Cúng dường Như Lai

Cúng dường Đức Phật là việc thường ngày của những người con Phật. Lễ phẩm dâng cúng thông thường là hương, đèn, hoa, trái, trà, bánh, có nơi chỉ là nước sạch. Với tấm lòng thành tín, lễ vật có nguồn gốc chính đáng, cung kính dâng lên Ngài tạo ra sự cúng dường thanh tịnh, phước sinh vô lượng.

 

“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, Thế Tôn vào thành Câu-thi, đi về phía Bản sanh xứ, giữa khu rừng Song thọ của dòng họ Mạt-la và bảo A-nan:

– Ngươi hãy sửa chỗ ở giữa cây Song thọ cho Ta nằm, đầu xây hướng Bắc, mặt xây hướng Tây. Sở dĩ như thế, vì giáo pháp của Ta sẽ lưu truyền lâu dài ở phương Bắc.

A-nan đáp: Vâng. Rồi dọn chỗ, cho đầu xây về phương Bắc. Rồi Thế Tôn tự mình lấy y Tăng-già-lê gấp làm tư, đắp lên mình, nằm nghiêng hông tay mặt như sư tử chúa, hai chân chồng lên nhau. Lúc đó giữa đám cây Song thọ có các quỷ thần vốn dốc lòng tin Phật, lấy các thứ hoa sái mùa rải khắp mặt đất. Phật bảo A-nan rằng:

– Vị thần cây Song thọ ấy lấy hoa sái mùa cúng dường cho Ta như thế, chưa phải cúng dường Như Lai.

A-nan thưa:

– Sao mới là cúng dường Như Lai?

Phật dạy:

– Người nào biết lãnh thọ và thực hành đúng Chánh pháp, mới là người cúng dường Như Lai”.

(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành, số 2 [trích])

Để Chánh pháp trụ thế lâu dài

919417_1431019657112400_658616081_o

Lời bàn: 

Cúng dường Đức Phật là việc thường ngày của những người con Phật. Lễ phẩm dâng cúng thông thường là hương, đèn, hoa, trái, trà, bánh, có nơi chỉ là nước sạch. Với tấm lòng thành tín, lễ vật có nguồn gốc chính đáng, cung kính dâng lên Ngài tạo ra sự cúng dường thanh tịnh, phước sinh vô lượng.

Thế nhưng, lễ phẩm cao cả nhất đó là “biết lãnh thọ và thực hành đúng Chánh pháp”. Trước khi Niết-bàn, dưới cội Ta-la, Đức Phật cẩn trọng căn dặn tứ chúng thêm lần cuối cùng về pháp cúng dường. Có vô số lễ vật dâng cúng Như Lai, có hằng sa pháp lành sinh phước, tất cả đều không tối thắng bằng học và tu theo Chánh pháp.

Người tu ngày nay thường động viên nhau “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”; đúc chuông, tạo tượng, in kinh, xây chùa, dựng tháp, tiếp Tăng, độ chúng để cúng dường Tam bảo. Những pháp lành này nếu song hành với tu học đúng Chánh pháp thì thật tuyệt vời, phước trí đều trang nghiêm. Còn những ai không kết duyên với phước hữu vi thì tìm nơi thanh vắng chuyên tu tập giới định tuệ. Nếu đi trọn con đường thanh tịnh này, với Chánh pháp là viên ngọc quý, là cúng dường Như Lai chân chính và cao cả nhất.

Thế nên, song hành với sự cúng dường Như Lai bằng các lễ phẩm thông thường, hàng đệ tử Phật cần cúng dường bằng sự tinh chuyên học tu theo Chánh pháp. Pháp học để thấy biết con đường. Kinh luận thì bao la, mênh mông như trời biển, không nhất thiết phải làu thông tất cả nhưng căn bản của giáo pháp thì cần nắm vững. Đức Phật lúc còn tại thế đã nhiều lần căn dặn chúng đệ tử phải nhận diện rõ lõi cây, dác cây, thân cây và cành lá. Lõi cây là Bát chánh đạo, rộng ra là 37 phẩm trợ đạo; là cốt tủy của Chánh pháp. Người học Phật cần lãnh thọ Chánh pháp tức biết rõ con đường, nắm vững tinh túy của giáo pháp.

Pháp hành tức thực hành đúng Chánh pháp. Pháp tu có vô vàn khác biệt, tùy hoàn cảnh căn cơ mà vận dụng khác nhau nhưng trọng tâm là thực hành giới định tuệ. Giới thì kinh luật đã ghi rõ, chỉ cần nghiêm cẩn thọ trì. Định chính là thành tựu Tứ thiền (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền) thông qua tu tập chỉ và quán. Tuệ chính là tâm trí bừng sáng khi đoạn tận tham ái, vô minh, quét sạch mười kiết sử.

Bậc Thánh A-la-hán, chứng đắc Tam minh, thành tựu giải thoát chính là pháp thành, kết quả của pháp hành. Chúng ta đang đi theo con đường ấy, cần lãnh thọ pháp học và thực thi pháp hành đúng Chánh pháp. Những ai làm được như thế thì người ấy mới chân chính cúng dường Như Lai.

Quảng Tánh