Cuộc du hành của Tử thư Tây Tạng

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1180 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

 Đối với những người học Phật, hoặc có sự quan tâm đến kho tàng sách vở và thư tịch phong phú của Phật giáo, Tử thư Tây Tạng là cái tên khá quen thuộc. Tuy vậy, có lẽ không nhiều người trong chúng ta biết được về tiểu sử thú vị và dị thường của nó.

Năm 2019, bản dịch cuốn sách Kinh Pháp hoa, tiểu sử do dịch giả Trần Văn Duy chuyển ngữ(The Lotus Sutra – A Biography, ấn bản lần thứ nhất, 2016) được giới thiệu tại Việt Nam, đóng góp thêm một tư liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu Phật học trong nước, cũng như đưa ra một chỉ dẫn cho những ai muốn hiểu hơn về bản kinh trứ danh với sức ảnh hưởng cực kỳ rộng rãi của Phật giáo Đại thừa.

Đây là một trong số những ấn phẩm thuộc loạt sách “Đời sống của các giáo điển vĩ đại” (Live of Great Religion Books) được Nhà xuất bản Viện Đại học Princeton chủ trương. Bên cạnh kinh Pháp hoa, một giáo điển Phật giáo khác cũng được chọn lựa để giới thiệu trong loạt sách này, đó là Tử thư Tây Tạng (The Tibetan book of the Dead). Cả hai cuốn “Tiểu sử” của hai văn bản Phật giáo đặc biệt nêu trên đều được thực hiện bởi giáo sư Donald S. Lopez Jr., một học giả người Mỹ với uy tín hàng đầu thế giới trong lãnh vực Phật học.

Bản dịch Tử thư Tây Tạng, tiểu sử được xuất bản năm nay, tiếp tục giới thiệu đến độc giả Việt Nam một công trình súc tích nhưng khá trọn vẹn về một văn bản với đời sống hết sức kỳ lạ. Bằng phương pháp giới thiệu lịch sử văn bản được thực hiện thống nhất trong cả loạt sách, cộng với năng khiếu kể chuyện thú vị và đôi khi hài hước của giáo sư Donald S. Lopez Jr., Tử thư Tây Tạng, tiểu sử dẫn dắt người đọc bước vào hành trình truyền bá giáo điển với tầm ảnh hưởng phổ quát trong đời sống tinh thần phương Tây kể từ khi xuất hiện tại châu lục này vào đầu thế kỷ XX.

Walter Evans-Wentz, nhà Thông thiên học cổ quái người Mỹ, người chưa từng đặt chân đến Tây Tạng, trong chuyến du hành đến Ấn Độ đã mua được “một bộ ván dày khắc các bản văn nghi thức tang lễ” từ một viên chức người Anh “qua lại giữa thuộc địa Ấn Độ của Anh và Tây Tạng”. Bắt đầu từ cuộc trao đổi này, cùng với sự kết hợp sau đó cùng một giáo viên Anh ngữ của trường nam sinh Maharaja’s Boarding ở Gangtok, Sikkim (Ấn Độ), Evans-Wentz đã mang về phương Tây một sản phẩm với tên gọi được đặt bởi chính ông: Tử thư Tây Tạng.

Giữa thời điểm mà phương Tây đang bao trùm bởi “niềm mê luyến bất diệt với cái chết”, phong trào thông linh thịnh hành và sức hấp dẫn của nền văn hóa ở các thuộc địa châu Á, Tử thư Tây Tạng nhanh chóng được đón nhận, với cả mối quan tâm từ những cái tên như C.G. Jung. Mặt khác, nó đem đến cho người đọc hình dung sơ khởi về quan niệm của người Tây tạng đối với sự sống sau cái chết, biểu thị trong khái niệm bardo – thân trung ấm.

Cuộc du hành của Tử thư Tây Tạng  ảnh 1

Tiếp sau đó, Tử thư Tây Tạng đã phát hành được trên một triệu bản kể từ khi được xuất bản lần đầu bằng Anh văn vào năm 1927. Carl Jung đã viết một bản bình chú về nó, Timothy Leary thiết kế lại bản văn như sách hướng dẫn cho một chuyến du hành bằng ma túy (acid trip), và The Beatles thì trích dẫn phiên bản Leary trong bài hát “Tomorrow Never Knowns” của họ. Gần đây hơn, cuốn sách đã được phong trào Nhà an dưỡng cuối đời (The Hospice Movement) áp dụng, Penguin Classics trân tàng, và chuyển thể thành sách nói (audio book) với giọng đọc của Richard Gere.

Trong bài giới thiệu hấp dẫn và thiên lịch sử ngắn gọn của mình, Lopez đã làm công việc đó là kể lại câu chuyện về cách vì sao bộ thu tập các văn bản Phật giáo khá mơ hồ và dễ bị thay đổi, không xác định nguồn gốc lại được tôn sùng – và bị hiểu sai – ở phương Tây.

Kể từ chuyến đi của nhà Thông thiên học đến Ấn Độ và “tưởng tượng về những gì nằm bên kia rặng tuyết sơn”, Tử thư Tây Tạng đã có hành trình dài, với nhiều lần tái sinh, ở nhiều nơi chốn khác nhau. Và mặc dù không có sức ảnh hưởng đặc biệt nào tại ngay chính Tây Tạng – nơi được cho là gắn liền với văn bản này, Tử thư lại phần nào là công cụ để những con người bên-ngoài-Tây Tạng bắt đầu cuộc khám phá về đời sống tâm linh của vùng đất nằm trên dãy Himalaya.

Không thể phủ nhận rằng Tử thư Tây Tạng dù ra đời theo cách nào, vẫn là một trong những yếu tố đem đến sự hấp dẫn cũng như lôi cuốn sự quan tâm của thế giới về Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng. “Văn bản Tây Tạng” này cũng đồng thời đưa đến cho con người những hình dung mơ hồ về cái chết, khơi dậy mối bận tâm về quan niệm tái sanh trong Phật giáo Tây Tạng. Sự hình dung về cái chết là điều đã ám ảnh phương Tây trong thời điểm Evans-Wentz mang về Tử thư Tây Tạng, có lẽ cũng là một trong những điểm then chốt giúp cho nó nhận được sự quan tâm nồng nhiệt ngay từ thời điểm nó được xuất bản lần đầu.

Trên hành trình khám phá đời sống của giáo điển này, Tử thư Tây Tạng, tiểu sử của Donald S.Lopez, Jr. lại là một cẩm nang cần thiết lẫn thú vị dành cho chúng ta. Sự thú vị của cuốn sách, như đã nói, đến từ biệt tài kể chuyện và dẫn dắt người đọc của tác giả. Và như nhận xét của Keneth I. Woodward, biên tập viên cộng tác của Newsweek, có lẽ chẳng ai khác ngoài Lopez có thể nghĩ đến việc bắt đầu một cuốn sách nghiên cứu về một giáo điển Phật học “bằng câu chuyện về nhà tiên tri Mormon Joseph Smith”!

Mặc dù được biên soạn “dành cho độc giả đại chúng”, như tinh thần của “Đời sống của các giáo điển vĩ đại”, với lượng thông tin cực kỳ đồ sộ và hàm súc, việc đọc cả hai bản “Tiểu sử” của kinh Pháp hoa lẫn Tử thư Tây Tạng đều là hành trình “vượt ải” mà độc giả cần bỏ ra nhiều thời gian. Tuy nhiên, kết quả thu lại được, chắc chắn, là rất xứng đáng.

Cuộc du hành của Tử thư Tây Tạng  ảnh 2
Giáo sư Donald S. Lopez, Jr.

 

Giáo sư Donald S. Lopez, Jr. là một trong các học giả Phật giáo hàng đầu thế giới mà học giới từng biết tới qua nhiều công trình nghiên cứu quan trọng đã được công bố trong hơn 20 năm qua. Ông hiện là Giáo sư đại học Ưu hạng tước hiệu Arthur E. Link, chuyên ngành nghiên cứu triết học Phật giáo Ấn-độ và Tây Tạng của phân khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Á châu tại Viện Đại học Michigan, Hoa Kỳ (Arthur E. Link Distinguished University Professor of Buddhist and Tibetan Studies in the Department of Asian Languages and Cultures at the University of Michigan).