Cúng dường Tam bảo (Phần 2)
Người khéo tu hành trì sự cúng dường sẽ đạt tới trình độ cúng dường mà không phải cúng dường: Về hiện tượng tuy có thực hành việc cúng dường nhưng trong tâm thức thấy không có người cúng dường, không có nơi nhận mà cũng không có món gì đem cúng dường.
Tứ sự cúng dường
Đây là cách phân loại theo tiêu chuẩn phẩm vật hiến dâng, thường được gọi nôm na dễ hiểu hơn là Bốn món cúng dường Chư tăng. Đó là bốn thứ nhu cầu cần cho sự sống về thể xác của Chư tăng gồm có: Y phục, thức ăn uống, phòng ở hay giường nằm và thuốc men.
Đây là cách cúng dường Tăng bảo thiết thực và trực tiếp nhất.
Ngũ xứ cúng dường
Đây là cách phân loại theo tiêu chuẩn tâm nguyện kẻ cúng dường như báo ân người thi ân, đối tượng khởi sanh hay tăng trưởng tâm từ bi. Đó là năm nơi nhận sự cúng dường gồm có: Cha, mẹ, vị thầy đích thân trực tiếp dạy mình, vị thày làm gương mẫu cho mình noi theo và những người có bệnh cần sự giúp đỡ.
Ngũ chủng cúng dường
Đây là cách phân loại theo tiêu chuẩn phẩm chất thanh tịnh của món cúng dường. Năm món cúng dường gồm có: Nước có mùi thơm, hoa, nhang (hương), thức ăn uống thanh tịnh và dầu đèn để thắp sáng.
Tam chủng cúng dường
Đây là cách phân loại theo tiêu chuẩn phương tiện thích ứng với kẻ cúng dường. Ba phương tiện tùy nghi ứng dụng gồm có:
Lợi cúng dường là cúng dường bằng tài lợi như tịnh tài, hương hoa, trái cây…
Kính cúng dường là cúng dường bằng lễ kính, tán thán…
Hạnh cúng dường là cúng dường bằng đạo hạnh tức sự thọ trì diệu pháp mà tu hành.
2. Quán giải sự cúng dường
Quán giải sự cúng dường là suy ngẫm Chân lý để hiểu biết đầy đủ và rành rẽ về cả hai mặt pháp dụng và pháp thể. Sự cúng dường được quán giải như sau:
Pháp dụng thuộc về sự tướng, hiện tượng hay việc làm cụ thể cảm nhận được bằng giác quan. Về mặt pháp dụng, sự cúng dường cần hội đủ hai điều kiện căn bản: Điều kiện thứ nhất là có chủ thể và đối thể, nghĩa là có người hiến dâng và có nơi nhận như trường hợp cúng dường Chư tăng; điều kiện thứ hai là có người hiến dâng và có món hiến dâng có hình tướng như hương hoa hay một hành vi cụ thể như trường hợp Kính cúng dường, chấp tay lễ Phật.
Pháp thể thuộc về bản chất vô tướng có tính cách trừu tượng chỉ cảm nhận được bằng trí tuệ giác ngộ. Về mặt pháp thể, sự cúng dường không còn chia hai chủ thể và đối thể, năng và sở, người cúng dường và nơi nhận sự cúng dường. Trong Phật học, đây gọi là pháp môn Bất Nhị, nghĩa là Không phải Hai, tuy Hai mà Một. Ví dụ cụ thể: Giúp đỡ người đói khổ chính là tự giúp đỡ mình trong việc làm tăng trưởng tâm từ bi mau đạt tới viên mãn đạo quả. Độ tha là tự độ.
Kết luận:
Sự cúng dường tuy có nhiều cách phân loại, người con Phật phát tâm cúng dường không cần quan tâm đến sự chọn lựa cách cúng dường có tính cách quy lệ, cách này hay cách khác, chỉ cần biết tùy duyên ứng dụng, tùy cảnh ngộ đương gặp mà chọn cách cúng dường thích hợp thuận lợi nhất. Người khéo tu hành trì sự cúng dường sẽ đạt tới trình độ Cúng dường mà không phải Cúng dường: Về hiện tượng tuy có thực hành việc cúng dường nhưng trong tâm thức thấy không có người cúng dường, không có nơi nhận mà cũng không có món gì đem cúng dường. Đây là trường hợp đối cảnh vô tâm của hành giả đã chứng ngộ viên mãn.
Bảo Thông