Cục đá cột chân người tu

Hễ bạn khởi tâm vọng niệm thì tự mình đã sai lầm rồi đó, là bởi do cái “ngã”, cái “tôi” tồn tại. Đây là niệm rất vi tế; chỉ do niệm này bắt đầu khởi dậy mà tất cả ý nghĩ khác dấy lên.

 

Cứ chê kẻ khác sai, kẻ khác xấu, còn mình thì luôn luôn đúng, luôn tốt; nghe người ta nói mình tốt thì vui, thì thích; bị kẻ khác chê xấu thì khó chịu, thì rầu, đó đều là nhân, ngã tướng, thấy thật có mình, có người. Khi tu hành mà còn có tướng nhân, ngã như thế thì không thể yên ổn tu hành. Khi còn ngã, tướng thì làm gì cũng thấy có cái “ta”, coi cái “ta” này trọng lắm, phân định ranh giới “ta” và “bọn họ” rõ ràng lắm. Như vậy thì chẳng có lợi gì cho việc tu, mà ngày ngày lại do đó phát sinh phiền não.

Nếu bạn đắm trước, chấp chặt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, chạm xúc, và ý tưởng) thì trí tuệ không thể khai phát được.

Tai của bạn lúc nào cũng thích nghe, nghe xem có ai nói xấu mình chăng; mắt lúc nào cũng thích nhìn hình sắc đẹp đẽ, đó là những việc chẳng lợi cho việc tu.
Không dẹp sạch ý niệm về “ta” và “người” (nhân, ngã tướng), thì không cách gì giải thoát.

Không dẹp sạch ý niệm về “ta” và “người” (nhân, ngã tướng), thì không cách gì giải thoát.

Không trừ sạch tham, sân, si, thì không có cách gì khai trí tuệ đâu!

Chỉ cần tham một thứ gì đó là đủ khiến ta trở lại vòng luân hồi rồi!

Tham một thứ thì nhiều thêm một thứ, ít đi một vọng niệm thì bớt đi một chút nghiệp, lại tăng thêm một phần giải thoát.

Không nên nổi lòng tức giận, dù nhỏ như sợi lông; nếu không, mình chẳng thể nhập đạo được.

Nếu bạn vẫn còn lòng yêu đương, tình ái trong quan hệ phụ mẫu, bạn bè, đồng sự, bà con… thì trăm ngàn vạn kiếp bạn vẫn mãi ở trong luân hồi. Nếu có hạt giống Phật thì sự tu hành tương đối mau hơn.

Không nên để những thứ xấu xa, rác rến chất đầy đầu não, thật là thống khổ đấy! Không nên yêu thích cái đẹp; hãy mặc cái y này (chỉ áo ca-sa của chư tăng, ni) mà trực tiếp tới cõi Tây Phương. Nếu bạn thích (mặc áo) đẹp thì sau này khi ở Tây Phương sẽ tự nhiên có y phục đẹp mặc vào, không cần phải may, phải mua. Có kẻ chưa tới Tây Phương song hiện đã có hình dáng như ở đó rồi.

Không nên học tánh cứng đầu, cố chấp.

Không nên có ngã chấp (luôn nghĩ tới cái “ta”, luôn cho rằng “ta” đúng). Có ngã chấp thì trí tuệ không khai mở. Đừng nên sinh lòng cống cao ngã mạn bởi vì nó chướng ngại đường đạo.

Không dẹp sạch ý niệm về “ta” và “người” (nhân, ngã tướng), thì không cách gì giải thoát. Sư phụ vốn dạy mình pháp môn giải thoát, Ngài nói pháp không phải để thu nhập nhân tài.

Nếu kẻ có tài năng song không khéo tu hành, do đó cứ nghĩ lăng xăng, tính toán việc này việc nọ. Tu hành là tu ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; là mặc áo thô, ăn cơm đạm, coi thử bạn có khả năng tu luyện để đầu óc được thanh tịnh hay chăng.

Trong tâm, thế lực xấu ác thì mạnh còn khuynh hướng tốt thì yếu. Thế tốt thì nói “tôi là tốt lắm đây”, thế xấu thì nói “tôi là tốt nhất đây!”. Tư tưởng xấu ác luôn đứng đầu, lấn át tư tưởng thiện, nên thiện chung cuộc bị ác đè bẹp. Đó là điều không tốt.

Từ thuở vô thủy đến nay, do ý niệm thiện trong lòng ta ít ỏi còn ý niệm xấu ác lại nhiều, nên tự tánh trong sạch (Phật tánh) bị che phủ, không xuất hiện được. Bởi vì niệm ác tích lũy ấy mà ta cứ khởi vọng niệm, thích ngủ, thích hưởng thụ… mà không cách gì đề kháng được. Đó chính là nghiệp chướng. Do đó, mình phải tu để chế phục nó. Nếu không, dù bạn đi đây đi đó nghe giảng, bạn chỉ là nghe vô một đống mà phiền não thì vẫn đầy dẫy, chẳng chỗ nào thông đạt!

Khi nghiệp chướng tới thì phiền não khởi, khi không chánh niệm thì tà niệm khởi. Lúc ấy, bạn thấy người nào cũng không hợp nhãn, thấy việc gì cũng chẳng vừa lòng. Có kẻ vì vậy mà muốn rời bỏ chùa, hoặc có kẻ cảm thấy không có ý vị gì nên muốn hoàn tục. Thật ra, không cần biết bạn có lý hay vô lý, hễ bạn khởi phiền não là bạn đã sai lầm rồi đó!

Không sợ hãi thì tâm mới an định. Khi tâm sợ hãi thì không thể an định. Sợ hãi là tâm lý chỉ do mình cảm nhận thôi, kẻ khác không cảm thấy như mình, do đó, chỉ có mình là bất lợi. Khi mình không tự chủ thì mới sợ. Sợ quá, sợ hoài thì sinh phiền não. Khi ấy, tâm không an định thì chẳng còn đạo tâm tu hành nữa.

Trích Cẩm Nang Tu Đạo của Hòa thượng Quảng Khâm