Cũng là đàn bà
Ảnh minh họa
Nước mắt Hạnh chảy dài trên đôi gò má đã lấm tấm vết tàn nhang. Hình như cuộc đời đang cố tình lấy cô ra để trêu đùa.
Hạnh nghĩ rồi gượng cười, tay nhặt chiếc khăn vắt ở đầu giường trùm kín khuôn mặt sưng húp, hai tay bế con trai mới 8 tháng tuổi, bước ra ngoài hiên, với cái nón lá đã rách bươm, đội lên đầu, … cứ thế lặng lẽ ra khỏi nhà giữa trưa hè như đổ lửa.
Nước mắt Hạnh chảy dài trên đôi gò má đã lấm tấm vết tàn nhang. Hình như cuộc đời đang cố tình lấy cô ra để trêu đùa. Hạnh nghĩ rồi gượng cười, tay nhặt chiếc khăn vắt ở đầu giường trùm kín khuôn mặt sưng húp, hai tay bế con trai mới 8 tháng tuổi, bước ra ngoài hiên, với cái nón lá đã rách bươm, đội lên đầu, … cứ thế lặng lẽ ra khỏi nhà giữa trưa hè như đổ lửa.
– Bà Hiền! Bà Hiền… – Giọng bà Áy thất thanh từ ngoài ngõ. Cả đàn chó 5, 6 con lớn nhỏ trong sân nhà bà Hiền đang thiu thiu ngủ, nghe có tiếng người liền chạy ra sủa inh ỏi. Bà Hiền mất giấc ngủ trưa vì tiếng người lẫn tiếng chó, uể oải từ trong nhà bước ra, giọng trách móc:
– Bà Áy đó hả? Giữa trưa nắng, chuyện gì mà hớt hơ hớt hải thế?
Bà Áy vừa thở hổn hển, một tay vỗ vỗ lên ngực mình để trấn an, tay kia chỉ về phía cây Cầu Mới, miệng ngắc ngứ:
– Cái Hạnh, con dâu bà… nó bế theo thằng con… nó…
– Nó sao… bà nói như gà mắc tóc thế ai mà hiểu.
– Nó… nó ôm con trai nhảy cầu tự tử kia kìa. Bà… mau lên mà xem.
Bà Hiền vừa nghe, khuôn mặt liền tức thì biến sắc, thế nhưng sau đó vài giây, nó lại trở nên lạnh tanh. Trong suy nghĩ của bà, Hạnh sẽ chẳng bao giờ dám làm như thế. Vì bà biết tỏng tính con dâu vốn nhát, đã thế cô lại thương con hơn cả bản thân mình. Bà Hiền cười mỉa:
– Nó muốn chết, cứ để nó chết. Xem thử có chết được không?
– Bà Hiền, bà ác cũng vừa vừa thôi. Còn để đức cho con cháu sau này. Sao bà có thể vô cảm trước mạng sống của con dâu, của cháu nội bà như thế. Bà có còn là người không?…
Bà Áy tức giận, vội vàng bỏ đi sau câu nói. Bà Hiền đứng như trời trồng trước ngõ rồi lững thững bước vào nhà. Bà nhìn quanh nhà, tất cả đều im ắng khác thường. Gian nhà ngang (nhà dưới) vốn dĩ là nơi mẹ con Hạnh ở, không nghe tiếng ru con của Hạnh, càng không nghe thằng cu Giáp khóc vì đói sữa. Bà Hiền bước vào nhà chính, nhìn lên gian thờ ông Từ, người chồng đã mất cách đây hai năm vì đột quỵ.
Bà nhìn chằm chằm vào di ảnh ông. Từng lời nói của ông thuở bình sinh lại vọng về bên tai bà “Bà đừng lấy khổ đau của bà áp đặt lên con dâu, tội nó. Dù sao cũng là đàn bà với nhau…”. Chợt, phía sau bức di ảnh phát lên âm thanh “chách chách”, là tiếng của lũ thạch sùng đuổi cắn nhau nhưng lại khiến bà Hiền nổi da gà. Trong đầu bà lúc này lại hiện lên hình ảnh mẹ con Hạnh nằm thoi thóp bên chân cầu, xung quanh là người làng vừa xót thương mẹ con Hạnh, vừa oán trách người mẹ chồng tàn độc là bà. Bà Hiền ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi nhà như một mũi tên bay. Đầu trần, chân đất, chân bước thấp bước cao hướng về phía cây Cầu Mới, trong lòng thấp thỏm, lo âu và tội lỗi.
Hạnh về làm dâu bà Hiền cũng đã gần 3 năm. Những tưởng sẽ thoát khỏi kiếp khổ nhục từng trải qua trước đây, nhưng ngờ đâu… Dù cô nhất mực đảm đang, làm trọn đạo dâu hiền vợ thảo, người mẹ hết mực thương con, vậy nhưng mẹ chồng vẫn ghét cô ra mặt.
Gia đình Hạnh vốn nghèo nên cô không được học hành tử tế như bao người. Cuộc đời đưa đẩy, bắt cô phải làm vợ khi mới bước sang tuổi 18 được một ngày. Cô gái trẻ trung, tươi tắn, dáng người cao dỏng, mảnh mai ngày nào trở nên buồn rười rượi chỉ sau một lần vấp ngã. Cũng vì cả tin, Hạnh đã trao đi thứ quý giá nhất của đời con gái cho người đàn ông gặp lần đầu để rồi mang thai mà không hề hay biết. Đám cưới chạy bầu diễn ra chóng vánh.
Chỉ sau một tháng về làm vợ, Hạnh nhận ra gã chồng của mình là kẻ nghiện ngập, cờ bạc và vũ phu. Hắn ta lấy hết số tiền mừng cưới Hạnh dành dụm để đi đánh bạc, uống rượu. Hết tiền, hắn về nhà trút hết tức tối, bực dọc lên đầu Hạnh như cơm bữa. Chưa đầy nửa năm sống chung, hắn đánh đập Hạnh tàn nhẫn khiến cô chết đi sống lại trong bệnh viện 3-4 lần, khiến đứa con sắp sửa chào đời cũng chết yểu khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhờ cán bộ thôn xã giúp đỡ, cuối cùng Hạnh cũng ly dị được gã chồng hèn hạ. Gã nổi cơn thịnh nộ, đến nhà, tưới xăng định giết chết cả gia đình Hạnh để trả thù. Cũng may mọi người phát hiện kịp thời. Gã vũ phu trong lúc hoảng loạn, say xỉn, điều khiển xe máy bỏ trốn rồi lao thẳng xuống vực sâu và chết.
Sau những tổn thương về thể xác lẫn tâm hồn, Hạnh đã quyết định vào Nam xin làm công nhân. 3 năm đóng chặt cánh cửa lòng mình, Hạnh gặp Lương, khi cả hai làm cùng công ty may. Lương hơn Hạnh 1 tuổi, chưa một lần trải qua hôn nhân. Lương hiền lành, ít nói, nhưng chăm chỉ, đặc biệt là anh hiểu và rất yêu thương Hạnh. Cảm nhận được sự chân thành của Lương, cô nhẹ nhàng mở cửa trái tim mình để anh bước vào. Bố mẹ Hạnh nghe con gái kể về Lương, trò chuyện đôi lần với anh, biết anh là người tử tế nên cũng an tâm với sự lựa chọn của con gái mình.
Cưới nhau một thời gian thì Hạnh có bầu. Gần đến kỳ sinh nở, Hạnh quyết định về quê sống chung với bố mẹ chồng, còn Lương vẫn tiếp tục ở lại Sài Gòn làm công nhân. Lương thương vợ nên động viên cô chịu khó, chờ khi hai vợ chồng dành dụm thêm chút vốn liếng sẽ mua đất cất nhà ở riêng cho mẹ con Hạnh được thoải mái. Hạnh vui vẻ đồng ý.
Vợ chồng bà Hiền sinh được 2 người con trai. Lương là con trai cả, còn người con trai thứ 2 đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Từ ngày Hạnh về ở chung, bà Hiền chưa cho con dâu một ngày yên ổn. Tiền và vàng cưới của vợ chồng Hạnh, bà Hiền giành giữ thay với lý do nhà cửa tuềnh toàng dễ mất cắp. Rồi tiền hàng tháng Lương gửi về cho mẹ con Hạnh, bà Hiền cũng đòi cầm để mua thức ăn, tã lót, áo quần… Đến mớ rau, nải chuối trong vườn nhà,… bà cũng quy ra tiền để trừ ngang trừ dọc.
Người làng, ai cũng biết tính bà Hiền nên rất đồng cảm với Hạnh. Đang yên ổn, bà Hiền cũng tìm cớ đặt điều. Gặp việc nhỏ nhặt, bà cũng kiếm cớ chửi bới, có khi giật tóc, tát vào mặt Hạnh không thương tiếc bất kể khi cô đang bầu bì hay cho con bú. Mặc cho Hạnh van xin, cầu khẩn… Bà Hiền vẫn nghiến răng, mí mồm đay nghiến, hành hạ. Bà dọa nạt, cấm Hạnh hé răng một lời cho Lương biết, nếu không sẽ làm cho Hạnh sống không bằng chết.
Hạnh tiều tụy, héo hon. Nước da xanh bủng, hai mắt hốc hác, thâm quầng. Nhiều hôm vì ăn uống không đủ chất, thiếu sữa con bú, Hạnh xây xẩm, ngã nhào vì thiếu máu, rối loạn tiền đình. Phần vì sợ mẹ chồng, phần vì không muốn chồng phải lo lắng, nên Hạnh gắng gượng vui vẻ bên ngoài. Còn bên trong, căn bệnh trầm cảm của cô ngày một trầm trọng. Mấy lần Hạnh muốn xin phép bà Hiền lên Tuyên Quang thăm bố mẹ ruột, bà Hiền đồng ý cho cô đi nhưng không cho cô đưa theo thằng cu Giáp. Hạnh phân trần rằng ông bà ngoại nhớ và muốn gặp cháu ngoại thì bà Hiền gằn giọng, trách Hạnh sinh ra mồm mép thì phải biết nói lý lẽ để bố mẹ cô hiểu chuyện. Họ hàng, làng xóm biết chuyện, khuyên bà thì bà thẳng thừng đáp trả:
– Ngày xưa, bà nội cũng đối xử với mẹ tôi như thế, rồi thì mẹ chồng tôi sau này cũng đối xử y chang như thế với tôi. Giờ tôi…
Bà Hiền tức tưởi nhắc lại quá khứ của mình. Bà bảo, bà đã phải hứng chịu sự áp bức từ mẹ chồng, đến nỗi chỉ cần đi ngang qua trước mặt mẹ chồng, bà Hiền sẽ nhận lại sự xỉa xói hoặc mấy bãi nước bọt. Mẹ chồng ghét bà đến độ tới lúc chết, cũng chưa một lần gọi bà là con dâu. Trong khi đó, bà đâu có làm gì nên tội… Cũng may, ông Từ hiểu chuyện, yêu thương bà, bà được an ủi. Vết thương đậm sâu trong quá khứ khiến bà nổi cơn thịnh nộ và muốn trút xả hết lên Hạnh… để trả thù mà không hay biết rằng, Hạnh đau khổ, bà cũng không sung sướng gì.
Sự tra tấn về mặt tinh thần lẫn thể xác của mẹ chồng khiến Hạnh nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử. Thương bố mẹ ruột, không muốn họ phải khổ vì mình thêm nữa, Hạnh tự nhủ lòng, dù có chết, Hạnh cũng sẽ chết ở quê chồng chứ nhất định không về nhà mình.
Bà Hiền chạy tới chân Cầu Mới, thấy người làng đã đứng quanh đông nghịt. Thấy bà, ai nấy quay sang nhìn nhau xì xầm to nhỏ, trách móc, oán hờn. Cũng may, vừa thấy Hạnh bế con lội ra giữa dòng nước lớn, ai nấy hô hoán gọi nhau ra cứu kịp thời. Hạnh đang ngồi bệt dưới đất, áo quần ướt sũng, gương mặt thất thần, nước mắt vẫn không ngừng tuôn rơi, trên tay cô, thằng cu Giáp sau một hồi khóc vì đói, giờ đã ngủ ngon lành. Bà Hiền thở phào nhẹ nhàng vì biết con dâu và cháu nội mình vẫn bình an. Dường như lúc này, bà đã biết mình sai.
Biết chuyện Hạnh ở nhà phải chịu nhiều ấm ức từ mẹ, Lương càng thương vợ thương con. Anh quyết định về quê sống với vợ con đồng thời sẽ tìm công việc khác phù hợp. Một buổi sáng, Lương thưa chuyện với bà Hiền:
– Mẹ! Vợ con, cô ấy đã bị tổn thương quá nhiều rồi. Con không muốn cô ấy phải chịu thêm khổ đau nào nữa. Vì vậy, chúng con quyết định sẽ dọn ra ở ngôi nhà thuê gần đây. Lương nói xong thì đứng dậy bước đi.
– Lương…! – Giọng bà Hiền khản đặc, đứt quãng gọi với theo con trai. Bà định thốt ra lời xin lỗi nhưng bóng lưng con trai đã khuất lấp phía sau hàng rào.
Bà Hiền bần thần ngồi trước hiên nhà, khuôn mặt rầu rĩ, nhăn nhúm thả vào khoảng nắng quái cuối vườn. Sau hơn 3 tháng vợ chồng Lương dọn ra ở riêng, mỗi ngày trôi qua với bà đều là những dằn vặt, ăn năn, tội lỗi. Bà Hiền thực sự chẳng còn mặt mũi nào gặp con đẻ, con dâu, gặp cháu, và cả làng trên xóm dưới. Suốt ngày, bà chỉ quẩn quanh trong nhà. Thi thoảng, vợ chồng Hạnh vẫn ghé qua khi thì cho bà bát canh cua đồng, khi thì cái bánh răng bừa nhưng chỉ đặt ở ngoài cổng nhà, vì bà khóa cửa, chẳng dám nhìn mặt ai sau tất cả những gì bà đã làm.
Hôm nay, thằng cu Giáp tròn 1 tuổi. Bà Hiền đứng tần ngần ngoài cổng, tay cầm hộp quà có ý muốn tặng cháu, nhưng đôi chân chẳng dám nhúc nhích. Hạnh thấy mẹ chồng đứng ngoài ngõ, liền bước ra:
– Mẹ vào nhà đi… cu Giáp trông bà nội mãi.
Bà Hiền gượng bước theo sau con dâu vào nhà. Bữa cơm chiều, Hạnh đã chuẩn bị tươm tất. Hạnh mời mẹ chồng vào mâm. Bà Hiền lặng nhìn con trai, con dâu, rồi im lặng cúi xuống đất. Hạnh liền vui vẻ:
– Chuyện cũ đã qua rồi, mẹ đừng nghĩ nữa!
– Mẹ… mẹ cảm ơn các con.
Bà Hiền kéo vạt áo lên lau nước mắt rồi nâng chén cơm thơm dẻo con dâu đảm đang chuẩn bị. Hạnh gắp thức ăn cho mẹ chồng. Bà Hiền cũng gắp lại thức ăn cho con dâu. Lương ngắm nhìn từng cử chỉ, ánh mắt của hai người phụ nữ mình yêu thương, trong lòng rộn lên niềm vui khó diễn tả thành lời. Bỗng thằng cu Giáp ngồi trên chiếc xe tròn tập đi, bi bô gọi tiếng “B…a…bà” rồi cười tí toét. Ba người cùng hướng về phía đứa trẻ, nhìn nhau nở nụ cười yêu thương.