháp với tòa Cửu phẩm Liên Hoa thiết kế theo kiểu hình lục giác đều, gồm 9 tầng hoa sen với tổng cộng 145 tượng phật. Đây cũng là 1 trong 3 ngôi chùa của miền Bắc còn giữ được dạng thiết kế này.
Theo quan niệm của Phật giáo, cứ quay một vòng tháp Cửu phẩm Liên Hoa thì lời trì tụng sẽ được nhân lên thành 3.542.400 lần, để người niệm mau đạt tới chính quả. Cửu phẩm Liên Hoa không chỉ mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta.
Sự hiện diện của các tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa ở Việt Nam một lần nữa khẳng định nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao ở nước ta vào cuối thế kỷ 17, 18.
Những nếp gỗ đã ngả màu thời gian. Mái ngói xô nghiêng, rêu phong bám phủ. Khách thập phương đến tham quan và chiêm bái bước chân lên bậc thềm với những phiến đá cổ mát lạnh.
Ở bên trong tiền đường, mọi chi tiết khắc họa đều phủ màu thời gian, từ những chiếc cột chống đến các vì chạm hoa lá, các cửa cuốn và cửa võng chạm quần long tinh xảo đều mang vẻ xưa cũ.
Tại chùa Giám và nghè Giám còn lưu giữ rất nhiều cổ vật chứa đựng những giá trị văn hóa – lịch sử quý, có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống văn hiến của vùng quê Cẩm Sơn, Cẩm Giàng, Hải Dương. Trải qua nhiều biến cố thời gian nhưng chùa Giám (xã Cẩm Sơn, Cẩm Giàng) vẫn giữ được nguyên vẹn dáng dấp và hồn cốt của mình.
Chùa còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị, đó là hệ thống tượng La hán, tượng phật gồm 100 pho tượng cổ, 02 chuông đồng lớn, 15 bia đá có niên đại từ thế kỷ 17 – 19. Đặc biệt còn pho tượng Tuệ Tĩnh, đây là di vật của một thiền sư nổi tiếng, một đại danh y của dân tộc, người có công đầu trong việc xây dựng chùa Giám và được tôn là “Thánh thuốc nam”.
Tuệ Tĩnh có tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ từ khi 6 tuổi, ông được sư chùa Hải Triều (tức chùa Giám hiện nay) nuôi cho ăn học. Vốn là người thông minh, hiếu học, năm 22 tuổi ông thi đỗ thái học sinh (Tiến sĩ) đó là vào thời Thiệu Phong (1341 – 1375). Nhưng ông không ra làm quan mà đi tu, tập trung thời gian và kiến thức vào sự nghiệp nghiên cứu y học.
Khi tu tại chùa Giám (Nghiêm Quang) ông đã lấy vườn chùa làm cơ sở trồng cây thuốc; tài năng và đức độ của ông nổi tiếng trong và ngoài nước, chính vì thế năm 55 tuổi, ông bị bắt đi cống nạp cho nhà Minh. Trong thời gian này ông đã chữa thành công nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho vua quan nhà Minh; cảm phục một nhân cách lớn, một tài năng y học lỗi lạc vua quan nhà Minh đã phong là “Đại y tôn thiền sư” và lưu ông ở Kim Lăng. Ở Trung Quốc một thời gian sau ông mất tại Giang Nam.
Hơn 30 năm hoạt động khoa học, Tuệ Tĩnh đã xây dựng nhiều chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông để lại những tác phẩm y dược lớn có giá trị. Tiêu biểu là các bộ sách “Nam dược thần hiệu” và “Hồng nghĩa giác y thư”. Ông xứng đáng với tôn vinh “Thánh tổ thuốc nam” trong lòng dân Nam Việt.
Chùa Giám có từ thời Lý và được Tuệ Tĩnh hưng công, trùng tu, tôn tạo vào thế kỷ 14. Đến cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu nội công ngoại quốc. Chùa Giám là di tích lịch sử văn hóa có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc, lịch sử, được xếp hạng quốc gia năm 1974 và là di tích được xếp hạng sớm nhất trên địa bàn huyện Cẩm Giàng. Tháng 12/2017, khu di tích chùa Giám được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc nam
Theo nhiều nguồn sử liệu và truyền thuyết tại địa phương thì lễ hội đầu tiên được tổ chức để kỷ niệm những bậc tu hành và viên tịch tại đây là: Hoà thượng Thích Thanh Mão giỗ vào ngày 28 tháng 11; hoà thượng Thích Thanh Bồi giỗ vào ngày 15 tháng 2. Mặt khác, chùa là nơi Tuệ Tĩnh từng tu hành và làm thuốc chữa bệnh nên ông được tôn thờ tại chùa và lễ hội chùa cũng là lễ hội kỷ niệm và tôn vinh vị Thánh thuốc nam Tuệ Tĩnh.
Lễ hội làng có chùa, nghè và đình, lễ hội được tổ chức chung của cả làng và bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 âm lịch; lễ hội do hội đồng kỳ mục và các vị chức sắc lý dịch đứng ra tổ chức, có sự chuẩn bị rất kỹ từ nhiều ngày trước.
Ngày khai hội, làng chuẩn bị kiệu đến nhà người nuôi bò (gọi là ông đám); đoàn rước “ông bò” được bố trí các thanh niên trẻ, khoẻ mặc áo nậu đỏ, thắt khăn đầu rìu rước bò từ nhà ông đám về đình và nghè để làm lễ cúng thành hoàng. Người chủ trì đám rước bò phải là hương dịch, hội đồng tộc biểu và các cụ bô lão, trong đám rước có người cầm cờ, quạt, tàn lọng che cho bò. Lễ tế Thành hoàng được diễn ra long trọng, đội tế nam có từ 15 đến 17 người; đặc biệt người đọc văn tế phải là người có chức sắc và uy tín đối với dân làng, năm đó nhà không vướng tang gia. Ngoài lễ vật cúng là bò, làng còn chuẩn bị lễ chay gồm xôi, hoa nghi giầu rượu, hương đèn. Các hoạt động diễn xướng có tuồng, chèo, hát ví, hát đúm làm cho không khí lễ hội tưng bừng, vui vẻ, mang đậm nét dân gian.
Đội tế nam quan của xã tế khai hội tại nghè. Lễ vật gồm: Một mâm lễ chay và một mâm lễ mặn. Lễ chay gồm: hoa nghi, bánh kẹo, quả, hương nến do ban tổ chức lễ hội chuẩn bị. Lễ mặn gồm: Mâm xôi, thủ lợn do thủ từ nghè chuẩn bị.
Sau khi lễ được tiến vào các ban, có hai cụ mặc áo lương, khăn xếp, một cụ đánh trống khẩu, một cụ đánh kiểng đi trước dẫn đoàn tế vào vị trí tế tại sân nghè; đoàn tế thực hiện các tuần tế gồm tế một tuần hương, 3 tuần rượu.
Lễ hội trang trọng rước tượng Tuệ Tĩnh từ nghè ra nhà văn hoá để làm lễ dâng hương tưởng niệm. Đoàn rước được sắp xếp trình tự: Đội múa lân – đội trống ếch – hồng kỳ, cờ thần – chiêng trống – kiệu rước ảnh Bác Hồ – đồ tự khí siêu đao, bát biểu – đoàn tế nữ quan – kiệu long đình rước thuốc nam – đội tế nam quan – đội bát âm, đoàn các nhà sư – kiệu bát cống rước tượng Tuệ Tĩnh, trước kiệu có một cụ đánh trống khẩu, một cụ đánh kiểng – đoàn các già và nhân dân.
Cùng các hoạt động thuộc phần lễ diễn ra tại chùa và nghè. Các trò chơi dân gian, trò diễn xướng ở lễ hội chùa Giám khá phong phú như: cờ người, chọi gà, đập niêu, bịt mắt bắt dê, cầu kiều trên cạn, bắt vịt, biểu diễn rối nước tại ao làng, rối cạn trên sân khấu nhà văn hoá. Trò diễn xướng có hát chèo, cải lương, quan họ…
Nhằm giới thiệu thân thế và sự nghiệp của đại danh y Tuệ Tĩnh, vào những ngày lễ hội tại nghè Giám, hội y học cổ truyền tổ chức khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc, giới thiệu thuốc nam cho du khách đến lễ hội. Dân làng và du khách mua thảo dược làm lễ xin thuốc Đại danh y Tuệ Tĩnh.
Lễ hội chùa Giám, từ truyền thống đến hiện đại, xuyên suốt vẫn là tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh đại danh y Tuệ Tĩnh người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp y dược dân tộc.