Cung Trúc Lâm Yên Tử mang đậm giá trị Phật giáo nhà Trần
Kiến trúc sư Bill Bensley trong quá trình thiết kế Cung Trúc Lâm, điểm nhấn nơi hội tụ cuối cùng của tổng thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.
Kiến trúc sư Bill Bensley trong quá trình thiết kế Cung Trúc Lâm, điểm nhấn nơi hội tụ cuối cùng của tổng thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử lấy cảm hứng thiết kế từ tháp Tổ trên núi Yên Tử – nơi lưu giữ xá-lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông ngay sau khi Phật hoàng đi vào cõi niết bàn. Toàn bộ không gian mang đậm kiến trúc Phật giáo nhà Trần, cổ kính nhưng vẫn toát lên vẻ hiện đại của văn hóa Á Đông.
Sau 6 năm từ thiết kế đến xây dựng và hoàn thiện, cung Trúc Lâm Yên Tử nằm trong Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử thuộc quần thể di tích, danh thắng Yên Tử đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn.
Cư sĩ Lê Trọng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tùng Lâm – Yên Tử, cho rằng cung Trúc Lâm Yên Tử nói riêng và Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử là sự ấp ủ ý tưởng của GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và từ phía công ty hơn 10 năm.
“Kiến trúc sư Bill Bensley đã thiết kế toàn bộ công trình mang cái hồn Việt, nét Trần và tinh thần của thiền Thiền Trúc Lâm gắn liền với Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự nghiệp tu hành của Ngài’, ông Lê Tọng Thanh nói.
Nếu ai đã từng thăm tháp Tổ ở khu vườn tháp Huệ Quang trên núi Yên Tử thì đều cảm nhận được ngay kiến trúc chủ đạo của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm là kiến trúc tháp Tổ: Cổng/cửa vòm, tường dày, mái ngắn lợp ngói mũi sen được vuốt lên cao ở hai bên và các đường phào chỉ dọc theo diềm mái…
Tháp Tổ là di tích gốc duy nhất còn lại của Yên Tử, với phần đế tháp còn nguyên vẹn kể từ khi được vua Trần Anh Tông xây dựng vào năm 1309 – một năm sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn – và phần thân tháp được trùng tu vào thời Lê, thế kỷ 17.
Đây là kết quả của hơn 10 năm thai nghén ý tưởng về việc xây một công trình để đời, xứng danh với danh thiêng Yên Tử – nơi từng được coi là kinh đô Phật giáo của cả nước, với thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng do chính vị vua võ công hiển hách – Trần Nhân Tông sáng lập và cũng là vị sư tổ thứ nhất.
Ông Thanh chia sẻ, trước đó, lần lượt các kiến trúc sư đẳng cấp người Nhật, Pháp, Canada… với những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới và cả những kiến trúc sư hàng đầu trong nước được trân trọng mời đến, để rồi những bản phác thảo kiến trúc về công trình mơ ước cứ dần chất đầy trong kho lưu trữ, nhưng không đến được đích… Bởi, nếu chỉ để xây dựng một cụm công trình dịch vụ đơn thuần thì những bản thiết kế đó đạt, thậm chí vượt tầm, nhưng ông Tuấn cảm thấy không bản thiết kế nào thể hiện được hồn dân tộc cũng như kế thừa được tinh thần núi thiêng Yên Tử đã được hun đúc qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc và Phật giáo.
Với kiến trúc sư người Anh – Bill Bensley, trong lần lên thăm tháp Tổ trên núi Yên Tử để lấy cảm hứng thiết kế, ông đã tìm ra chìa khóa cho bản thiết kế sau đó ông vội trở về nước để bắt tay cùng các cộng sự phác thảo lên ý tưởng cho Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.
Sau lần thăm tháp Tổ trên núi Yên Tử đúng một tháng, Bill Bensley quay lại Yên Tử với hơn 100 bản thiết kế chi tiết của một Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử đã hoàn thành. Các bản vẽ đã thuyết phục được chủ đầu tư khi đưa được văn hóa bản địa vào công trình kiến trúc, kế thừa 3 giá trị cốt lõi của núi Yên Tử – đều ở tầm quốc gia và quốc tế: Tâm linh, văn hóa – lịch sử, thiên nhiên.
Cụm công trình mang giá trị của Phật giáo nhà Trần với kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Đại Việt theo hướng của “trục Tâm Đạo” với hàng loạt công trình như ổng tam quan Khai Tâm, gương thiền, Vườn tùng La Hán, Hồ Ngoạn nguyệt, Quảng trường Minh Tâm, Vườn Hoa Tâm…
Điểm nhấn cuối cùng hội tụ của tất cả chính là Cung Trúc Lâm Yên Tử nơi hội tụ những tinh hoa nhất của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và là nơi hàng nghìn Tăng, Ni, Phật tử, nhà tu hành, các học giả, nhà lịch sử trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng, tìm hiểu những giá trị cốt lõi của Phật giáo nhà Trần cũng như cuộc đời, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đoàn Chi
(tcdulichtphcm.vn)