Cụ bà vãng sanh biết trước ngày giờ, tự lo sắp xếp tang sự cho chính mình
Sáng ngày 29 tháng 6 năm 1999, bệnh tình bà trầm trọng. Bà vẫn sáng suốt, luôn luôn chấp tay niệm Phật. Bạn đạo đến hộ niệm đông đảo. Bà bảo mọi người đừng khóc. Bà nằm ngửa chấp tay niệm Phật và niệm đến khi không còn niệm ra tiếng.
Nguyễn Thị Tân, pháp danh Diệu Hưng, sinh ngày 13 tháng 8 năm 1921, tại Trà Vinh. Đến tuổi trưởng thành, lập gia đình thì cư trú tại Sài Gòn. Lúc con trai của bà là Lý Trường Xuân vừa chào đời được 10 tháng, chồng bà qua đời, bà thủ tiết nuôi con, khi ấy bà 24 tuổi.
Năm 40 tuổi (1961), bà quy y Tam Bảo, rồi thọ Bồ Tát giới tại gia ở chùa Ấn Quang. Ban sơ, bà dùng chay kỳ, mỗi tháng 4 ngày. Đến năm 1979, bà phát tâm trường chay.
Bà thường xuyên đi chùa nghe pháp, thích làm các Phật sự, cùng các việc phước đức khác như: giúp chùa, giúp Tăng Ni, giúp trẻ mồ côi…
Bà hay đến chùa Ấn Quang và những chùa khác. Trong đó, có chùa Huệ Nghiêm, nơi đây bà quen biết với Thầy Thích Trí Tuệ.
Một tấm gương sáng, thân đau tâm vẫn niệm Phật được vãng sanh
Cảm cảnh khổ sâu xa của kiếp người, xét thấy vạn vật trên thế gian này đều hợp tan, phù du, ảo mộng, mong manh, ngắn ngủi, như sương, như chớp… Càng kinh hãi hơn khi thấu hiểu nỗi đau thương không bến, không bờ của vòng trầm luân xoay chuyển vô tận, vô cùng.
Do thấm nhuần Phật Pháp, lòng tin vững chắc vào bi nguyện độ sanh của Đức Từ Phụ A Di Đà, nên bà tha thiết niệm Phật cầu sanh Tây Phương.
Năm 1981 con trai bà ra nước ngoài, bà niệm Phật càng khẩn thiết hơn. Lúc quét rác, bà cũng niệm Phật, hốt rác, xới đất trồng rau, cũng niệm Phật,… Nhớ con cũng niệm Phật, càng nhớ càng niệm. Mười năm trường, biến niềm nhớ thương thành câu Phật hiệu.
Năm 1991 bà cùng cô con dâu và cháu nội sang Mỹ theo diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình. Thế rồi, bà tiếp tục đi chùa lễ Phật và làm công quả như trước, tiếp tục vui vẻ niệm Phật trong mọi oai nghi.
Bà may mắn gặp lại Thầy Trí Tuệ tại chùa Vạn Hạnh nhưng chùa Vạn Hạnh lại xa nhà, vì vậy bà thường đi chùa Vạn Phước của Thầy Vân Đàm. Sau này, chùa Vạn Phước đổi thành Tu Viện Pháp Vương.
Ngày rằm tháng tư năm 1999 (Lễ Phật Đản), bà vẫn còn làm bánh vui vẻ cúng Phật và còn vui cười dự “Ngày Cha Mẹ” do hội Ái Hữu Gia Long Miền Đông tổ chức.
Nhưng đến đầu tháng 6, thì bà phát bệnh nhanh chóng không thể ngờ, dù đau lưng rất dữ dội nhưng chưa bao giờ bà rên xiết. Gia đình đưa bà vào nhà thương Fairas. Nơi đây chẩn đoán bà bị nhiễm trùng đường tiểu.
Khi về nhà, bệnh không thuyên giảm. Sau đó, sang tiểu bang Virginia, đến bệnh viện Maryland, bác sĩ tìm ra ung thư bao tử; vì phát hiện quá muộn màng nên không còn điều trị được nữa, họ đành phải cho ra về.
Ngày 12 tháng 6 năm 1999, bà xuất viện. Về nhà, bà nói với Thiện Viên (con nuôi của bà – anh này là người rất có đạo tâm, hăng say làm các Phật sự):
– “Má đã biết đường đi rồi !”
Dáng vẻ của bà rất ung dung tự nhiên, không chút sợ hãi, lo buồn, dẫu biết rằng cái chết đang cận kề bên mình trong gang tấc.
Đến ngày 20 tháng 6 năm 1999, hội Ái Hữu Gia Long tổ chức cầu an cho bà tại Tu Viện Pháp Vương với sự hiện diện hàng trăm Phật tử trong vùng. Bà cười chào hỏi mọi người, thành thật cảm ơn tất cả và bình thản ra về sau buổi lễ.
Sáng ngày 29 tháng 6 năm 1999, bệnh tình bà trầm trọng. Bà vẫn sáng suốt, luôn luôn chấp tay niệm Phật.
Bạn đạo đến hộ niệm đông đảo. Bà bảo mọi người đừng khóc. Bà nằm ngửa chấp tay niệm Phật và niệm đến khi không còn niệm ra tiếng.
Đến 3 giờ 30 chiều thì bà trút hơi thở cuối cùng, sắc mặt liền thay đổi, gương mặt bỗng nhiên sáng đẹp hẳn lên. Hơi ấm còn lưu lại nơi đầu và trán. Bà hưởng thọ 78 tuổi.
Sau đó, Thầy Vân Đàm đến. Thầy rờ trán cụ, bảo:
– “Cụ ra đi tốt đẹp !”
Kế đó, Thầy Trí Tuệ cũng đến. Trước khi ra đi, bà đã chuẩn bị tất cả tang sự. Tất cả đồ liệm đem theo cho bà, bà tự lo sắm đầy đủ như quần áo liệm, mũ Quan Âm, kể cả chiếc mền Đà-la-ni, mà cháu con không hay biết.
Bà đã viết thư dặn dò khi bà chết phải đem đi thiêu. Khi nhặt tro phải lượm từ dưới chân dần lên đầu. Rồi đem vào chùa 49 ngày, sau đó đem rải ở đâu cũng được.
Lễ hỏa táng kết thúc thu được rất nhiều Xá Lợi. Gồm hoa Xá Lợi và xương Xá Lợi.
Trích: Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi – Tịnh Hải sưu tập.